Chiều 12/8, tại thành phố Cần Thơ, tiếp tục chương trình khảo sát thực tế tình trạng sạt lở, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình và các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển trên địa bàn.
Phát biểu ý kiến gợi mở thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình sạt lở ở ĐBSCL diễn biến rất phức tạp. Chính phủ rất quan tâm giải quyết vấn đề này. Hai hôm nay, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ ngành đã đi khảo sát thực tế các khu vực bị sạt lở ở các tỉnh ĐBSCL.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích sâu thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ đó xác định mục tiêu trước mắt, lâu dài là gì để phát triển ĐBSCL; đưa ra các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp; phải có nguồn lực để thực hiện công tác này. Thủ tướng mong các nhà khoa học đóng góp ý kiến gợi ý các nhà quản lý thực hiện nhiệm vụ trước mắt là bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân, các công trình của Nhà nước, bảo đảm sinh kế của nhân dân phải “thuận thiên”, phát triển nhưng phải bền vững, là những vấn đề lớn đặt ra cho vùng ĐBSCL.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã có các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Quyết định của Chính phủ về vấn đề này nhưng tình hình chưa chuyển biến nhiều. Do đó phải tiếp tục các công việc để rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, tìm cách làm hiệu quả.
Theo Thủ tướng, những chỗ cấp bách phải làm ngay; nếu không làm nhanh thì những chỗ xoáy lớn gây sạt lở thì sẽ sạt lở nặng nề hơn. Nhiều nơi như Vĩnh Long nếu không làm nhanh thì sẽ sạt lở, mất cả dải đất; hay như ở Đồng Tháp “bên lở, bên bồi”, do đó chúng ta phải tìm giải quyết hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần của các bộ rất kiên trì, nghiên cứu, tìm giải pháp, tìm nguồn lực của Trung ương, xã hội để phòng chống sạt lở; các tỉnh thành phố trong khu vực rất quyết liệt trong việc này.
Thủ tướng cũng nêu rõ, một cuộc họp, một vài văn bản không thể giải quyết triệt để tình trạng này nhưng chúng ta phải làm, từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Thủ tướng cũng nêu rõ, tinh thần phát triển hệ thống tuyến cao tốc của vùng ĐBSCL rất tốt, được triển khai nhanh; từ bài học kinh nghiệm này cho thấy chúng ta suy nghĩ phải chín, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường phân cấp, phân quyền; ai làm tốt hơn thì phải được phân cấp, việc này phải được kiên trì.
* Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng đã khảo sát khu vực đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; khảo sát kè chống sạt lở khu vực dân cư vành đai nam Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; khảo sát tuyến kè bảo vệ khu dân cư xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang; khảo sát kè Hổ Cứ và các điểm sạt lở của tỉnh Đồng Tháp.
* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thiếu bền vững về kinh tế-xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km (bờ sông: 666 điểm/744 km; bờ biển: 113 điểm/390 km). Hiện tại còn 561 điểm: bờ sông 513 điểm/602km; bờ biển 48 điểm/208km; trong đó: điểm đặc nguy hiểm cần làm ngay là 63 điểm/204km (bờ sông 39 điểm /118km, bờ biển 24 điểm/86km).
Về các nguyên nhân cơ bản gây sạt lở, đối với tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, hầu hết các khu vực sạt lở thường xảy ra mạnh, phổ biến ở những vị trí tại đỉnh các khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư…Tình hình sạt lở ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, phạm vi. Sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực phía hạ nguồn (các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng).
Lưu lượng dòng chảy trên hệ thống sông Tiền lớn sông Hậu, khu vực đoạn sông cong, phân nhập lưu cũng nhiều hơn sông Hậu đây là những vị trí sinh ra vận tốc dòng chảy lớn phức tạp. Do vậy số điểm xói ở bờ, lòng sông thuộc hệ thống sông Tiền xảy ra nhiều hơn, mức độ cũng lớn hơn sông Hậu.
Các khu vực sông ảnh hưởng của cả lũ lẫn triều (vùng giao thoa), thường là có hướng, vận tốc dòng chảy rất phức tạp, đặc biệt là vào thời điểm triều rút vận tốc dòng chảy tăng lên đột ngột tác động gây xói lòng dẫn và sạt lở bờ sông là rất lớn (điển hình là các sông ở khu vực tỉnh Vĩnh Long). Ngoài ra, có nguyên nhân khác từ các hoạt động kinh tế xã hội thiếu kiểm soát.
Đối với tình trạng xói lở bờ biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vùng bờ biển Đông từ Tiền Giang đến Sóc Trăng là vùng có các cửa sông Cửu Long đổ ra, vì vậy chịu ảnh hưởng của chế độ dòng chảy, bùn cát trong sông là rất lớn, xu thế xói bồi bờ biển xảy ra xen kẽ, phụ thuộc theo mùa lũ và kiệt của dòng chảy sông Cửu Long.
Hiện tượng bồi lắng thường xảy ra ở một số vị trí có cửa sông lớn (Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, cửa Định An, Trần Đề …). Hiện tượng xói lở thường là những khu vực trực diện với biển. Theo số liệu khảo sát năm 2020 và 2022 mặt cắt khu vực bờ biển xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre bờ biển bị sạt lở với tốc độ khá lớn khoảng 30m/năm; mặt cắt khu vực bờ biển xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bờ biển bị sạt lở với tốc độ khá lớn khoảng 35m/năm.
Vùng bờ biển Đông từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau: Khu vực này tác động xói bồi phụ thuộc vào mùa gió là chủ yếu, nhìn chung bờ biển vùng này xu thế xói vượt trội, hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra trên hầu hết đoạn bờ biển này, tốc độ xói lở khoảng 10÷50 m/năm tùy theo vị trí, đặc biệt là khu vực thuộc tỉnh Cà Mau, có một số điểm tốc độ xói lên tới 70÷90m/năm. Vùng bờ biển Tây đoạn từ Mũi Cà Mau đến Rạch Giá xu thế xói lở là chính, bồi tụ rất ít, và một số đoạn xói bồi luân phiên, xen kẽ. Tốc độ xói lở vùng này phổ biến 10 – 15m/năm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý một số vấn đề đáng quan tâm: Mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng. Trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha; xói lở xảy ra quanh năm; trước đây chủ yếu là mùa lũ, hiện nay về mùa khô xói lở lại nhiều hơn (do ảnh hưởng của triều mạnh). Xói lở nghiêm trọng trên các sông/kênh nối Sông Tiền-Sông Hậu do cân bằng nước giữa 2 sông thay đổi (nước Sông Tiền có xu thế chuyển sang Sông Hậu). Xói lở tập trung nhiều ở Sông Tiền; tập trung ở An Giang, Tiền Giang và Cà mau (tổng chiếm 30%), An Giang 75 điểm, Tiền Giang 65 điểm, Cà mau 86 điểm…