Nhà vệ sinh công cộng của Nhật Bản thu hút sự chú ý của quốc tế vì du khách nước ngoài thường đăng hình ảnh các nhà vệ sinh công cộng đẹp và sạch của Nhật Bản lên mạng xã hội.
Nhật Bản, quốc gia vốn nổi tiếng với hệ thống nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, đã tiếp tục nâng cấp chất lượng tiện ích này để thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài.
Nhà vệ sinh công cộng của Nhật Bản thu hút sự chú ý của quốc tế vì du khách nước ngoài thường đăng hình ảnh các nhà vệ sinh công cộng đẹp và sạch của Nhật Bản lên mạng xã hội.
Với tính chất sạch sẽ từ trong ra ngoài, nhà vệ sinh công cộng đang được nâng cấp để giúp người dùng cảm thấy thoải mái hơn.
Một số cộng đồng tại Nhật Bản thậm chí còn nỗ lực biến nhà vệ sinh công cộng thành địa điểm nổi danh của địa phương.
Nhà vệ sinh đặc biệt ở Công viên Nabeshima Shoto mở cửa vào năm 2021 và được thiết kế bởi Kengo Kuma, kiến trúc sư nổi tiếng quốc tế, người đã thiết kế Sân vận động Quốc gia cho Đại hội thể thao Olympic Tokyo 2020.
Với những tấm ván tuyết tùng có độ dài khác nhau, đây là một phần của dự án “Nhà vệ sinh Tokyo” đang được thực hiện cùng với Tổ chức phi lợi nhuận Nippon nhằm xây dựng lại các nhà vệ sinh công cộng tại 17 địa điểm ở Shibuya từ năm 2020-2023.
Một phụ nữ ở quận Shibuya, thủ đô Tokyo nhận định: “Nhà vệ sinh này hòa quyện vào công viên như thể nó không phải là nhà vệ sinh. Nó sạch sẽ nên tôi có thể sử dụng nó một cách thoải mái.”
Tuy nhiên nhà vệ sinh công cộng ngày càng đắt đỏ hơn ở Nhật Bản, nơi chi phí xây dựng đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua với mức chi ngày nay lên tới hơn 100 triệu yen (674.217 USD) mỗi nhà vệ sinh trong một số trường hợp.
Kiến trúc sư Kuma và 15 người khác đã thiết kế các nhà vệ sinh mới tại Nhật Bản cho biết trung bình sẽ mất gần 120 triệu yen cho mỗi nhà vệ sinh hoàn chỉnh.
Theo một cuộc khảo sát mẫu của Viện Nghiên cứu Xây dựng ở Tokyo, chi phí cho mỗi mét vuông là khoảng 980.000 yen từ năm 2021-2022, gần gấp đôi mức 510.000 yen từ năm 2006-2010.
Dù vật liệu xây dựng tăng lên nhưng việc dành nhiều chi phí cho hoạt động xây dựng nhà vệ sinh công cộng cũng phản ánh mong muốn của chính quyền địa phương trong việc thay đổi hình ảnh “tối tăm và bẩn thỉu” của các nhà vệ sinh công cộng.
Các phòng vệ sinh được thiết kế lại ở quận Shibuya phù hợp cho xe lăn và có bệ vệ sinh rửa bằng nước ấm. Những thiết bị này được nhân viên của quận thường xuyên dọn rửa.
Ông Shigeki Ishimaru, Chủ tịch Toshikan, một đơn vị sản xuất thiết bị vệ sinh công cộng, cho biết: “Các phòng vệ sinh ngày càng cải tiế thiết kế với trần nhà cao như một biện pháp chống mùi, có ánh sáng trời và các tính năng thiết kế khác để tăng thêm độ sáng.”
Việc chuyển đổi nhà vệ sinh kiểu Nhật sang kiểu phương Tây và mở rộng nhà vệ sinh để phục vụ người già và người khuyết tật đang được tiến hành.
Ông Ishimaru chia sẻ: “Chi phí sẽ tăng lên nếu lắp đặt các phụ kiện như hệ thống rửa, ghế trẻ em và ghế nghỉ cho người già và người ốm yếu.”
Ngoài ra còn có một số điều chỉnh để mang lại sự hòa nhập thân thiện hơn với giới tính thiểu số.
Đại diện Toto, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị vệ sinh, cho biết: “Thỉnh thoảng chúng tôi đề xuất bố trí một phòng dành cho cả nam và nữ bên cạnh các khu vực dành cho nam, nữ và người sử dụng xe lăn.”
Ông Tomomi Ozaki, Giám đốc của Tokyo Landscape Architects, đơn vị thiết kế công viên, nói: “Có nhiều chính quyền địa phương đang bắt đầu nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng như hình ảnh của các công viên.”
Nhà vệ sinh công cộng trước đây được xây dựng chủ yếu ở các góc công viên.
Theo ông Ozaki, mọi người sẽ sử dụng nhà vệ sinh công cộng cẩn thận hơn nếu chúng được xây ở những nơi nổi bật hơn.
Quận Minato của Tokyo có kế hoạch tân trang lại khoảng 80 nhà vệ sinh công cộng từ mùa Xuân này. Những nơi này sẽ rộng rãi hơn và được trang bị ghế rửa nước ấm và máy sấy tay.
Công nghệ Internet of Things sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý từ xa, với các cảm biến phát hiện vấn đề với ghế ngồi và các phụ kiện khác. Theo các chuyên gia, chi phí xây dựng sẽ không dưới 100 triệu yen cho mỗi nhà vệ sinh.
Ông Tasuku Ebihara, người đứng đầu bộ phận công trình công cộng thuộc Phòng Hỗ trợ Phát triển Thành phố của phường, cho biết: “Quận Minato có nhiều khu thương mại được rất nhiều người đến thăm, chẳng hạn như Roppongi và Shinbashi. Chúng tôi đã đánh giá là các nhà vệ sinh công cộng để phát triển nơi này thành địa điểm thân thiện với phụ nữ và người nước ngoài.”
Việc nâng cấp và tăng cường nhà vệ sinh công cộng ở các điểm du lịch, khu đô thị trở thành thách thức lớn hơn do lượng khách nước ngoài ngày càng tăng. Nếu nhà vệ sinh ở khu vực này kém chất lượng sẽ cản trở việc tham quan của du khách.
Chính quyền thành phố Hatsukaichi, tỉnh Hiroshima, đã chi 285 triệu yen vào mùa Hè năm 2019 để xây dựng một cửa hàng ở Miyajima, thị trấn có Đền Itsukushima, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, thành một trung tâm du lịch và nhà vệ sinh công cộng để cải thiện công tác quản lý du lịch và khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh thường xuyên.
Quận Chiyoda của Tokyo đã xây dựng lại 32 nhà vệ sinh công cộng từ năm 2018-2021.
Quận cũng lắp đặt một hệ thống đa ngôn ngữ để giải thích cách sử dụng đúng bằng tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Trung, cùng các ngôn ngữ khác.
Ông Ozaki của Tokyo Landscape cho biết: “Chính quyền địa phương với nguồn thu thuế nhỏ không đủ khả năng nâng cấp nhà vệ sinh công cộng.” Việc vệ sinh và bảo trì cũng tốn kém.
Để giúp giải quyết vấn đề này, năm 2017, tỉnh Okama ở phía tây Nhật Bản đã đấu giá quyền đặt tên cho nhà vệ sinh công cộng ở Công viên Nishigawa Ryokudo ở trung tâm thành phố.
Kajinon, một công ty điện lực địa phương, đã giành được quyền đặt tên cho nhà vệ sinh để đổi lấy việc trả tiền tân trang và bảo trì hàng ngày./.