Đoàn Thanh tra EC sẽ đến Việt Nam thực hiện đợt kiểm tra lần thứ 5 về khắc phục “thẻ vàng” IUU (vào tháng 10/2024), các địa phương đang nỗ lực xóa bỏ tàu cá “ba không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không giám sát hành trình) và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu quốc tế.
Nỗ lực thực hiện IUU
Đến tháng 9/2024, Bình Thuận là một trong những tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác kiểm soát và quản lý tàu cá. Tỉnh đã cấp đăng ký cho 6.170 tàu cá, trong đó 4.308 tàu đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực, chiếm tỷ lệ 71,2%, điều này cho thấy nỗ lực tuân thủ các quy định quốc tế về khai thác thủy sản của địa phương. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho 1.941 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên, đạt tỷ lệ 100%, giúp cơ quan chức năng giám sát hoạt động của tàu cá, đảm bảo tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản.
Thời gian qua, Bình Thuận cũng đã xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xử phạt 283 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 2,5 tỷ đồng… từng bước góp phần ngăn chặn các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.
Tỉnh Khánh Hòa cũng là “điểm sáng” thực hiện hiệu quả IUU, với 100% tàu cá ra vào các cảng đều được kiểm tra, kiểm soát. Toàn bộ 3.177 tàu cá của tỉnh đã được đăng ký (đạt 100%); 3.116 tàu đã được cấp phép khai thác thủy sản (đạt 98%) và 648/650 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…
Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp chống khai thác IUU trong 2 tháng cao điểm (tháng 7 – 8/2024); giữ vững những kết quả đã đạt được và đảm bảo không phát sinh các hành vi vi phạm thời gian tới…
Kỳ vọng và thách thức
Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các địa phương cần tiếp tục nỗ lực, quyết liệt hơn trong công tác chống khai thác IUU, nhằm không chỉ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mà còn nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác chống khai thác IUU, các địa phương ven biển vẫn nỗ lực xóa số lượng tàu cá “ba không” còn tồn tại. Đơn cử, tại Bình Thuận, việc hỗ trợ ngư dân đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác được tỉnh ưu tiên hàng đầu.
Còn tại Khánh Hòa, để kiểm soát các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, địa phương đang quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác qua phần mềm eCDT; xây dựng chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu để duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS)…
Các lực lượng chức năng cũng được huy động tối đa để giám sát chặt chẽ hoạt động của các tàu cá, ngăn chặn từ gốc những hành vi vi phạm. Nhờ đó, tình trạng vi phạm đã được kiểm soát và giảm thiểu đáng kể thời gian qua.
Chia sẻ về những nhiệm vụ chống khai thác IUU cần thực hiện ngay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, so với 4 lần đánh giá trước, Việt Nam hiện đã đạt kết quả tương đối tích cực. Thời gian tới, công tác chống IUU sẽ tăng cường thông tin truyền thông gắn với giáo dục, xử lý vi phạm hành chính theo đúng Chỉ thị 32-CT/TW. Ngoài chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, Việt Nam vẫn phải tăng cường tuyên truyền để bà con ngư dân nắm rõ, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm Việt Nam bán cho gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, nên phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của thị trường, tiêu chuẩn quốc tế.
Có thể thấy, việc chuẩn bị cho đợt thanh tra của EC không chỉ là trách nhiệm của các địa phương, mà còn là nhiệm vụ chung của cả nước. Sự thành công của đợt thanh tra này sẽ giúp Việt Nam tránh được những biện pháp trừng phạt từ EC, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thủy sản phát triển bền vững.