PGS. TS Vương Toàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, hiện là Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam, là người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu di sản văn hoá Tày – Thái – Nùng. Nhân dịp Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển phối hợp với UBND huyện Bình Liêu tổ chức một hội thảo về hát then, đàn tính vừa qua, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông xung quanh di sản hát then của người Tày ở Quảng Ninh.
-Thưa ông, người Tày Quảng Ninh và di sản hát then có những đặc điểm gì đáng chú ý nhất?
+ Bình Liêu là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh Quảng Ninh và cũng là một trong những huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước, trong đó người Tày rất đông. Then phân bố theo khu vực cư trú của dân tộc Tày ven biên giới Việt Trung.
Vốn là hình thức diễn xướng ca múa nhạc tâm linh đặc sắc của dân tộc Tày, then đã phát triển thành một hình thức văn nghệ dân gian được yêu thích trong đời sống văn hóa giải trí của cộng đồng không chỉ có người Tày. Then là hình thức diễn xướng đặc sắc của dân tộc Tày ở Bình Liêu nói riêng và ở Quảng Ninh nói chung.
Khi thực hành lễ then, ngoài vẻ đẹp của ca từ, giai điệu âm thanh, còn có vẻ đẹp của vũ đạo, của đồ thủ công truyền thống ở trang phục và đạo cụ trong các nghi lễ… thể hiện nét tinh hoa và tài khéo léo trong chế tác hay thực hành. Về nhạc cụ, then dùng đàn tính là một loại nhạc cụ hai hoặc ba dây, để đệm và hướng dẫn âm điệu, người hành lễ còn có thể mang thêm chùm xóc nhạc đều đều. Nghi lễ then của người Tày ở Quảng Ninh đã sớm được công nhận tập quán xã hội và tín ngưỡng xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Danh hiệu cao quý cũng đã được trao tặng cho một số nghệ nhân dân gian ở tỉnh này.
Phát huy giá trị âm nhạc của các làn điệu then dễ đi vào lòng người, một số trích đoạn then đã được mang lên sân khấu để đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo công chúng ở các hội thi, hội diễn, liên hoan. Như thế, khai thác việc thực hành then phục vụ du lịch là một trong những định hướng góp phần bảo tồn và phổ biến các giá trị văn hóa tâm linh của tập quán xã hội và tín ngưỡng này, đáp ứng nhu cầu hiểu biết về văn hóa tộc người của du khách trong đời sống hiện đại.
– Then được sân khấu hoá nghĩa là then mới với các giá trị văn hóa giải trí phải không, thưa ông?
+ Then mới hay còn gọi là then văn nghệ ra đời từ đầu thế kỷ XX cùng với phong trào đặt lời mới dựa trên chất liệu mang nội dung then cổ. Từ một hình thức cúng bái, then đã phát triển thành một hình thức văn nghệ dân gian. Tuy nhiên, về nội dung, các bài thuộc hai lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau. Nội dung then mới cổ vũ người nghe tích cực tham gia kháng chiến cứu quốc, cổ động phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước, chống tệ nạn xã hội. Then mới thuộc dạng hoạt động nghệ thuật vui chơi, giải trí nhờ có giai điệu du dương và hấp dẫn lòng người, ăn khớp với tiếng tính tẩu và tiếng nhạc xóc. Tiếng then trên sân khấu biểu diễn là một trong những tiết mục văn nghệ được ưa chuộng nhất đối với người Tày, ngay cả khi đã sống xa quê hương.
– Nghĩa là, hát then có nhiều điều kiện để phát triển du lịch?
+ Hiện nay, du lịch được xem là ngành “công nghiệp không khói” có mục tiêu góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh, quốc phòng… Để đạt mục tiêu đó, ngành du lịch cần phát triển sản phẩm, định hướng thị trường, cần tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, có thế mạnh nổi trội… phát triển du lịch văn hóa làm nền tảng…. Những giá trị tiềm tàng của then sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tâm linh và du lịch văn hóa, khi đến với Bình Liêu nói riêng, Quảng Ninh nói chung.
– Như vậy, then không chỉ quảng bá du lịch cho Quảng Ninh mà còn cho du lịch cả nước?
+ Thực tế, di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo này không chỉ được lưu giữ phổ biến ở Quảng Ninh mà gần đây chúng ta thấy câu lạc bộ hát then đã lan tỏa đến cả một số tỉnh ở Tây Nguyên. Không hòa tan vào không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên, những người chuyển cư đã mang đến nơi đây một số nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của mình, điển hình là những màn biểu diễn then với cây đàn tính. Cứ như thế, các khúc then và dân ca từ quê hương nay đã vang lên trên sân khấu hội diễn ở Tây Nguyên. Thực tế này cho phép nhận xét rất khách quan rằng, những người chuyển cư đến vùng đất này để lập nghiệp và sinh sống vẫn giữ được văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa qua các lễ hội. Không những vậy, họ còn tiếp nối, kế thừa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến đời sống xã hội.
Do vậy, có thể nói đã phát triển thành một không gian văn hóa hát then – đàn tính hết sức đồ sộ về khối lượng, phong phú về thể loại, đa dạng về hình thức biểu diễn. Then đã hiện diện ở các thành phố lớn và thậm chí là đã vươn ra thế giới. Năm 2017, một nhóm nghệ nhân hát then đã được Viện Văn hóa Thế giới Paris mời tham gia chương trình “Lễ hội Âm nhạc thế giới” tổ chức tại thủ đô nước Pháp. Như thế, khai thác giá trị nghệ thuật của các tiết mục then phục vụ du lịch hẳn sẽ là một trong những định hướng góp phần bảo tồn và phổ biến các giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của địa phương, đáp ứng nhu cầu hiểu biết và giao lưu văn hóa tộc người của du khách.
– Tại Quảng Ninh, theo ông muốn khai thác các giá trị văn hóa của then Tày ở Bình Liêu phục vụ du lịch, chúng ta cần phải làm những gì?
+ Khách du lịch văn hóa thường có nhu cầu thấy tận mắt và nếu có thể thì được trải nghiệm những điều chưa biết, nhất là những gì mà các phương tiện thông tin đại chúng nói (hay viết) về những di sản văn hóa như then Tày khi đến với Quảng Ninh. Khách du lịch tâm linh có thể sẽ được quan sát việc thực hành các nghi lễ, như lẩu then và cấp sắc…
Giá trị giải trí của then văn nghệ sẽ cho du khách thấy sức hấp dẫn và sự lan tỏa của then trong đời sống văn hóa cộng đồng. Như thế, trước hết cần thu hút du khách ở những nét đặc thù. Cần khai thác và phát huy những nét riêng, được xem là bản sắc của then Tày Bình Liêu (như tính tẩu hai dây, âm điệu trầm…) để du khách không nhàm chán. Phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền tạo nên sự hấp dẫn độc đáo, về cả hình thức và nội dung diễn xướng.
Tiếp đến, về nội dung diễn đạt, cần thu hút du khách bằng những câu chuyện hấp dẫn (có thể mới sáng tác), gắn với những địa danh nổi tiếng, liên quan đến những sản vật đặc biệt của địa phương. Nên khai thác khả năng đặt lời mới, kể cả có cải biên, miễn sao cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, tạo điều kiện gắn bó hoặc gần gũi với du khách. Phát huy cả hai giá trị tâm linh và giải trí của then trong hoạt động du lịch, khách đến Bình Liêu không dừng ở theo dõi các lễ nghi cầu cúng khác nhau mà còn được xem trình diễn những sáng tác ca ngợi những cảnh đẹp gắn với những địa danh hay sản vật đặc sắc của một miền đất.
Về hình thức diễn đạt, còn cần thu hút du khách bằng ngôn ngữ dễ tiếp nhận. Như thế, nên khai thác khả năng thể hiện đa ngữ: Tiếng dân tộc và tiếng Việt (ngôn ngữ quốc gia) cùng các ngoại ngữ phổ biến, nhất là tiếng nói của đa số trong mỗi đoàn du khách. Muốn vậy, còn cần khuyến khích các soạn giả sáng tác song hoặc đa ngữ hay chuyển dịch ngôn ngữ càng nhuần nhuyễn càng thu hút người nghe. Khi chưa có điều kiện chuyển ngữ, cần có ngay những bài giới thiệu bằng ngoại ngữ vắn tắt nhưng hấp dẫn du khách đến với sản phẩm du lịch độc đáo này.
Sau cùng, cần thu hút du khách bằng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, như kết hợp du lịch tâm linh với du lịch văn hóa sinh thái, đặc biệt là phối hợp khai thác giá trị văn hóa của các di sản khác cũng là nghệ thuật trình diễn dân gian, kết hợp với lễ hội lồng tồng mà từ lâu đã không còn chỉ thu hút riêng người Tày, thậm chí kết hợp lễ cấp sắc, nghi lễ Tết nhảy của người Dao, múa tắc xình và hát soóng cọ của người Sán Chay. Mọi sự kết hợp đều có thể góp phần giúp cho du khách nhận ra sự phong phú và đa dạng của các di sản văn hóa.
Tuy nhiên, phát triển du lịch bền vững, nghĩa là không chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần: Thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, song việc khai thác các giá trị của then vẫn luôn phải coi trọng bảo tồn cho được bản sắc văn hoá vùng miền, hình thành đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước, vì các nhu cầu của cuộc sống, trong đó có nhu cầu du lịch của con người.
– Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!