Thấm nhuần lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”… trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Trong đó quan tâm khơi dậy và lan tỏa tinh thần, động lực, khát vọng phát triển, cống hiến của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đồng hành, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Tận tâm cống hiến
Đến Trường THCS Trới (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long), nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt sẽ được các em học sinh giới thiệu những thông tin rất thân thương: “Cô giáo nhà thơ”, “người nổi tiếng”, “cô giáo của những giải thưởng”, “nhiếp ảnh gia của trường”…
Là cô giáo dạy Văn, cô Nguyệt từng có 9 năm công tác tại các xã vùng cao của huyện Hoành Bồ cũ (nay là TP Hạ Long), 11 năm công tác tại Phòng GD&ĐT huyện. Ở mỗi vị trí công tác, cô luôn tiên phong trong mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng “tiếp lửa” cho các đội tuyển học sinh của trường tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ở bộ môn do cô phụ trách. Cô còn cùng với các đồng nghiệp xây dựng những phóng sự đẹp về các trường học, về ngành giáo dục, về địa phương, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến cán bộ, giáo viên và học sinh, góp phần tạo động lực trong phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”.
Năm 2021 cô về giảng dạy tại Trường THCS Trới. Cô vẫn là một cô giáo chủ nhiệm đầy nhiệt huyết, giáo viên giỏi cấp thành phố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 2 năm liền lớp cô chủ nhiệm đạt xuất sắc. Giản dị và khiêm nhường, cô dạy học sinh từ những kỹ năng trong cuộc sống, sự sáng tạo trong lao động, chăm sóc công trình măng non của lớp, đến những bài giảng đầy yêu thương. Cô sẵn sàng học hỏi, chia sẻ cùng đồng nghiệp trong chuyên môn, trong kinh nghiệm công tác; tích cực trong các hoạt động tập thể. Với sự đam mê viết lách, cô tham gia nhiều hoạt động của địa phương, thành phố, như: Tham gia thuyết trình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cấp tỉnh; tham gia thi sân khấu hóa tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển” cấp thành phố; tham gia Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng)…
Ngô Lê Ánh Duyên (học sinh lớp 8A2, Trường THCS Trới) chia sẻ: “Em rất tự hào khi được là học trò của cô Nguyệt. Cô giáo dạy Ngữ văn rất gần gũi và tận tình với chúng em. Cô đã giúp em yêu thích môn học này, biết nỗ lực, cố gắng hơn trong học tập”.
Với những đóng góp, cống hiến cho ngành cũng như cho địa phương, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt đã được ghi nhận bằng “bộ sưu tập” giấy khen của các cấp, bằng khen của tỉnh, của Bộ GD&ĐT; đặc biệt cô được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021; nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” của Hội Khuyến học Việt Nam. Cô còn giành nhiều giải cao từ cấp huyện, thành phố đến cấp tỉnh, cấp trung ương, như: Giải ba của Bộ Tư pháp cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013; giải ba cuộc thi tìm hiểu 70 năm lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh; giải nhì cấp tỉnh cuộc thi tìm hiểu 90 năm – Vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam; giải nhì thành phố cuộc thi viết tìm hiểu “Quảng Ninh 60 năm xây dựng và phát triển”…
Thầy giáo Phạm Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Trới, khẳng định: “Cô Nguyệt là một giáo viên trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, tận tâm và hết lòng vì học trò. Tập thể nhà trường chúng tôi luôn tự tin và tự hào khi có những giáo viên như vậy”.
19 năm công tác trong cơ quan của thành phố, hơn 9 năm làm công tác tuyên giáo, dù ở cương vị nào, bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long, cũng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bà luôn xác định, công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để hoàn thành trọng trách nặng nề nhưng rất vẻ vang này, đòi hỏi đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp của Đảng phải hội tụ đủ những tiêu chí chung của người cán bộ cách mạng theo quy định của Đảng và những tiêu chí riêng của ngành.
Từ suy nghĩ trên, bà Hường thường xuyên sâu sát ở cơ sở để nắm bắt tình hình, ghi nhận những ý kiến phản ánh của nhân dân; qua đó kịp thời tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Bà cùng với tập thể Ban Tuyên giáo đã có nhiều sáng kiến, giải pháp thực hiện công tác tuyên giáo, mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành kế hoạch thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chuyên đề “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.
Đến nay thành phố có 90 trường học công lập xây dựng được chuẩn mực đạo đức và khái quát thành khẩu hiệu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; 2 bệnh viện và 33 trạm y tế xã, phường đã khái quát những chuẩn mực đạo đức thành khẩu hiệu thống nhất với khẩu hiệu của ngành Y tế “Lương y như từ mẫu”; Đảng ủy Công an thành phố luôn luôn trung thành với chuẩn mực đạo đức “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và “Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”.
Cán bộ, công chức thành phố với tinh thần “Làm đúng, làm nhanh, làm kịp thời, dứt điểm” gắn với việc thực hiện hoàn thiện các chuẩn mực về giá trị văn hóa con người Hạ Long với các nét đặc trưng “Năng động – Sáng tạo – Hào sảng – Lành mạnh – Văn minh – Thân thiện”. Cán bộ làm công tác kiểm tra với khẩu hiệu “Nâng cao chất lượng, trách nhiệm, dũng khí”…
Đến nay các giải pháp, các sáng kiến được áp dụng đã đi vào nền nếp, nhiệm vụ công tác tuyên truyền thực hiện có hiệu quả, đáp ứng kịp thời thông tin định hướng dư luận nhân dân. Qua đó góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội; động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực lao động, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; hoạt động tuyên giáo đã thực sự là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân.
Tạo môi trường để cán bộ rèn luyện, phấn đấu
Để có những CBCCVC, đảng viên gương mẫu, tận tụy, cống hiến như Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long Phan Thị Hải Hường, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt…, thời gian qua tỉnh luôn coi trọng và dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ. Hằng năm tỉnh đều chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đội ngũ cán bộ đổi mới, phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung…
BCH Đảng bộ tỉnh đã dành nhiều tâm huyết, đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp quan trọng, phù hợp với từng thời kỳ, trực tiếp lãnh đạo, quản lý cán bộ, thể chế hóa, cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới.
Nội dung, phương pháp, cách làm có nhiều đột phá theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, tiên phong cả nước, tạo dựng được cơ chế thi tuyển cạnh tranh lành mạnh trong tuyển lựa cán bộ. Đồng thời tỉnh xây dựng đề án, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCC, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ cơ sở; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở toàn tỉnh; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các trường dân tộc nội trú và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác trên địa bàn.
Tỉnh mạnh dạn trong việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo đúng quy định của Trung ương; đổi mới về tiêu chuẩn cán bộ, công khai hóa, minh bạch hóa và dân chủ hóa việc đánh giá, lựa chọn cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hợp lý cơ cấu đội ngũ cán bộ bảo đảm chất lượng, cân đối, đồng bộ; bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực sự khoa học, dân chủ, đúng pháp luật và quy định của Đảng “đúng người, đúng việc”, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, không để xảy ra có đơn thư hay dư luận bức xúc trong công tác cán bộ. Đồng thời làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; sàng lọc, loại bỏ CBCCVC yếu về năng lực, trình độ, uy tín giảm sút, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Song song với đó quan tâm tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Trong công tác tạo nguồn, quy hoạch, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, đúng, đủ các quy trình, quy định. Đặc biệt, Tỉnh ủy chỉ đạo mở rộng phạm vi giới thiệu, đối tượng lấy ý kiến phát hiện cán bộ để đưa vào quy hoạch theo hướng “động” và “mở”, tiến hành đồng bộ cả 3 cấp; mở rộng nguồn cán bộ từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, phát huy dân chủ trong giới thiệu, phát hiện nguồn cán bộ quy hoạch, bảo đảm cơ cấu, tính kế thừa và phát triển, chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ, gắn với tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng chủ trương của Trung ương. Tỉnh đã hoàn thành đúng tiến độ công tác rà soát, bổ sung Quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 (2021-2026), xây dựng Quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030 (2026-2031), đảm bảo tỷ lệ nữ, trẻ tuổi, cán bộ được quy hoạch trình độ trên đại học chiếm tỷ lệ cao.
Nhờ quan tâm đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, chất lượng đội ngũ CBCC của tỉnh ngày càng được nâng cao, nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của tỉnh, đã mạnh dạn đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, không né tránh các vấn đề mới, khó, phức tạp; mạnh dạn đề xuất những vấn đề chưa có tiền lệ để tập trung nghiên cứu, thực hiện; kiên trì, bền bỉ, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, làm nên một Quảng Ninh với nhiều kỳ tích. Nhất là trong bối cảnh cực kỳ nhiều khó khăn thử thách, toàn tỉnh vẫn giữ vững sự ổn định, đoàn kết, thống nhất, tinh thần cải cách, đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023); 15/15 chỉ tiêu xây dựng Đảng, kinh tế, xã hội, môi trường đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh trong tình hình mới, Quảng Ninh đang tiếp tục tập trung đổi mới công tác cán bộ, trọng tâm là đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ trên tinh thần đổi mới, khách quan, công tâm, minh bạch. Mục tiêu cao nhất là tạo ra chất lượng đội ngũ cán bộ ở mức cao hơn, mang đến năng lực mới cho toàn hệ thống chính trị toàn tỉnh.