Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt 87,7 tỉ USD, tăng trưởng mạnh cả ở chiều xuất khẩu, nhập khẩu.
“Ngành tỉ đô” của Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu vào Mỹ
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, 7 tháng đầu năm, thị trường dệt may đã khởi sắc. So với cùng kỳ năm 2023, đơn hàng đầu năm 2024 đã nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn. Đa phần các công ty may của tập đoàn đủ đơn hàng đến hết quý 4.
Tính chung xuất khẩu toàn ngành dệt may 7 tháng qua, xuất khẩu đạt giá trị gần 24 tỉ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.
“Trong đó, điểm sáng là dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, đồng thời đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới”, theo ông Cao Hữu Hiếu.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam những tháng năm 2024 không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện, mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam.
“Đây là điều vui mừng vì khi có thị trường, doanh nghiệp lập tức có lực lượng để sản xuất, giữ chân khách hàng”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, Vina T&T Group, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu đi nhiều thị trường, nhưng nhiều nhất là sang Mỹ. Sản phẩm xuất khẩu rất đa dạng, như thanh long, dừa, vú sữa, xoài, nhãn, gạo… Đơn hàng tấp nập đã đưa doanh thu xuất khẩu 7 tháng của doanh nghiệp này tăng 26% so với cùng kỳ.
“Đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ với nhiều mặt hàng là sản phẩm của ngành nông nghiệp, từ trái cây, gạo, nước mắm… được xuất khẩu đều đặn mỗi tuần. Đặc biệt, đơn đặt hàng từ Mỹ tăng rất mạnh trong những tháng qua”, ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch Vina T&T Group cho hay.
Nhiều năm xuất khẩu sang Mỹ, ông Tùng cho biết: “Mỹ là thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao, nhất là với nông sản, nhưng doanh nghiệp làm ăn chuẩn chỉnh, đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà mua hàng thì không lo thiếu cơ hội”.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiến gần mốc 90 tỉ USD
Thương mại giữa Việt Nam – Mỹ thời gian qua đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 77,9 tỉ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 19%).
“Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch trong 8 tháng vừa qua,” đại diện Bộ Công Thương thông tin, đồng thời cho biết thêm Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ đạt 9,78 tỉ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, trong 8 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam-Mỹ đã đạt gần 87,7 tỉ USD, tăng trưởng mạnh cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.
Một số mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may, da giày, nông sản…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn thiết bị công nghệ, nguyên liệu sản xuất và các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng vững chắc, giúp hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột; trong đó trụ cột kinh tế thương mại đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.
“Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam nhiều năm liên tục và hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ rất đa dạng và phong phú. Dự báo kim ngạch thương mại hai nước trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả khả quan,” ông Vũ Bá Phú nói.