Là đô thị lớn, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Đông Triều đang phát triển mạnh mẽ đồng thời gìn giữ trong mình nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, các làng quê đồng bằng Bắc Bộ điển hình, góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho vùng đất Đệ tứ Chiến khu.
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, Đông Triều có diện tích khoảng 40.000ha, dân số trên 18 vạn người. Nay du khách tới Đông Triều không chỉ ghé thăm đô thị lớn phát triển nhanh mà còn vô cùng thích thú với những nét văn hóa đặc trưng, các làng quê đậm bản sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó không chỉ là con người, văn hóa, sự cố kết cộng đồng mà còn là cảnh quan, những làng quê đặc trưng còn giữ lại nét riêng trước cơn bão đổi thay thời hiện đại.
“Như nhiều vùng quê khác, Đông Triều cũng là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những làng quê mang màu sắc đặc trưng Bắc Bộ điển hình. Không ít trong số này đã được bảo tồn, phát huy thành các điểm đến, điểm tham quan, hút khách du lịch trong nước và quốc tế” – bà Đỗ Thị Hà, Trưởng Phòng VH-TT TX Đông Triều, chia sẻ.
Giống như bao làng quê Bắc Bộ thanh bình khác, Yên Đức có những cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay kề con sông Đá Bạc giàu phù sa. Yên Đức đặc trưng bởi những rặng tre xanh ngát, những hàng cau thẳng tắp trong nắng, những vườn cây trĩu quả và người dân hết sức dung dị. Ngoài ra, làng quê bình dị giàu truyền thống cách mạng này cũng sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa, những thắng cảnh rất đẹp, như: Núi Đống Thóc, núi Con Chuột, núi Con Mèo, núi Canh, hang 73, chùa Cảnh Huống… và cả những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi.
Nhắc tới Đông Triều không thể không nhắc tới mảnh đất giàu truyền thống, nơi có những làng quê với nhiều nét văn hóa đặc sắc, những làng nghề điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Một trong những cái nôi của gốm sứ nặng lửa phải kể đến nhiều làng gốm ở Đông Triều, vốn có lịch sử khoảng 200 năm, như: Cầu Đất, Vĩnh Hồng… Những làng gốm này phát triển cho ra các dòng gốm chất lượng cao, phổ biến trên thị trường nhưng đều lấy tên của địa bàn sản xuất làm tên một dòng gốm.
Từ đó, cái tên gốm Đông Triều ra đời. Gốm sứ Đông Triều so với các làng gốm khác thì còn khá non trẻ. Tuy vậy, thời kỳ hưng thịnh nhất của gốm sứ Đông Triều là vào những năm 60, 70. Thời ấy, hàng chục lò hoạt động mỗi làng, mỗi năm hàng trăm nghìn sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ phục vụ cho kháng chiến và các vùng, miền phía Bắc.
Không chỉ vậy, về Đông Triều nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi các làng quê Đông Triều còn lưu giữ nghề truyền thống, nay trở thành vùng chuyên canh, “vựa” nông sản nức tiếng. Đó là những làng quê yên bình, xanh ngát, miền quê nơi người dân cần cù, chăm chỉ. Cách trung tâm TX Đông Triều không xa, Bình Khê không chỉ được biết tới là vựa nông sản, cây ăn quả mà nay còn tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hoa, cây cảnh Trại Dọc, Đồng Đò, Quảng Mản… vốn có từ gần nửa thế kỷ nay.
Ngược lên phía Tây, chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên với vùng quê trù phú cùng bạt ngàn na, cây mang thương hiệu riêng của Đông Triều. Với diện tích trên 200ha, vùng trồng na Việt Dân ngày càng được chuyên môn hóa, trồng theo hướng VietGAP, canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ…
Đó là chưa kể ở khắp các làng quê giàu bản sắc của Đông Triều vẫn duy trì nhiều nét văn hóa làng quê, các sinh hoạt văn hóa tập thể đặc sắc, tiêu biểu như nghệ thuật hát chèo, vốn được giữ gìn, bảo tồn với các CLB chèo ở nhiều xã, phường như: Hồng Phong, Tràng Lương, Hồng Thái Tây, Tân Việt, Việt Dân… Các sinh hoạt chèo được gắn kết với không gian lễ hội truyền thống để khai thác, trở thành sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, Đông Triều cũng rất quan tâm, chú trọng gìn giữ, phát huy những nét đẹp, giá trị của làng quê này. Gần đây, thị xã phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao tôn tạo, lập hồ sơ xếp hạng di tích với hàng loạt đình, chùa ở các làng quê, như: Đền – chùa Bình Lục, Mỹ Cụ, Dương Đê, Đông Mai, An Biên… Đặc biệt quan tâm tu bổ, phục hồi đối với Cụm di tích lịch sử và thắng cảnh Yên Đức (núi Canh, hang Canh).
Bên cạnh đó, quan tâm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các giá trị này. Việc đánh thức tiềm năng và biến làng quê Yên Đức trở thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế của Tổng Công ty CP Du lịch Sen Á Đông là một điển hình. Nơi đó, du khách được xem biểu diễn hát quan họ, dân ca, chèo, múa rối nước, trải nghiệm câu cá, úp nơm, quăng chài cùng du khách trồng rau, xay gạo, bó chổi rơm…
Gần đây nhất, Đông Triều đang phát triển các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan, thế mạnh sản xuất nông nghiệp là mô hình trải nghiệm vườn cây ăn quả ở thôn Tân Thành (xã Việt Dân), nhằm thu hút du khách Hàn Quốc và các dòng khách quốc tế khác.