Bão số 3 đi qua, để lại những con đường với hàng dài cây xanh đô thị bị gãy hoặc bật gốc. Trên những cánh rừng vốn xanh ngắt một màu, nay còn trơ lại những thân cây bị bẻ gãy. Người trồng rừng xót xa, bởi phía sau sự tàn phá của thiên nhiên là cơ nghiệp của bao nhà. Lâm nghiệp thực sự là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề sau bão.
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão Yagi, thiệt hại đối với huyện Vân Đồn không chỉ là thủy sản, mà còn là những cánh rừng bị tàn phá, trong đó nhiều nơi bị xóa sổ hoàn toàn; ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân.
Trong cơn mưa không dứt sáng 11/9, anh Lê Đình Hìu (thôn Xuyên Hùng, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn) đứng ngẩn ngơ nhìn cánh rừng năm thứ 4 vốn xanh tốt của gia đình, nay chỉ còn là những gốc cây bị bẻ gãy ngang thân, đổ gập. “Gia đình tôi có 14ha rừng, đáng lẽ sẽ cho thu hoạch khoảng 600-700 triệu đồng trong năm sau. Vợ chồng tôi đã có rất nhiều dự định với số tiền này. Thế nhưng, cả cơ nghiệp của gia đình, bây giờ mất trắng rồi. Cả huyện bị thiệt hại rừng, muốn thuê người dọn dẹp cũng không biết tìm đâu. Tôi cũng không còn tiền để thuê người nữa” – anh Hìu buồn bã nói.
Tính đến 17h ngày 10/9, huyện Vân Đồn đã có trên 16.100ha rừng bị ảnh hưởng, chiếm 1/3 diện tích rừng bị thiệt hại trên toàn tỉnh. Đây cũng là địa phương bị thiệt hại về rừng nặng nhất trong cả tỉnh. Việc phục hồi sau bão của ngành lâm nghiệp cần rất nhiều thời gian, công sức và chi phí đầu tư.
Bà Từ Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Vân Đồn, cho biết: Tổng diện tích rừng thuộc sở hữu của Công ty và các hộ thành viên là gần 6.000ha bao gồm các loại keo, thông, lát. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, gần 5.900ha rừng đã bị gãy, đổ, bật gốc, tổng giá trị thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng. Bây giờ, khó khăn nhất đối với chúng tôi là vốn và nguồn nhân lực, trang thiết bị để dọn dẹp, chuẩn bị thực bì cho vụ tới. Về lâu dài, vấn đề bố trí việc làm, thu nhập cho người lao động của Công ty cũng đang là những thách thức không hề nhỏ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các hộ trồng rừng trên địa bàn TP Hạ Long. Thành phố có trên 86.000ha rừng và đất rừng, tuy nhiên, theo thống kê tính đến 17h ngày 10/9, 8.370ha bị tàn phá. Nhiều chủ rừng trắng tay khi sau nhiều năm trồng và chăm sóc, chỉ còn 2-3 năm nữa, những cánh rừng sẽ cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Bởi, theo ghi nhận, những cánh rừng keo từ năm thứ 4 trở về hầu hết bị “xóa sổ” hoàn toàn. Rừng từ năm thứ 5 trở đi hầu hết bị gãy ngang thân. Do khó khăn trong thuê nhân công, các chủ rừng hiện đang vận động người thân, cố tận thu để lấy vốn tái tạo, tuy nhiên, số lượng gỗ thu được chỉ khoảng 40%. Trong khi đó, chất lượng của gỗ không đảm bảo, giá trị thu mua sẽ chỉ được khoảng 20% so với thông thường.
Tranh thủ xếp những thân gỗ keo vừa dọn dẹp lên xe tải, anh Dương Thế Sơn (thôn Mỏ Đông, xã Sơn Dương, TP Hạ Long) buồn bã cho biết: Nhà tôi có 8ha keo, giờ đều gãy, đổ hết; giờ phải huy động người thân cố vớt vát tận thu từ những cánh rừng 4-6 năm tuổi, mặc dù giá thu mua chỉ 450-500 đồng/kg, nhưng được đồng nào hay đồng ấy.
Là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, ông Nguyễn Bá Trượng, Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Hoành Bồ, cho biết: Có những cánh rừng đơn vị đã trồng và chăm sóc được 30 tháng, bằng giống mô, quy trình trồng cao sản, hết năm 2024 là hết giai đoạn đầu tư, chờ 4 năm sau để bắt đầu thu hoạch phục vụ tái đầu tư. Thế nhưng, cơn bão số 3 đã tàn phá toàn bộ 85% trong tổng số diện tích 3.600ha rừng sản xuất của công ty, với tổng đầu tư khoảng 80 tỷ đồng. Hiện đơn vị bố trí nhân lực đến tận từng vạt rừng để kiểm đếm, thống kê thiệt hại và lên phương án xử lý thực bì. Đơn vị mong muốn tỉnh có cơ chế để giảm thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là trong ngành Lâm nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng nặng nề của bão số 3.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến 17h ngày 10/9, toàn tỉnh có khoảng 45.489ha rừng trồng bị ảnh hưởng do siêu bão Yagi, trong đó, nặng nhất là Vân Đồn 16.161ha; Ba Chẽ 10.000ha; Hạ Long 8.370ha; Tiên Yên 6.393ha. Sở NN&PTNT nhận định con số diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 sẽ tăng thêm khi các địa phương trong tỉnh có con số thống kê chính xác. Cùng với đó, việc người dân trồng lại rừng sau thiệt hại của bão sẽ tăng suất đầu tư, do mất thêm chi thu dọn cây gãy đổ để chuẩn bị diện trồng rừng. Và điều quan trọng là trong vòng 4-5 năm tới, nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.