Sau Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam 06/01/1946, đến nay Quốc hội Việt Nam đã trải qua 78 năm hình thành và phát triển. Xin trân trọng giới thiệu bài viết: “Những dấu ấn của hoạt động lập pháp đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam” của TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.
Trong suốt lịch sử 78 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, kỳ họp thứ 2 của nhiệm kỳ Quốc hội thứ I diễn ra từ ngày 28/10/1946 đến ngày 09/11/1946 đánh dấu nhiều sự kiện nổi bật. Đây là kỳ họp thông qua bản Hiến pháp đầu tiên, tổ chức phiên chất vấn đầu tiên và cũng là kỳ họp đánh dấu lần đầu tiên Quốc hội tiến hành hoạt động lập pháp với việc thông qua dự án Bộ luật Lao động.
Sau kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam diễn ra vào ngày 06/01/1946, Quốc hội khoá I đã tổ chức kỳ họp thứ nhất vào ngày 02/3/1946. Trong bối cảnh khẩn trương của tình thế lúc bấy giờ, kỳ họp này chỉ diễn ra trong vòng gần 04 giờ làm việc và chủ yếu để thực hiện các công việc cấp thiết để hình thành bộ máy nhà nước như thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; thành lập Ban Thường trực Quốc hội; bầu Ban dự thảo Hiến pháp.
Ngay sau kỳ họp thứ nhất, Ban Thường trực Quốc hội với quyền được Quốc hội giao cho, đã tổ chức thực hiện nhiều công việc quan trọng, cùng với Chính phủ “ra công xây dựng nước nhà để thực hiện nền độc lập cho Tổ quốc” (phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2 của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố). Trước bối cảnh tình hình có nhiều biến chuyển và trước yêu cầu của việc xây dựng Hiến pháp, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho Nhà nước dân chủ cộng hoà mới được thành lập, Ban Thường trực Quốc hội đã triệu tập kỳ họp thứ 2 khai mạc từ ngày 28/10/1946 của Quốc hội theo đề nghị của Chính phủ. Kỳ họp này diễn ra trong bối cảnh Toàn quốc kháng chiến đã cận kề, tình hình trong nước có nhiều phức tạp, nhiều đại biểu Quốc hội trực tiếp tham gia kháng chiến ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, không tham dự được kỳ họp.
Mặc dù diễn ra trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá I đã đạt được nhiều thành công. Đây là kỳ họp dài ngày đầu tiên của Quốc hội Việt Nam và cũng là kỳ họp đầu tiên mà Quốc hội đã thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp của đất nước cả về lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhận xét về kỳ họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ hiện thời thành lập mới hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mạng nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập”.
Trong hoạt động lập pháp, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá I đã thông qua dự án Bộ luật Lao động do Chính phủ trình. Có thể thấy mặc dù trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động đã được tiến hành theo trình tự, thủ tục theo đúng thông lệ của hoạt động lập pháp của nghị viện các nước.
Về sự cần thiết thông qua dự án này, báo Lao động số ra ngày 31/10/1946 đã phân tích: “Ta có thể nói tương lai của dân tộc, của đất nước đều do Quốc hội họp lần này định đoạt. Tất nhiên những vị đại biểu của Quốc dân sẽ hết sức sáng suốt, xứng đáng với lòng tin cậy và làm tròn nguyện vọng của 25 triệu đồng bào. Những nhiệm vụ nặng nề trên đây chỉ có kết quả với sự ủng hộ của toàn khối nhân dân… Nhưng có một điều mà toàn thể anh chị em công nhân chúng ta mong đợi ở Quốc hội và nhất là ở các ông nghị lao động, là bảo vệ quyền lợi và đời sống của công nhân. Đời sống của giai cấp công nhân, giai cấp trụ cột, có được dễ chịu, những quyền lợi của nhỏ nhất của thợ có được đảm bảo – tất nhiên đảm bảo có chừng mừng và không động chạm đến những quyền lợi khác – thì công việc kiến thiết quốc gia mới chóng hoàn thành”. (Lao động – 31/10/1946).
Trong quá trình chuẩn bị, dự thảo của Dự án Bộ luật Lao động đã được Bộ Lao động thay mặt Chính phủ tiến hành soạn thảo. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Quốc hội, Tổng liên đoàn Lao động cùng với Viện Thương mại đã tham gia ý kiến. Ngoài ra, để có cơ sở cho Quốc hội tiến hành thảo luận, Quốc hội đã thành lập một tiểu ban lâm thời (Tiểu ban Lao động của Quốc hội) để xem xét bản dự án để trình Quốc hội. Đây chính là hình thức ban đầu của mô hình các ủy ban của Quốc hội để giúp Quốc hội thực hiện công tác thẩm tra các dự thảo, dự án.
Theo Biên bản làm việc của kỳ họp thứ 2 còn được lưu giữ tại Thư viện Quốc hội thì Tiểu ban gồm có 7 người, tiến hành xem xét bản dự luật của Chính phủ dài tới 36 trang. Trong phần thuyết trình của ông Trần Huy Liệu, Ủy viên thuyết trình của Tiểu ban Lao động trước Quốc hội vào phiên họp diễn ra vào buổi tối ngày 8/11/1946 thì để công việc được tiến hành cẩn thận, Tiểu ban đã làm việc hàng tuần, trong khi làm việc, Tiểu ban đã được đại diện Tổng liên đoàn, Viện Thương mại tham gia ý kiến, các đại diện nghiệp chủ, công nhân tranh luận, và ông Bộ trưởng Bộ Lao động cũng giúp thêm nhiều ý kiến.
Về quy trình, thủ tục tiến hành thông qua dự thảo, mặc dù mới được thành lập nhưng quy trình, thủ tục thảo luận về các dự án luật của Quốc hội Việt Nam đã được tiến hành bài bản, theo đúng những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của nghị viện. Theo đó, Quốc hội đã nghe ông Nguyễn Văn Tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động trình bày Tờ trình và thuyết trình về dự án Bộ luật Lao động. Theo đó, sau khi trình bày những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động đã bày tỏ mong muốn rằng Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua, vậy Bộ luật Lao động cũng được Quốc hội thông qua để công nhân Việt Nam xứng đáng với giá trị của mình và theo kịp công nhân những nước cấp tiến trên thế giới.
Về phần Tiểu ban Lao động, ông Trần Huy Liệu, Ủy viên thuyết trình của Tiểu ban đã nhấn mạnh quan điểm của Tiểu ban trong khi xem xét dự thảo của dự án Bộ luật Lao động, trong đó quan điểm nổi bật và xuyên suốt nhất là tinh thần đoàn kết giữa đại diện của giới chủ và công nhân, Bộ luật Lao động không thể hiện sự đấu tranh giữa các giai cấp mà có ý đoàn kết triệt để, dung hoà quyền lợi của cả đôi bên. Ông nói: “Ở nước ta, nền kinh tế cần phải được phát triển, thực tế bắt buộc phải dung hoà cả hai quyền lợi của nghiệp chủ và của lao động để kiến thiết quốc gia. Tiểu công nghệ ở nước ta cần phải được phục hưng, vậy cần phải có những điều kiện dễ dàng để phát triển một cách triệt để” (Biên bản phiên họp tối 08/11/1946). Điều này cũng được ông Huỳnh Ngọc Huệ, thành viên của Tiểu ban khẳng định trong phát biểu của mình trước Quốc hội: “trong khi chúng tôi góp ý kiến để vạch những điều căn bản đó, chúng tôi đã nhận thấy tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Trong tiểu ban có cả nghiệp chủ và lao động, hai tầng lớp mà ở các nước khác thường xa nhau, thế mà ở đây chúng tôi rất mau đồng ý…”.
Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Thuyết trình của Tiểu ban Lao động, Quốc hội đã tiến hành thảo luận. Biên bản của phiên họp không ghi lại cụ thể những nội dung phát biểu của từng đại biểu Quốc hội nhưng qua phản ánh của báo chí thời kỳ đó cho thấy các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất sôi nổi, đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau của dự thảo Dự án Bộ luật Lao động.
Ông Huỳnh Ngọc Huệ, đại biểu đại diện cho công nhân đã khẳng định: “Bản dự án Luật Lao động đã bắt đầu thảo từ ngày chính quyền nhân dân thành lập, vì hoàn cảnh không thuận tiện mà Quốc hội khoá thứ nhất chưa đề cập đến… Lao động Việt Nam luôn luôn mong chờ Quốc hội Việt Nam đem lại cho anh chị em một bộ luật mới”.
Ông Phạm Bá Trực, đại biểu công giáo: “Tôi công nhận ngày làm việc 8 giờ là đúng. Luật Lao động nên triệt để thi hành đối với cả công nhân nông nghiệp, nhưng sẽ có những sắc lệnh cho áp dụng dần dần. Nên có phụ cấp gia đình, cho công nhân, nhất là thợ chuyên môn. Tôi rất đồng ý cấm hẳn việc dùng đàn bà, trẻ con vào việc làm đêm”.
Ông Nguyễn Sơn Hà, đại biểu thương gia: “Về giờ làm, tôi thấy hiện nước ta đang ở một tình trạng khó khăn, công nhân nên để ít giờ học tập, nghỉ ngơi thôi. Nếu ta làm ít giờ, giá của hàng hoá của Việt Nam cao lên, không đủ sức cạnh tranh với ngoại quốc. Nhưng tôi nói thế là nghĩ rằng giờ làm của công nhân là 8 tiếng mỗi ngày, nếu làm thêm giờ thì phải trả thêm phụ cấp khác với lương. Nước ta chưa có máy móc tối tân và lối làm “dây chuyền” nó làm công nhân mệt mỏi nhiều, thì chưa nên rút bớt giờ làm xuống”.
Ông Nguyễn Tạo, đại biểu Nghệ An: “Giai cấp lao động được luật pháp bảo vệ về điều kiện làm việc và điều kiện sinh hoạt sẽ đem toàn lực của mình hiệp cùng các giai cấp khác làm cho nền kinh tế của nước Việt Nam được vững vàng, phong phú”.
Đáng chú ý, quá trình thảo luận của Quốc hội về dự án luật đã nhận được sự chú ý quan tâm của công chúng. Các phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 đã được mở cửa để công chúng được vào tham dự. Báo Cứu Quốc số ra ngày 31/10/1946 đã đăng thông cáo của Quốc hội trong đó nêu rõ: “Quốc hội quyết định để công chúng được vào dự thính trong những buổi họp công khai của Quốc hội. Những người nào muốn được cấp phép vào dự thính phải gửi đơn đến Chủ tịch Quốc hội. Trong đơn phải ghi rõ: Tên tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp…”. Trước đó, ngay vào Phiên khai mạc kỳ họp (ngày 28/10/1946), Quốc hội đã thảo luận về việc để công chúng vào dự thính khi xây dựng dự thảo Nội quy phiên họp của Quốc hội. Theo phản ánh của báo Cứu Quốc số ra ngày 29/10/1946, thì một số đại biểu đề nghị công chúng vào phòng họp không có quyền khen chê gì hết, phải để Quốc hội yên tĩnh làm việc. Nhưng đại biểu nhóm Mác-xít và Xã hội đứng lên phản đối và cho rằng công chúng có quyền khen, chê nhưng không được “mất trật tự và quá đáng”. Chính vì vậy, các thảo luận của Quốc hội về dự án Bộ luật Lao động đã được công chúng lắng nghe và có những ý kiến góp ý.
Sau quá trình thảo luận, Quốc hội đã quyết định thông qua từng nguyên tắc căn bản của bản dự án, theo đó, bản dự án Bộ luật Lao động gồm 25 điều, nêu bật các nguyên tắc cơ bản như:
– Nhìn nhận lao động không bị bó buộc, lao động phải được tôn trọng;
– Phải định rõ chế độ học nghề: cấm không được dùng người học nghề dưới 12 tuổi; 18 tuổi thì phải được xem là thợ chính thức, nếu chủ cho là chưa lành nghề thì sẽ có một hội đồng chuyên môn định đoạt; số thợ học nghề không được quá 1/4 số thợ lành nghề;
– Phải định rõ thể lệ trong việc lập và thi hành khế ước; khế ước phải được ký kết theo dân luật; hai bên thoả thuận có thể bãi bỏ khế ước và phải báo trước ít nhất là một tháng; nếu bãi khế ước không có lý do chính đáng thì phải bồi thường;
– Phải định rõ lương, phụ cấp cùng việc chia lãi: lương tối thiểu do Chính phủ định theo Hội đồng các đại biểu đề nghị; tiền công không phân biệt trai, gái; lương phải được phát ít nhất một tháng 2 kỳ; cấm phạt vào tiền công;
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: mỗi ngày làm việc 8 giờ, mỗi tuần 48 giờ; trong hầm mỏ hay nghề có hại đến sức khoẻ thì số giờ sẽ giảm xuống còn 45 giờ; mỗi tuần được nghỉ 24 giờ liền;
– Bảo vệ công nhân phụ nữ và trẻ em: cấm dùng phụ nữ, trẻ em dưới 18 tuổi làm đêm; một số nghề không được sử dụng trẻ em dưới 15 tuổi;
– Bảo vệ sức khoẻ công nhân: phải bảo đảm đủ phương tiện bảo đảm sức khoẻ của công nhân.
Sau khi được Quốc hội thông qua, dự án Bộ luật Lao động đã được nhân dân và cử tri cả nước đón nhận và đánh giá cao. Báo Lao động số ra ngày 28/11/1946 đã có bài phân tích sâu về kết quả của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá I trong đó nhấn mạnh: “Bộ luật Lao động cũng như bản Hiến pháp Việt Nam là kết quả của bao nhiêu năm tranh đấu giải phóng của dân tộc… Bộ luật Lao động này là con đẻ của hoàn cảnh nước nhà hiện tại”. Tờ báo này cũng cho rằng việc Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động chính là bảo đảm quy định của Hiến pháp: “quyền lợi các giới cần lao, tri thức và chân tay được bảo đảm” (Điều thứ 13).
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn và trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá I đã hoàn thành rất nhiều nội dung quan trọng. Tuy chỉ mới là dự án để “đặt nền móng cho Bộ luật Lao động mà Chính phủ đang soạn thảo ban bố” nhưng việc thông qua dự án này, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá I đã đánh dấu hoạt động lập pháp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam, là cơ sở để các kỳ họp tiếp theo phát triển, hoàn thiện quy trình, thủ tục và cách thức tiến hành hoạt động lập pháp của Quốc hội. Những bài học về phát huy dân chủ trong quy trình, thủ tục lập pháp, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri và các đối tượng liên quan là hết sức quý giá để tiếp tục được phát huy trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay./.
TS.Hoàng Minh Hiếu Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An |