Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã phát huy tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, ban hành kịp thời nhiều quyết sách quan trọng sát thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó góp phần cùng hệ thống chính trị toàn tỉnh triển khai đúng định hướng, đạt những kết quả quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Đến thời điểm này, HĐND tỉnh khóa XIV đã tổ chức 19 kỳ họp, ban hành gần 300 nghị quyết về các chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách quan trọng, cần thiết trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, đáp ứng thực tiễn khách quan, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Qua đó góp phần xây dựng chính quyền địa phương vững mạnh, thực sự “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Trong đó phải kể đến các quyết nghị về cơ chế, chính sách phân bổ nguồn lực, hỗ trợ cho các địa phương đầu tư xây dựng, nâng chuẩn cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế, bổ sung nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm cho người dân; cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; bảo trợ xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, dân tộc… tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Nổi bật là Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025… Những quyết sách được ban hành đã góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy, thể hiện rõ việc ưu tiên tối thiểu nguồn lực ngân sách nhà nước (khoảng 4.000 tỷ đồng) và vốn huy động hợp pháp tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, vay vốn phát triển sản xuất, sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP… cho các xã, thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và đang thực hiện chương trình NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Sau 3 năm triển khai, đến nay tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của trung ương; không còn nhà ở tạm, dột nát; không còn xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới của trung ương. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 73,348 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước, cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người dân vùng DTTS. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước kịp thời thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn đến hết năm 2025, qua đó tỷ lệ đồng bào DTTS có BHYT đạt trên 98%.
Ông Lý Tài Thông, nguời có uy tín tiêu biểu xã Tân Dân (TP Hạ Long), chia sẻ: Những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đúng cách của tỉnh những năm gần đây, đặc biệt phải kể đến Nghị quyết 06-NQ/TU, hay những cơ chế chính sách được HĐND tỉnh ban hành về đầu tư, phát triển bền vững kinh tế – xã hội ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo… đã khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, lo lắng trước những khó khăn của người dân khu vực này. Các chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống đã đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân, là động lực khuyến khích đồng bào DTTS vươn lên chung tay thi đua phát triển sản xuất, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước như trước kia. Bà con ngày càng tin tưởng, kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, của chính quyền và quyết tâm chung tay, đồng lòng thực hiện.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng hành cùng doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Nổi bật như Nghị quyết số 155/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 “Về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025”. Chính sách được đưa ra góp phần cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy “Về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” – Nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới. Qua đây tiếp tục kiến tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước trong nhiều năm liên tiếp; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2023 đạt 3,1 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước, cao nhất từ trước tới nay.
Ông Trần Kinh Vĩ, Tổng Giám đốc vận hành toàn cầu, Tập đoàn Jinko Solar, khẳng định: Quảng Ninh đã trở thành địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của Jinko Solar trên phạm vi toàn cầu. Các nhà máy đang hoạt động tại Quảng Ninh hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của Tập đoàn tại nước ngoài. Sự đồng hành và hỗ trợ hiệu quả, thực chất của tỉnh thời gian vừa qua, cùng với đó là những điểm tích cực trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chính là những yếu tố quyết định để Tập đoàn tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam và các dự án khác trong tương lai…
Ở một địa bàn có tốc độ phát triển cao như tỉnh Quảng Ninh đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với việc tăng cường quản lý phát triển xã hội toàn diện, nghiêm minh. Vì vậy HĐND tỉnh đã có các cơ chế, chính sách góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh. Đến nay, HĐND tỉnh đã thông qua quy định 18 chính sách áp dụng cho 7 nhóm đối tượng thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh, tạo đột phá trong công tác phòng chống tội phạm ma túy; 3 huyện không có ma túy, khoảng 50% xã, phường, thị trấn không có ma túy.
Những kết quả hoạt động của HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của toàn tỉnh những năm qua trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay; giữ vững địa bàn an toàn, ổn định và đà phát triển với kết quả tăng trưởng GRDP 2 con số năm thứ 9 liên tiếp (2015-2023), hoàn thành trước nhiều mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ, nhất là mục tiêu văn hoá – xã hội – con người, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, GRDP bình quân đầu người đạt 9.500 USD. Chỉ số niềm tin của người dân đối với Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh qua điều tra xã hội học đạt trên 96%.