Chúng tôi gặp ông Choỏng Sao Chắn, người uy tín ở thôn Phình Hồ (xã Bắc Sơn) khi ông đang chuẩn bị đồ đạc để đi kiểm tra, quan sát đường biên giới. Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng ông Chắn vẫn giữ được sức khỏe và sự dẻo dai. Hằng tuần ông Chắn vẫn dành 2-3 buổi đi kiểm tra đường biên, cột mốc biên giới trên địa bàn, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn thế, bằng uy tín của mình, ông Chắn luôn đồng hành cùng lực lượng biên phòng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc; đồng thời đến từng hộ gia đình ở các thôn, bản giáp biên giới tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định về biên giới cho người dân hiểu và thực hiện.
Ông Choỏng Sao Chắn chia sẻ: Sản xuất kết hợp với bảo vệ biên giới là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân Phình Hồ. Khi đi lao động trên khu vực biên giới, người dân chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện người lạ vào khu vực biên giới phải báo ngay với chính quyền địa phương và BĐBP để kịp thời xử lý.
Bắc Sơn là một trong những xã miền núi biên giới của TP Móng Cái. Xã có 22,7km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, địa hình hiểm trở, nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Trên địa bàn xã Bắc Sơn có 4 dân tộc cùng chung sống với tổng số khoảng 400 hộ dân, trong đó dân tộc Dao và Sán Chỉ chiếm 75%. Những năm qua, nhờ sự tham gia tích cực của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, nên tình hình ANTT trên tuyến biên giới Đồn Biên phòng Bắc Sơn phụ trách, quản lý luôn được đảm bảo ổn định. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã kịp thời ngăn chặn, bắt giữ hàng chục vụ vi phạm pháp luật, quy chế quản lý biên giới.
Trung tá Nguyễn Kiến Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn, đánh giá: Ông Choỏng Sao Chắn là một trong những người có uy tín vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Chắn luôn gương mẫu trong sinh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng, nên được bà con tin yêu, quý trọng, trở thành tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần vững chắc để đồng bào vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chung tay bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Cũng giống như ông Choỏng Sao Chắn, nhiều năm qua ông Lỷ A Chặng (SN 1968), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lục Chắn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) cũng luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tham gia phong trào tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Bản thân ông cũng đi đầu trong tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Hơn 30 năm âm thầm tuần tra biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc và vận động, giúp bà con phát triển kinh tế, ông Lỷ A Chặng đã nhận được nhiều bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng. Với ông, phần thưởng lớn hơn chính là sự đồng lòng của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Thôn Lục Chắn nằm sát đường biên giới, tiếp giáp với Trung Quốc. Trước đây, tình hình ANTT trong thôn tương đối phức tạp. Các đối tượng xấu thường xuyên lôi kéo một số người dân tham gia vào các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, do được vận động, tuyên truyền, người dân trên địa bàn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng lòng, sát cánh cùng chính quyền địa phương và BĐBP gìn giữ biên cương.
Mỗi khi trên khu vực đường biên, cột mốc có người lạ xuất hiện, hoặc có dấu hiệu nghi vấn, ông Chặng và người dân trên địa bàn đều thông tin ngay cho lực lượng chức năng biết, xử lý. Nhờ đó, những năm gần đây, tình hình ANTT trên địa bàn luôn được duy trì ổn định, chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững. Trò chuyện với phóng viên, ông Lỷ A Chặng cho biết: Tôi thường xuyên cùng CBCS Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Đồng thời, luôn nhắc nhở người dân trong quá trình lao động sản xuất gần biên giới nếu phát hiện trường hợp vượt biên trái phép, buôn lậu… thì nhanh chóng báo tin cho các lực lượng chức năng xử lý.
Để mỗi người dân là một chiến sĩ
BĐBP Quảng Ninh được giao quản lý 118,825km đường biên giới trên bộ, 191km đường biên giới trên biển; quản lý địa bàn biên phòng gồm 16 xã, phường trên đất liền, 66 xã, phường, thị trấn tuyến biên giới biển, thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Điều kiện xã hội, tự nhiên đã tạo thuận lợi cơ bản để tỉnh hội nhập, phát triển toàn diện, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác biên phòng.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, những năm qua BĐBP tỉnh đã quan tâm phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tại các bản làng biên giới trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động, tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ ANTT địa bàn. CBCS biên phòng cũng thực hiện có hiệu quả phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng bảo vệ đường biên, cột mốc” và “Bám chính quyền, bám đường lối, chính sách, bám dân, bám địa bàn” trong thực hiện nhiệm vụ.
Đại tá Lê Xuân Men, Chính ủy BĐBP tỉnh, cho biết: Để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, thời gian qua chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, giáo dục để đội ngũ cán bộ, người có uy tín ở các thôn, bản biên giới thấy được trách nhiệm của mình. Từ đó, tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới, tham gia tuần tra mốc giới, tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn cùng chấp hành và bảo vệ cột mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nhờ tích cực bám dân, bám địa bàn, nhất là phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tại các bản làng biên giới, hải đảo trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng BĐBP đã phát huy được sức mạnh của nhân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Đến nay, mỗi người dân khu vực biên giới đã thực sự trở thành những “cột mốc sống” nơi biên cương, đoàn kết thành “phên giậu” bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.
Nổi bật, trong năm 2023, từ các nguồn tin do nhân dân cung cấp, lực lượng BĐBP tỉnh đã phát hiện, bắt giữ tổng số 452 vụ/559 đối tượng/394 phương tiện vi phạm pháp luật trên biên giới, biển đảo; đấu tranh thành công 7 chuyên án lớn, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,3 tỷ đồng.
Những việc làm của đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín đang tiếp tục phát triển hơn nữa tình nghĩa quân – dân gắn bó, góp phần giúp lực lượng BĐBP xây dựng vững chắc thế trận lòng dân nơi biên cương của Tổ quốc. Đánh giá về vai trò của người có uy tín trong tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, Đại tá Lê Xuân Men, Chính ủy BĐBP tỉnh, khẳng định: Sự nỗ lực, chung tay của người có uy tín trong tham gia phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn ANTT ở khu vực biên giới” đã lan tỏa được những việc làm hiệu quả và trở thành hoạt động tự giác của mỗi gia đình, mỗi người dân. Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới đã giảm mạnh, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững. Nhân dân trên địa bàn biên giới yên tâm lao động sản xuất, góp phần xây dựng và phát triển KT-XH, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.