Sinh ra, lớn lên, gắn bó gần hết cuộc đời với Bình Liêu, những nghệ nhân cao tuổi nơi đây trở thành “báu vật sống” của bản làng. Họ không chỉ tâm huyết nâng niu, gìn giữ từng điệu then – đàn tính ngọt ngào, đằm thắm mà còn nỗ lực từng ngày trao truyền cho thế hệ trẻ với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống quý báu, lâu đời của quê hương.
Theo các nghệ nhân ở Bình Liêu, hát then của người Tày có từ thuở rất xa xưa. Hát then không chỉ đơn thuần là hình thức diễn đạt nội dung bằng nhạc điệu, phương thức giao lưu, giao duyên giữa trai, gái với nhau, mà còn được người Tày xưa gắn liền với hoạt động tín ngưỡng, tâm linh. Các gia đình người Tày xưa thường sắm sửa lễ vật để mời thầy then về nhà làm lễ giải hạn, cầu phúc lộc, cầu sức khỏe để bắt tay vào công việc mới. Theo thời gian, then đã vượt ra khỏi các nghi lễ đó, trở thành phương thức giao lưu giữa mọi nhà, giao duyên giữa nam nữ của người Tày Bình Liêu.
Ở tuổi gần 86, Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú (khu Chang Nà, thị trấn Bình Liêu) được biết đến là người chế tác đàn tính duy nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Từ khi còn bé, ông vẫn thường theo người lớn trong nhà đi xem và nghe biểu diễn hát then. Ông thường nhẩm hát theo, lâu dần cũng thuộc và biết hát. Đam mê và nuôi dưỡng tình yêu với then, lớn hơn chút, ông bắt đầu tập sáng tác các bài hát then mới. Đến nay, nghệ nhân Lương Thiêm Phú đã sưu tầm được gần 10 bài then cổ, sáng tác được hơn trăm bài hát then mới, mở 16 lớp dạy hát then, đàn tính cho 360 người đủ các lứa tuổi tại địa phương.
Không chỉ sưu tầm, truyền dạy then, ông còn tự mày mò mua vật liệu về để sản xuất những cây đàn tính hai dây rất độc đáo ở Bình Liêu. Có lẽ nhiều người dân tộc Tày ở Bình Liêu biết làm đàn tính. Tuy nhiên làm đàn đẹp, chuẩn âm, trở thành sản phẩm hàng hóa thì có lẽ chỉ mình ông Lương Thiêm Phú làm được. Không chỉ làm đàn tính để phục vụ biểu diễn mà ông còn làm cả những chiếc đàn tính nhỏ xinh phục vụ nhu cầu khách du lịch đến Bình Liêu, góp phần quảng bá, lan tỏa nét đẹp văn hóa của quê hương.
Bà Hoàng Thị Viên (SN 1957, khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu) cũng là một trong những nghệ nhân cao tuổi vẫn tích cực tham gia dạy hát then, biểu diễn hát then tại các dịp lễ hội, các chương trình giao lưu nghệ thuật ở cả trong và ngoài tỉnh. Được nghe bà Viên truyền dạy hát then cho các em thiếu nhi mới thấm thía được hết tình yêu bà dành cho làn điệu dân ca quê hương. Từng ngón tay của nghệ nhân gảy thuần thục trên dây đàn tính hòa quyện trong giọng hát nhẹ nhàng mà khiến người nghe say đắm, lưu luyến đến lạ. Và cũng không có gì lạ khi mà niềm say mê hát then của bà Viên được lan truyền đến cho chồng, cho con, cho cháu.
Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Viên kể: Chồng tôi trước kia không biết hát then mà chỉ nghe tôi hát. Nghe nhiều rồi “ngấm” từ lúc nào không hay nên bắt tôi phải dạy cho cách hát và chơi đàn tính. Từ nhiều năm nay, hai vợ chồng tôi vẫn tham gia hoạt động trong CLB hát then của địa phương, thường xuyên cùng nhau tham gia các liên hoan văn nghệ của huyện và dạy hát then cho các cháu thanh thiếu nhi trong khu phố và thị trấn, nhất là vào các dịp nghỉ hè.
Hơn nửa cuộc đời say mê với từng điệu then đằm thắm, ngọt ngào, bà Viên còn tích cực sưu tầm thêm những làn điệu then cổ, sáng tác được hàng trăm bài then mới. Các bài then mới do bà sáng tác đều có nội dung ca ngợi quê hương, làng bản, vùng đồng bào dân tộc và những nét đẹp văn hóa người Tày như giải hạn cầu phúc, lễ cúng tổ tiên, lảu then…
Em Hoàng Tuyết Ngọc, 15 tuổi, khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu là học trò đã có 8 năm theo học nghệ nhân Hoàng Thị Viên, chia sẻ: Chúng em rất may mắn khi được bà Viên truyền dạy hát then từ khi còn nhỏ. Cả hai ông bà đều dạy chúng em rất nhiệt tình, tỉ mỉ. Nhờ có bà Viên chúng em thêm hiểu hơn, yêu quý hơn và hát hay hơn những làn điệu dân ca của quê hương.
Từng làn điệu then say đắm, mượt mà mang vẻ đẹp, bản sắc, cốt cách của người đồng bào dân tộc Tày Bình Liêu đã và đang không ngừng vươn xa. Và bằng niềm say mê, yêu quý làn điệu dân ca quê hương, lớp người cao niên như bà Viên, ông Thiêm vẫn đang miệt mài “giữ hồn”, “truyền lửa” cho những điệu hát then – đàn tính ngày càng tỏa sáng, trường tồn cùng thời gian.