Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là một trong những chiến công chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì và gian khổ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. 70 năm trôi qua, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, các cựu chiến sĩ Điện Biên nay đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và kí ức về những ngày tháng gian khổ, mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn nguyên vẹn tâm trí.
“Điện Biên mãi trong trái tim tôi”
Tại nhà riêng tại tổ 1, khu 6A, phường Cẩm Trung (TP Cẩm Phả), cụ Trần Trọng Tú (SN 1929) với tác phong nhanh nhẹn dứt khoát của người nhà binh đón chúng tôi trong bộ quân phục chỉnh tề với rất nhiều huân chương, huy hiệu cài trên ngực áo. Ở tuổi 94, song cụ Tú vẫn vô cùng minh mẫn. Sinh ra tại Nam Định, lớn lên ở Việt Bắc, cuộc đời trải qua nhiều vất vả, gian khổ, nhưng với cụ, tuổi đôi mươi được khoác lên mình chiếc áo của người lính Bộ đội Cụ Hồ, được đi theo cách mạng, đi theo Bác Hồ là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời.
Thượng úy Trần Trọng Tú nguyên là Đại đội phó Đại đội 277, Tiểu đoàn 279 thuộc Trung đoàn 308. Bên hương trà xanh thơm thoang thoảng, cụ chậm rãi kể về ký ức trong cuộc đời vinh dự cầm súng chiến đấu của mình: Suốt từ năm 1950-1954 tôi đã tham gia nhiều chiến dịch tại các tỉnh Lạng Sơn, Ninh Bình, Hòa Bình, Thái Nguyên trước khi vào đến Điện Biên Phủ. Thời tiết mùa xuân ở vùng núi cao trời vẫn rét, sương dày đặc, nên phải mất hơn 60 ngày đêm, chúng tôi mới vào đến Điên Biên Phủ vào tháng 2/1954. Tại chiến trường, tôi phụ trách 27 chiến sĩ của đại đội trực tiếp làm nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị công binh xây dựng hầm hào, sau đó thực hiện nhiệm vụ cắt nước tại các trạm bơm nước, đường ống dẫn tại các bốt địch từ khu vực Bản Kéo đến Mường Thanh, Him Lam, Hồng Cúm. Khi địch phát hiện, chúng bắt người dân bản phải đeo gùi đi lấy nước cho chúng. Vì vậy với chúng tôi nhiệm vụ càng khó khăn hơn khi phải bắn tỉa thật chính xác vào đúng gùi nước chứ không được bắn vào nhân dân, quyết tâm ngăn chặn việc cung cấp nước cho địch.
70 năm đã qua, nhưng giọng cụ vẫn nghẹn ngào khi nhắc đến cảm giác hạnh phúc, tự hào khi biết tin chiến thắng: ““Với thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chấm dứt gần một thế kỷ xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta. Điện Biên hoàn toàn giải phóng”. Khi nghe tin, tất cả anh em bộ đội, thương binh đều sung sướng, niềm vui vỡ òa không sao kể xiết. Mặc dù ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sư đoàn chúng tôi không được giao nhiệm vụ ở lại chiến trường, mà ngày 8/5/1954 đã di chuyển ngay về mặt trận tại Bắc Giang, song với tôi, được góp mình vào chiến thắng Điện Biên Phủ, được chứng kiến giây phút chiến thắng huy hoàng ấy cũng đã đủ vinh dự, hạnh phúc lắm rồi” – Cựu chiến binh Trần Trọng Tú bộc bạch.
Lật giở lại những bức ảnh, tài liệu cũ, ký ức hào hùng, dáng hình đồng đội lại ùa về trong trái tim người cựu chiến binh đã ngoài 90 tuổi. Sau chiến thắng, cụ cùng đồng đội đã có cơ hội trở về thăm lại chiến trường xưa, thấy được những đổi thay trên mảnh đất lịch sử ấy, ai ai cũng xúc động và phấn khởi. Những tuyến đường mòn vận lương, tải đạn năm nào giờ đã trở thành đường lớn thênh thang, đời sống đồng bào cũng cải thiện, sung túc. Được lắng nghe những kí ức đó, chúng tôi lại thêm trân trọng, biết ơn những công lao, hy sinh của những anh hùng trong lửa đạn để làm nên cuộc sống tốt đẹp hôm nay.
Tự hào ký ức “chị gánh, anh thồ”
“Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” – những câu trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu đã miêu tả chân thực tinh thần hăng hái, sục sôi và đầy tự hào của những dân công hỏa tuyến góp công vào chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sinh ra và lớn lên tại Vùng mỏ, song theo cha mẹ về quê nội Thanh hóa tản cư cũng là cơ duyên đưa ông Vũ Công Hồng (SN 1936), hiện trú tại khu 2A, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) cùng đoàn xe đạp thồ hỏa tuyến của Thanh Hóa lên đường đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. 17 tuổi, là người trẻ nhất trong đoàn quân xe thồ của thị trấn Thanh Hóa khi ấy, chàng thanh niên Vũ Công Hồng càng hừng hực khí thế.
Nhớ lại những ngày tháng hào hùng, ông Hồng kể: Từ Thanh Hóa chúng tôi đạp xe lên Hòa Bình – Sơn La – vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Toàn đội chỉ hành quân vào ban đêm để đảm bảo bí mật. Đêm nào cũng hành quân đến 1-2h sáng. Vào đến chiến trường, chúng tôi chuyển thồ hàng vào ban ngày. Mỗi ngày vượt 35km với 1,5 tạ hàng vào chiến trường, sáng đi chiều về. Khi lên dốc anh em hỗ trợ nhau đẩy giúp, lúc xuống dốc phải kéo xe lại thì mỗi xe buộc thêm một thân cây, hay cành cây để hỗ trợ làm phanh cho xe xuôi dốc. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, anh em đi với tinh thần làm sao hàng đến cho nhanh, đảm bảo cho chiến trường có đủ lương thực, ăn no, đánh to, thắng lớn. Không khí rộn ràng, trở thành một phong trào thi đua, trong đoàn vận tải thô sơ. Suốt hơn 2 tháng ròng rã như vậy, những chuyến cuối cùng vào đầu tháng 5/1954, nghe tin từ chiến trường ai cũng biết chiến thắng đã đến rất gần nhưng khi mặt trận thì có người cưỡi ngựa chạy ra hô to “thắng lợi rồi, chiến thắng rồi” thì tất cả như vỡ òa, ai cũng hô theo đến khản tiếng…”.
Mỗi tấm hình chụp cùng đồng đội, những bằng khen, giấy chứng nhận “Chiến sĩ dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ” do Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng 70 năm về trước đã úa màu thời gian nhưng luôn được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận.
“70 năm đã qua kể từ chiến thắng lịch sử, nhưng hình ảnh chiếc xe đạp thồ chở hàng ngàn tấn lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn được cả thế giới nhắc đến như một “huyền thoại”. Thứ “vũ khí đặc biệt” ấy đã đánh bại sức mạnh của thực dân xâm lược với hàng vạn vũ khí tối tân để làm nên chiến thắng vang dội “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bởi vậy, ký ức “chị gánh, anh thồ” vất vả, gian khó bao nhiêu thì càng sáng chói, tự hào bấy nhiêu” – ông Hồng không giấu được niềm tự hào trong ánh mắt.
Trở về từ chiến trường, ông Hồng tiếp tục làm việc, cống hiến cho ngành Than, sau khi nghỉ chế độ đảm nhận vai trò trưởng khu và đến nay đã ở tuổi 87 ông vẫn được nhân dân tín nhiệm làm tổ trưởng tổ dân. Việc lớn, việc nhỏ, người tổ trưởng già vẫn luôn xông xáo chẳng nề hà miễn là giúp được nhân dân. 90 năm tuổi đời, hơn 60 năm tuổi đảng, ông đã sống, chiến đấu và cống hiến đầy tự hào như thế cho Tổ quốc thân yêu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn 182 chiến sĩ Điện Biên, cựu thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau chiến thắng lẫy lừng, trong số lớp chiến sĩ Điện Biên ngày ấy có người tiếp tục theo con đường binh nghiệp, có người chuyển sang công tác tại các cơ quan nhà nước, các nông lâm trường hay trở về quê hương lao động sản xuất. Song dẫu ở vị trí công tác nào, thì “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn” ấy vẫn luôn là kí ức chói lọi, tự hào. Đó chính là di sản tinh thần vô giá, tạo nên động lực, sức mạnh hành động để mỗi người trong suốt 70 năm qua không ngừng phấn đấu, tiếp tục góp sức xây dựng quê hương Vùng mỏ, đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng.