Quảng Ninh hiện có 43 dân tộc cùng cư trú, trong đó có 42 dân tộc thiểu số (DTTS) với trên 162.000 người, chiếm 12,31% dân số cả tỉnh. Những năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS luôn là tấm gương lan tỏa tinh thần tích cực, nhất là về ý chí, ý thức lao động, học tập, công tác, góp phần xây dựng cộng đồng ngày càng giàu đẹp, văn minh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ năm 2017 đến nay, trải qua nhiều cương vị từ Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, đến Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, anh Triệu Tiến Lộc (thôn Bàng Anh, xã Tân Dân, TP Hạ Long) luôn phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào DTTS, thực sự là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Anh Lộc luôn trăn trở làm sao để giúp gia đình và bà con có thể phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Để bà con tin tưởng và làm theo, anh Lộc cùng gia đình tiên phong trong phong trào chuyển đổi diện tích vườn rừng gỗ keo sang trồng cây gỗ lớn. Tận mắt chứng kiến mô hình phát triển kinh tế của anh Lộc, bà con trong thôn đã học theo cùng phát triển kinh tế từ rừng, qua đó đời sống từng bước được nâng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân thôn Bàng Anh từ trồng rừng đạt 80-100 triệu đồng/năm. Từ năm 2020 đến nay, trong thôn không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Anh Triệu Tiến Lộc chia sẻ: Giai đoạn 2017-2020, với việc được hỗ trợ 50% tiền mua cây giống, tôi đã mạnh dạn đăng ký trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên do Nhà nước giao, góp phần phát triển kinh tế gia đình, cũng là để giúp cho công tác phát triển rừng được tốt hơn. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được 8,1ha cây dược liệu, với gần 6ha cây khôi tía; trồng và gìn giữ, chăm sóc trên 7ha rừng lim… Trên cơ sở hiệu quả từ mô hình chuyển đổi của gia đình, tôi đã vận động được nhiều hộ dân trong thôn chuyển đổi diện tích rừng keo sang trồng cây gỗ lớn, đem lại thu nhập ổn định và vươn lên là hộ khá trong thôn. Đến nay, toàn thôn trồng được trên 25ha cây giổi, gần 20ha cây quế, thông và trên 5ha cây gió bầu.
Không chỉ những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS, thế hệ thanh niên 9X, 10X người DTTS cũng luôn nỗ lực vượt khó, phấn đấu trong học tập, hay mạnh dạn khởi nghiệp vươn lên thoát nghèo trên quê hương của mình. Điển hình là Chìu Cắm Tình (sinh năm 2008, người dân tộc Dao ở huyện Bình Liêu), một trong những tấm gương thanh niên người DTTS tiêu biểu được các cấp, ngành, biểu dương khen thưởng.
Chìu Cắm Tình tâm sự: Gia đình em thuộc hộ khó khăn, sống dựa vào công việc đồng áng, nương rẫy theo mùa. Em là con cả, sau có 2 em. Vì hoàn cảnh gia đình, đã có những lúc tưởng chừng như con đường học tập phải bỏ dở giữa chừng, song em rất cảm ơn sự quan tâm của tỉnh, địa phương đã giúp những học sinh người DTTS, miền núi như em có cơ hội được học tập trong môi trường tốt như hiện nay. Sau khi học xong lớp 9, em đã trúng tuyển vào Trường PTDT Nội trú của tỉnh, đây là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh người DTTS. Em luôn tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để có cơ hội thoát nghèo và sau này giúp đỡ gia đình, xây dựng quê hương.
Thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của người thân, Chìu Cắm Tình biết rõ chỉ có con chữ mới có thể đưa gia đình thoát nghèo, giúp bản thân thay đổi tương lai. Vậy nên Chìu Cắm Tình luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên mỗi ngày và đạt “bảng vàng” thành tích trong học tập. Suốt những năm học trung học, Tình đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đoạt giải Ba môn Toán trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.
Không chỉ đạt thành tích học tập xuất sắc, Chìu Cắm Tình còn có niềm say mê với truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bên cạnh việc duy trì mặc trang phục dân tộc trong các tiết học vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, Tình còn tham gia tích cực trong CLB Hát then đàn tính của trường, tham gia biểu diễn tại các chương trình ngoại khóa của trường, tham gia những sự kiện văn hóa của huyện Bình Liêu tổ chức như: Hội hoa sở, Lễ hội đình Lục Nà… Những hoạt động đó giúp Tình bồi đắp niềm tự tin, tự hào dân tộc; lan tỏa đến thế hệ trẻ người DTTS nói riêng, toàn tỉnh nói chung về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Cũng như anh Triệu Tiến Lộc, hay Chìu Cắm Tình, những người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thực sự là những tấm gương sáng, hạt nhân tích cực, vận động, thuyết phục, truyền cảm hứng để đồng bào các dân tộc khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong đó, nhiều gương điển hình tiên tiến đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn, pháy huy các giá trị văn hóa truyền thống, như ông Triệu Xuân Hồng (dân tộc Dao), Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hoá dân tộc Dao Thanh Phán thôn Làng Cổng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ); ông Trạc A Thìn (dân tộc Tày), bà Lỷ Pắc Kíu (dân tộc Dao), Chủ nhiệm CLB Hát sán cố xã Quảng An (huyện Đầm Hà)… Những gương điển hình người DTTS chung tay xây dựng NTM trên địa bàn, như ông Tằng Dếnh Thân (dân tộc Dao), người có uy tín thôn Bản Mốc 13 (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà); ông Phoòng Phu Mềnh (dân tộc Dao), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Cà (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên)…
Bên cạnh đó, trong xây dựng các mô hình kinh tế thoát nghèo, làm giàu chính đáng, phải kể đến những điển hình người dân vùng đồng bào DTTS, như ông Chíu Dì Sếnh (dân tộc Dao), Giám đốc HTX Quế Lâm (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà); ông Liêu Văn Hoàng (dân tộc Sán Dìu), người có uy tín thôn Thác Bạc (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả)… và còn nhiều tấm gương là người DTTS trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý nhà nước, bảo đảm ANQP và quản lý cộng đồng thôn, bản.
Sự đóng góp của những điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS đã, đang và tiếp tục tạo sức lan tỏa giá trị tinh thần to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng bản, làng, cụm dân cư vùng DTTS và miền núi ngày một giàu mạnh.