Bên cạnh những thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… thời gian gần đây, du lịch Quảng Ninh đã đón được các đoàn du khách Ấn Độ sử dụng dịch vụ lưu trú, tham quan Vịnh Hạ Long, tổ chức đám cưới, khách du lịch MICE. Nhận thấy tiềm năng to lớn từ thị trường này, du lịch Quảng Ninh đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút hiệu quả hơn đối với dòng khách Ấn Độ.
Du lịch Quảng Ninh hấp dẫn du khách Ấn Độ bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sự an toàn của điểm đến và con người thân thiện. Trải nghiệm tham quan Vịnh Hạ Long, anh Amar Penta (du khách Ấn Độ) cho biết: Tôi yêu thích cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, không khí trong lành ở Hạ Long. Dịch vụ du lịch ở đây cũng rất tốt. Tôi đã được trải nghiệm ngắm cảnh vịnh, chơi bóng chuyền và tắm biển ở đảo Titov. Tôi mong muốn sẽ được trải nghiệm thêm nhiều hoạt động thể thao trong thời gian lưu lại Hạ Long.
Tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí ngoài trời, được hòa mình vào thiên nhiên là nhu cầu chung của đa số du khách Ấn Độ. Theo các chuyên gia, việc tạo ra các trải nghiệm khám phá văn hóa kết nối với sở thích cá nhân của du khách, gia tăng khai thác các sản phẩm du lịch thể thao, du lịch thiền và yoga sẽ thu hút tốt hơn du khách nói chung và du khách Ấn Độ nói riêng đến Quảng Ninh.
Duy trì tổ chức thường niên các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô giữa Việt Nam và Ấn Độ, Quảng Ninh đã và đang tận dụng các cơ hội mà những sự kiện văn hóa, ngoại giao quy mô quốc gia mang lại để quảng bá, đưa hình ảnh du lịch Quảng Ninh trở nên gần gũi hơn với du khách Ấn Độ. Ngày Quốc tế Yoga là sự kiện giao lưu văn hóa, thể thao lớn nhất giữa hai nước mà Quảng Ninh tham gia hưởng ứng. Đến nay, tỉnh đã liên tiếp 3 năm tổ chức Ngày quốc tế Yoga. Mỗi năm, sự kiện lại diễn ra tại những địa điểm khác nhau, là những điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh như: TP Hạ Long, TP Uông Bí, TX Đông Triều.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao, cho biết: Ngày Quốc tế Yoga là dịp để Quảng Ninh tuyên truyền, quảng bá vùng đất, con người đến với bạn bè quốc tế, đến các Yogi (người luyện tập yoga) trên toàn thế giới, là dịp để thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch. Trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để tìm kiếm các địa điểm tổ chức Ngày Quốc tế Yoga nhằm đẩy mạnh quảng bá các di sản văn hóa, du lịch của tỉnh.
Sau Covid-19, cơ cấu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam có sự thay đổi, trong đó Ấn Độ vươn lên trở thành top 10 thị trường khách lớn nhất. Tuy nhiên, hầu hết khách Ấn Độ đến Việt Nam mới chỉ lưu trú tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt là khách du lịch Ấn Độ theo đạo Hồi (khách du lịch Halal) đến Quảng Ninh chủ yếu đi, về trong ngày, không lưu trú qua đêm vì Quảng Ninh còn thiếu các cơ sở lưu trú đạt chuẩn Halal để phục vụ dòng khách này.
Nhận thấy khoảng trống về dịch vụ, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Quảng Ninh bắt đầu quan tâm đầu tư xây dựng các sản phẩm lưu trú theo tiêu chuẩn Halal, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị tới quy trình phục vụ, đào tạo nhân viên đều được dán nhãn “Halal”, đủ điều kiện phục vụ khách du lịch Hồi giáo.
Tháng 8/2023, Khách sạn Delasea (TP Hạ Long) chính thức đưa vào hoạt động 2 tầng với 36 phòng được thiết kế chuyên biệt theo nhu cầu của khách Halal. Tại các phòng Halal, khách sạn đặt các tấm thảm để du khách có thể cầu nguyện theo giờ và không set-up đồ uống có cồn. Ngoài ra, khách sạn còn có phòng cầu nguyện chung, nhà hàng dành riêng cho khách Halal.
Ông Lê Thanh Tam, Tổng quản lý khách sạn Delasea, chia sẻ: Để đón khách Halal, chúng tôi đã mời các chuyên gia của Công ty Halal quốc gia Việt Nam tư vấn xây dựng quy trình, đào tạo nhân viên, hướng dẫn bộ phận bếp cách lựa chọn nguyên liệu nấu ăn, gia vị Halal, thực hiện quy trình thanh tẩy các dụng cụ nhà bếp, đào tạo nhân viên về văn hóa Halal trong quá trình phục vụ để làm sao du khách có cảm giác được chào đón và thoải mái như ở nhà.
Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn, đa tôn giáo, với dân số hơn 1,4 tỷ người. Mỗi năm có khoảng 25 triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài và con số này dự tính sẽ tăng lên 35 triệu trong thời gian tới. Quảng Ninh xác định Ấn Độ là thị trường tiềm năng mà tỉnh sẽ đẩy mạnh, tập trung khai thác. Việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng và đẩy mạnh quảng bá du lịch tới Ấn Độ là giải pháp quan trọng giúp đa dạng thị trường khách và tăng thu cho du lịch Quảng Ninh, từng bước phục hồi mảng du lịch quốc tế và đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến quốc tế đa văn hóa.