Kết thúc nửa chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh rất phấn khởi, tự hào với những kết quả tỉnh đạt được trên các mặt công tác; đồng thời nêu cao quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra của cả năm.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, Quảng Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp; bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đồng thời phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh… Với sự linh hoạt, thống nhất trong công tác lãnh đạo, điều hành; sự đoàn kết, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, các lực lượng, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhiều chỉ tiêu KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,02% (đứng thứ 8 cả nước); thu hút FDI đạt 1,55 tỷ USD (đứng thứ 3 cả nước). Trong bối cảnh thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 21% chỉ tiêu Trung ương giao, tuy nhiên tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn đạt 29.130 tỷ đồng, bằng 54% dự toán Trung ương giao, bằng 101% so cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt hơn, với sự đầu tư mạnh mẽ cho du lịch – ngành công nghiệp không khói có nhiều dư địa phát triển, tổng lượng khách đến Quảng Ninh ước đạt trên 10,4 triệu lượt, tăng 18% so cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 140%; tổng thu từ du lịch tăng 34% so cùng kỳ. Cùng với đó, công nghiệp, xây dựng ước tăng 7,68%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 23,05%, tiếp tục đóng vai trò là động lực mới trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chất lượng đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; thế trận lòng dân vững chắc, QP-AN được bảo đảm… Kết quả này tiếp tục là động lực để Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong cả năm 2024.
Dự báo những tháng cuối năm tình hình khó khăn vẫn còn tiếp diễn. Tỉnh nhận định rõ những nhiệm vụ cần tập trung tháo gỡ và ưu tiên đẩy mạnh, đó là: Đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế đồng đều ở các ngành, lĩnh vực, địa phương; khắc phục tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; thành lập mới doanh nghiệp; giải quyết tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư công, tài chính, ngân sách, GPMB, cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn đuối nước…
Trên cơ sở nhận định những khó khăn, tồn tại, bước vào thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các cấp, ngành, đơn vị đang tập trung đẩy mạnh những giải pháp, chương trình hành động, nhằm cụ thể hóa mục tiêu giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%; tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp, tạo ra khoảng 30.000 việc làm tăng thêm…
Tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XIV vừa diễn ra thành công tốt đẹp, đã có nhiều nội dung quan trọng được thông qua, tiếp tục là cơ sở để các cấp, ngành cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực tại địa phương, đơn vị mình. Lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương đã hiến kế, nêu quyết tâm hiện thực mục tiêu phát triển KT-XH cả năm 2024. Trước mắt là quan tâm tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nhất là đối với các khu vực kinh tế, đảm bảo mục tiêu tăng cao để bù đắp lại cho một số khu vực không đạt kịch bản trong 6 tháng đầu năm; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ngoài ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp sớm đưa một số dự án chế biến, chế tạo vào sản xuất, tạo ra năng lực mới tăng thêm.
Để giữ vững tăng trưởng kinh tế 2 con số, tỉnh xác định rõ 3 trụ cột là: Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng tỷ lệ giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách; khai thác tối đa dư địa còn rất lớn, tạo bước phát triển đột phá trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế biển và kinh tế số. Trong đó, tỉnh tiếp tục các giải pháp thu hút doanh nghiệp thực hiện hoạt động XNK, nhất là qua cặp cửa khẩu Hoành Mô – Động Trung và lối thông quan Bắc Phong Sinh – Lý Hoả; phát triển một số sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác và mở rộng không gian du lịch, liên kết vùng, nội vùng gắn với các di sản, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; đồng bộ các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các KKT, KCN trọng điểm, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thu hút FDI năm 2024…
Các ngành, đơn vị, địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực hành động cao nhất, khắc phục khó khăn, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, không dám tham mưu, không dám đề xuất, đùn đẩy trách nhiệm; phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương… Đặc biệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường.
Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững gắn với chủ đề công tác năm 2024; xây dựng, hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử, bộ nhận diện thương hiệu tỉnh Quảng Ninh. Quan tâm thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh và thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu duy trì toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Trung ương; hoàn thành chỉ tiêu không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh…
Với những mục tiêu, chỉ tiêu đã xác định, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã và đang thống nhất, đồng lòng thực hiện với quyết tâm cao nhất.