Nhu cầu tiêu dùng nội địa, một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vẫn đang chịu nhiều thách thức, nhất là khi sức mua của người tiêu dùng có phần chững lại sau thiên tai. Tại Quảng Ninh, hàng loạt giải pháp kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm đang được tích cực triển khai để đảm bảo các mục tiêu kinh tế đề ra năm 2024.
Theo báo cáo kinh tế – xã hội tỉnh, trong tháng 11 vừa qua, các hoạt động thương mại tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng 14%, lưu trú ăn uống tăng 25,1%; du lịch lữ hành tăng 20,9%; doanh thu dịch vụ khác tăng 5,1%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 2,1% so với cùng kỳ; CPI 11 tháng tăng 3,46% cùng kỳ. Hầu hết các nhóm ngành đều tăng, trong đó nhóm hàng hóa tăng cao như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,51%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,97%; Giáo dục tăng 14,77%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,10%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,26%… Đây là những kết quả được đánh giá tích cực trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều thách thức, nhất là sau thiên tai, khi các giải pháp phục hồi sản xuất trong nhiều lĩnh vực vẫn đang trong quá trình triển khai.
Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, ngành Công thương và các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng từ nay đến Tết Nguyên đán.
Trong đó, Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu đông 2024 vừa diễn ra từ ngày 11-15/12 tại Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Móng Cái, phường Hòa Lạc, TP Móng Cái cũng là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại thường niên quan trọng vào dịp cuối năm của Quảng Ninh. Hội chợ có sự tham gia của gần 200 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong nước; giới thiệu, quảng bá 1.180 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP của 42 tỉnh, thành phố; cùng khu vực triển lãm giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh. Về phía góc độ doanh nghiệp, Hội chợ là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh kết nối mở rộng thị trường, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn tới thị trường. Đây cũng là dịp để các đơn vị trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận phản hồi của thị trường để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xuất khẩu.
Chị Phạm Kim Anh, người dân TP Móng Cái chia sẻ: Tại hội chợ lần này các mặt hàng rất phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Chúng tôi đã mua rất nhiều sản phẩm từ lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng cho gia đình, người thân.
Ngoài Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu đông 2024, từ nay tới dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn cũng đã bắt đầu tung ra thị trường các sản phẩm đặc biệt dành riêng cho dịp Tết cũng như chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu cho các sản phẩm. Anh Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nước mắm Cái Rồng HCM cho biết: Thời điểm này, ngoài kênh phân phối truyền thống qua các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc truyền thông quảng bá về sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, lồng ghép các chương trình như mua 1 tặng 1, tặng kèm quà cho các combo đặc biệt, tích luỹ điểm cho khách hàng thân thiết… để gia tăng sức hấp dẫn của sản phẩm trên thị trường.
Thời điểm này, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang bắt tay vào việc chuẩn bị nguồn hàng cho Tết, nhiều nơi cũng đã cho lên kệ những sản phẩm hàng hoá phục vụ Tết. Để kích cầu mua sắm, nhiều nơi cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp tạo thuận lợi cho khách hàng, như đa dạng các kênh mua sắm, cả trực tiếp và trực tuyến, miễn phí giao hàng, khuyến mại sâu… Hiện, ngành Công thương cũng đã có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ lớn trên địa bàn, thực hiện khóa giá đối với 100% hàng hóa trong vòng 90 ngày từ thời điểm hiện tại đến Tết Nguyên đán.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: Trong dịp cuối năm, để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, không chỉ trong nước mà còn kết nối với các thị trường nước ngoài. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức Hội chợ Xuân thường niên với sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh ngoài, nước ngoài. Trước Tết, chúng tôi sẽ tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại 13/13 địa phương, đảm bảo nguồn cung hàng hoá dồi dào, phong phú, chất lượng tốt và đa dạng giá cả để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thị trường tiêu dùng năm 2024 cũng chịu nhiều tác động bởi những bất ổn chung của thị trường tiêu dùng thế giới. Những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng từ phía các cơ quan quản lý cũng như sự chủ động từ các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sức mua mạnh mẽ hơn của thị trường trong dịp cuối năm này.