Bằng những việc làm thiết thực, sáng tạo thông qua thành lập, duy trì hiệu quả các CLB văn nghệ, CLB thêu thổ cẩm, đẩy mạnh việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhiều hội viên, phụ nữ tại các địa phương vùng cao của tỉnh đã trở thành nhân tố tích cực trong việc tiếp nối, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà còn góp phần quan trọng phát triển du lịch, kinh tế, xã hội địa phương.
Ở xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu), phong trào văn nghệ quần chúng, đặc biệt là hoạt động của các CLB hát Then – đàn tính từ xã đến thôn đã được duy trì từ lâu, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân nơi đây.
Chị Lèo Thị Lường, Chủ nhiệm CLB văn nghệ xã Hoành Mô, chia sẻ: Không chỉ cùng tập hát, tập đàn cho hay, thành viên CLB đều tích cực sáng tác, đặt lời mới cho các làn điệu Then để tham gia biểu diễn tại những dịp lễ hội, tết, ngày kỷ niệm trọng đại của tỉnh, huyện và các hoạt động văn hóa của thôn, bản, khu phố và gần đây là phục vụ cả khách du lịch. Qua đó, vừa tạo không gian văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của bà con vừa góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Với trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết các thôn, khu trên địa bàn huyện Bình Liêu hiện còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ trong sinh hoạt đời thường, từ các làn điệu dân ca hát Then – đàn tính, hát Soóng cọ, hát Pả dung đến các trò chơi dân gian như đánh quay, ném còn, đẩy gậy, những món ăn truyền thống độc đáo nổi bật như các loại bánh ngải, bánh coóc mò, bánh tài lồng ệp…, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa ấy không thể không nhắc đến vai trò của đông đảo hội viên, phụ nữ ở địa phương.
Bà Trần Thị Thoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu, cho biết: Toàn huyện hiện có 7 CLB văn nghệ cấp xã, thị trấn và hầu hết các thôn, khu đều thành lập và duy trì hoạt động văn nghệ truyền thống, trong đó hội viên, phụ nữ là những thành viên nòng cốt. Bên cạnh hoạt động của các CLB, hội viên, phụ nữ còn tích cực tham gia biểu diễn văn nghệ, chơi trò chơi dân gian tại các dịp lễ, tết truyền thống, ngày hội giao lưu văn hóa, văn nghệ; thi thêu thổ cẩm, thi trình diễn trang phục dân tộc; mặc trang phục truyền thống đi học, đi làm. Đặc biệt, nhiều chị em đã tận dụng những đặc trưng văn hóa dân tộc mình về ẩm thực, kiến trúc nhà ở, trang phục để phục vụ, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả.
Đồng thời, các cấp Hội phụ nữ cũng tuyên truyền hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…
Tại thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), CLB thêu của thôn đã duy trì hơn 5 năm nay, trở thành địa chỉ quen thuộc để hội viên, phụ nữ trong thôn gặp gỡ, cùng truyền dạy cho nhau về nghề thêu thổ cẩm truyền thống và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bà Triệu Kim Thành, Chủ nhiệm CLB thêu thôn Nà Bắp, chia sẻ: Đối với người Dao, con gái tối thiểu phải có 4 bộ, nam giới tối thiểu phải có 2 bộ để thực hiện các nghi lễ cưới, lễ cấp sắc. Trên những bộ trang phục truyền thống của người Dao thì nổi bật chính là các họa tiết thêu thổ cẩm nhiều màu sắc. Vì vậy, CLB thêu của thôn được thành lập nhằm mục đích truyền dạy nghề thêu thổ cẩm cũng như gìn giữ trang phục truyền thống của đồng bào cho thế hệ trẻ. Cứ người già dạy cho người trẻ, các bà, các mẹ dạy cho con cháu, đến nay, ngày càng nhiều các cháu thanh thiếu niên trong thôn đã biết thêu, đó là niềm vui và động lực để CLB tiếp tục hoạt động hiệu quả.
Không riêng tại Bình Liêu, Ba Chẽ, xác định phụ nữ là nhân tố tích cực tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thêm hiểu biết và yêu mến, tự hào về các giá trị văn hóa của dân tộc; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến của phụ nữ trong việc gìn giữ văn hóa.
Hội LHPN tỉnh đặt chỉ tiêu 100% Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố chủ trì xây dựng ít nhất 1 mô hình hoặc CLB về phát huy giá trị văn hóa, con người gắn với phát huy đặc trưng văn hóa riêng có của từng địa phương; 100% các cơ sở Hội phát động và thực hiện phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa – văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng, đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ.