Nhìn lại hàng loạt bài hát, album, chương trình âm nhạc ra mắt công chúng trong năm 2023, có thể nhận thấy chất lượng sản phẩm ngày càng đặc sắc. Trong năm 2024, các sản phẩm âm nhạc cần tiếp tục hướng đến chất lượng, đáp ứng thị hiếu khán giả và hứa hẹn có những bước tiến mới.
Thế hệ Gen Z bùng nổ
Năm 2023 nhiều sản phẩm âm nhạc kết hợp âm hưởng dân gian tiếp tục bùng nổ, có thể kể đến Thị Mầu, À Lôi… Không chỉ là sản phẩm âm nhạc đơn lẻ, nguyên album đã được ra mắt dưới phong cách này. Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi là album như vậy.
Nữ ca sĩ bắt tay với nhà sản xuất DTAP cho ra mắt album gồm 10 bài hát lấy chất liệu từ các tác phẩm văn học, mang đậm phong cách dân gian điện tử. Đặc biệt, ca khúc Bóng phù hoa lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Chuyện người con gái Nam Xương để lại ấn tượng sâu sắc. Với album Vũ trụ cò bay, Phương Mỹ Chi đứng đầu về số lượng đề cử của giải thưởng Làn sóng xanh 2023 bao gồm Nữ ca sĩ của năm, Gương mặt mới xuất sắc, Album của năm, MV của năm, Sự kết hợp xuất sắc. Ngoài ra, nhà sản xuất DTAP cũng nhận hai đề cử gồm Hòa âm phối khí, Nhà sản xuất âm nhạc của năm.
Thị trường âm nhạc đón nhiều luồng gió mới với hàng loạt gương mặt trẻ có cá tính âm nhạc mạnh mẽ. Các nghệ sĩ GenZ như Tlinh, RPT MCK, HIEUTHUHAI, Wren Evans, Grey D… tiếp tục khẳng định được vị trí trên đường đua âm nhạc. Đây đều là những cái tên vừa có khả năng sáng tác vừa có khả năng trình diễn, tương tác với khán giả tốt.
Tlinh với album Ái được khán giả dành nhiều tình cảm. Trong đó, ca khúc Nếu lúc đó lọt tốp ca khúc được nghe nhiều nhất năm 2023 do ứng dụng nghe nhạc trực tuyến Spotify thống kê. Album LOI CHOI được Wren Evans tung ra cuối năm 2023 được khán giả dành nhiều lời khen ngợi. HIEUTHUHAI và album đầu tay Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó cũng được nhiều khán giả đón nhận. Trong năm qua, nhiều nghệ sĩ cũng cho ra mắt EP (đĩa mở rộng), album để khẳng định dấu ấn cá nhân, trong đó có Thịnh Suy, Phí Phương Anh, MONO, rapper 24K.Right, nhạc sĩ Khắc Hưng…
Dù là những cái tên mới trong làng nhạc Việt, những nghệ sĩ Gen Z nhanh chóng để lại ấn tượng cho khán giả. Các album của họ được chờ đón, đạt thành tích tốt trên các bảng xếp hạng âm nhạc, được đề cử những giải thưởng âm nhạc. Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi, Ái của Tlinh, Ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó của HIEUTHUHAI và LOI CHOI của Wren Evans đã có tên trong danh sách đề cử hạng mục Album của năm của giải Làn sóng xanh 2023 cùng album Minh tinh của Văn Mai Hương.
Nói về việc xu hướng làm album hiện nay, nhà phê bình âm nhạc, biên tập viên Minh Đức khẳng định, nghệ sĩ muốn có dấu ấn trong sự nghiệp cần thể hiện qua các album. “Khi nhắc đến các giai đoạn sự nghiệp của một nghệ sĩ là nhắc một dấu ấn nào đó. Dấu ấn đó chỉ được ghi nhận bằng album cụ thể mà không phải bằng bài hát. Trước đây, nghệ sĩ thường nghĩ làm album mất thời gian. Thực tế, nếu tập trung làm chỉ mất khoảng một năm sẽ có một album. Sự thành công của Hoàng Thùy Linh gắn liền với các album của cô ấy”, anh nêu.
Ngày càng chuyên nghiệp
Năm qua công chúng cũng chứng kiến sự bùng nổ của các liveshow, live concert của nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Các chương trình như Tựa như gió phiêu du của nhạc sĩ Đức Trí, 1589 của Trung Quân, Một mình bao la của Đỗ Bảo, Người bình thường của Vũ Cát Tường, My Soul 1981 của Mỹ Tâm, Chân trời rực rỡ của Hà Anh Tuấn… được đầu tư công phu, bài bản thu hút hàng nghìn khán giả.
Giá vé của một số chương trình có khi được đẩy lên cả chục triệu đồng, nhưng vẫn bán hết veo. Khán giả cũng đón hàng loạt tên tuổi quốc tế như nhóm nhạc BlackPink trong khuôn khổ Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của BlackPink 2023, nhóm nhạc Super Junior trong Super Show 9, nhóm nhạc Westlife, TAEYANG, BoA, Aespa, Hyoyeon…
Lý giải thành công của những sô âm nhạc lớn, thu hút hàng nghìn khán giả tham dự, nhạc sĩ Tiến Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết, thói quen nghe và thưởng thức âm nhạc của công chúng đã thay đổi. Khán giả có thói quen nghe nhạc trên các nền tảng trả phí và sẵn sàng trả phí để thưởng thức những tác phẩm âm nhạc có chất lượng. “Khi nghe nhạc trên các nền tảng mất phí, khán giả được thưởng thức âm nhạc với chất lượng tốt hơn. Việc sẵn sàng trả phí để nghe nhạc là bước đệm cho việc mua vé đến các sân khấu lớn nghe hát”, nhạc sĩ Tiến Mạnh nêu.
Không thể phủ nhận, âm nhạc Việt đang có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp âm nhạc nói riêng. Tuy nhiên, để thực sự có nền công nghiệp âm nhạc phát triển còn đó nhiều việc phải làm. “Nếu muốn có ngành công nghiệp âm nhạc đúng nghĩa, cần phải có sự đồng bộ, hiện nay chúng ta vẫn mạnh ai nấy làm, không có sức mạnh tập thể. Cần có một chiến lược phát triển chung, bởi tất cả chỉ đang manh mún, nhỏ lẻ. Để có nền công nghiệp âm nhạc cần sự đầu tư rất lớn, sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý Nhà nước”, nhạc sĩ Tiến Mạnh nêu.
Ông nhận thấy, dòng nhạc giải trí đang chiếm lĩnh thị trường, tuy nhiên, nhạc thính phòng không bị bỏ quên. Những chương trình về nhạc thính phòng tại Hà Nội thường kín lịch và hết vé. Điều này cũng khẳng định thị hiếu âm nhạc của công chúng ngày càng cao. Các chương trình âm nhạc, nghệ thuật vì thế cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Năm 2024 để tiếp tục nối dài những thành tích của năm 2023, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho rằng, các nghệ sĩ cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong tác phẩm, chương trình. “Các sô diễn đa giác quan là đích đến của nhiều nghệ sĩ trong năm tới. Đa giác quan nghĩa là những sô diễn không chỉ thỏa mãn thính giác, thị giác cho khán giả mà cần kết hợp ánh sáng, nghệ thuật sắp đặt đem đến cho khán giả cảm xúc bùng nổ”, nhạc sĩ Tiến Mạnh cho biết.