Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Uyên Linh, thậm chí danh ca Khánh Ly, cũng từng hát sai lời nhạc Trịnh.
Việc Mỹ Linh, Thu Phương, Uyên Linh hát sai lời Diễm xưa – nhạc phẩm nổi tiếng của Trịnh Công Sơn – trong chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng gây chú ý.
Cụ thể, câu “Chiều nay còn mưa sao em không lại?/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau” được các “chị đẹp” hát thành: “Nhớ mãi trong cơn đau vùi”.
Sau chương trình, Mỹ Linh xin lỗi, thừa nhận thiếu sót và rút kinh nghiệm. Ban tổ chức cũng nhận sai vì tham khảo lời bài hát trên Google và dùng cho các nghệ sĩ tập, biểu diễn. Khán giả bình luận sự việc này có thể thông cảm được vì từ trước đến nay nhiều người cũng bị nhầm câu hát này. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng ca sĩ, êkíp cần cẩn thận để tôn trọng tác giả, tác phẩm.
Trước đó, Mỹ Linh từng nhiều lần hát nhầm lời nhạc Trịnh. Năm 2011, khi biểu diễn bế mạc Liên hoan Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, cô hát nhầm lời bài Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Trong câu “Chọn những bông hoa và những nụ cười”, diva hát “chọn” thành “và”. Ngoài ra, cô liên tục nhầm giữa lời một và lời hai.
Trong Đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Hà Nội năm 2012, Mỹ Linh hát “Đời sao im vắng” thành “Trời sao im vắng” (bài Ru ta ngậm ngùi), “Một sớm mai chim bay đi triền miên” thành “Một sớm mai chim bay đi bình yên” (Để gió cuốn đi). Năm 2015, ca sĩ cũng từng hát sai bài Nối vòng tay lớn, câu “từ quê nghèo lên phố lớn” thành “từ quê nghèo lên phố mới”, câu “rừng núi dang tay nối lại biển xa” thành “rừng núi dang tay nối miền biển xa”.
Không riêng Mỹ Linh, nhiều ca sĩ từng hát nhầm lời nhạc Trịnh. Cũng xuất hiện trong cùng chương trình với Mỹ Linh năm 2012, Mỹ Tâm hát “Mười năm khi phố khi vùng đồi” thành “Mười năm khi phố khi nụ cười”, bài Có một dòng sông đã qua đời. Với bài Đêm thấy ta là thác đổ, cô hát “Đời ta hết mang điều mới lạ/ Tôi đã sống rất ơ hờ” thành “Đời em hết mang điều mới lạ/ Tôi đã sống rất ơ hờ”.
Ở một chương trình năm 2017, Mỹ Tâm hát “Hồ Tây chiều thu” thành “trời tây chiều thu” (Nhớ mùa thu Hà Nội). Ngay sau đó, ca sĩ thừa nhận mình hát sai, gửi lời xin lỗi khán giả. Năm 2011, Uyên Linh cũng không nhớ lời khi biểu diễn Nối vòng tay lớn, liên tục phải “cầu cứu” bạn song ca là Phạm Anh Khoa.
Một số câu trong nhạc Trịnh khác thường bị hát sai là “con tim yêu thương” (nguyên gốc “con tinh yêu thương”, bài Một cõi đi về), “bàn tay xôn xao” (nguyên gốc “bàn tay xanh xao”, bài Nắng thủy tinh) hay “Có khi nắng mưa chưa lên” (nguyên gốc “Có khi nắng khuya chưa lên”, bài Chiều một mình qua phố).
Năm 2018, khi về nước biểu diễn, danh ca Khánh Ly – người gắn liền tên tuổi với nhạc Trịnh Công Sơn – nói trong một buổi gặp gỡ báo chí rằng bà cũng từng hát sai lời nhạc Trịnh. Có lần, bà hát cùng một ca sĩ trẻ. Người này hát đúng, bà hát sai nhưng khán giả tưởng bà là người đúng.
Ca sĩ Ánh Tuyết, Quang Dũng nhận định việc hát sai lời nhạc Trịnh chủ yếu do chủ quan, ỷ lại các phiên bản chưa rõ nguồn gốc trên mạng.
Nhạc sĩ Văn Cao từng gọi nhạc Trịnh là “ca thơ”, trong đó không phân biệt được đâu là ca đâu là thơ. Những người yêu nhạc Trịnh đều rất chú trọng ca từ trong bài hát.
Khi làm giám khảo một số cuộc thi về nhạc Trịnh, Tấn Sơn – thành viên nhóm Du ca của gia đình nhạc sĩ – cho biết từng chứng kiến nhiều trường hợp vì quá hồi hộp mà “phăng” lời, làm sai lệch nội dung ca khúc. Nhiều người nghe các bản thu nổi tiếng để hát lại nên mắc lỗi sai ở các phần ca từ na ná nhau, tương tự “nhỡ mai – nhớ mãi” (Diễm xưa).
Còn theo Quang Dũng, do âm sắc tiếng Việt có nhiều dấu hỏi, ngã, nặng, đôi khi ca sĩ luyến láy thành từ khác, khó phân biệt đúng, sai.
“Nhạc Trịnh có giai điệu êm ái, không trúc trắc, dễ hát, nhưng ca từ lại nhiều tầng nghĩa, ẩn chứa triết lý nhân sinh. Lời bài hát của ông dễ mà khó, khó mà dễ, bởi ai nghe cũng thấy một phần của mình trong đó”, Ánh Tuyết nói.
Ánh Tuyết, Quang Dũng cho biết họ rút ra kinh nghiệm phải nghiên cứu kỹ ca khúc trước khi trình diễn. Với Tấn Sơn, anh thường nỗ lực đối chiếu phần lời cho chuẩn xác bằng cách rà lại các văn bản chính thức do hiệp hội âm nhạc phát, hoặc các tờ giấy (sheet) nhạc phát hành trước năm 1975. Anh cũng nghe lại các bản thu nổi tiếng, như của Khánh Ly hoặc Trịnh Vĩnh Trinh (em gái Trịnh Công Sơn). Theo ca sĩ, việc đối soát này là cần thiết bởi bản thân nhạc sĩ từng sửa lại đôi lời ca khúc để phù hợp hơn với tinh thần thời đại. “Tôi thường khuyên các ca sĩ trẻ, nếu muốn tránh sai lời, hãy tập và thuộc lòng đến mức hát không cần nhớ”, anh nói.
Tấn Sơn cho rằng các cơ quan quản lý, hiệp hội, như các hội âm nhạc hoặc trung tâm thu tác quyền, nên có website đăng tải các lời bài hát chính thức, hình ảnh sheet nhạc gốc, bản thu mẫu để nghệ sĩ lẫn công chúng tiện đối chiếu. “Với các nhạc sĩ có lượng sáng tác đồ sộ hơn như Trịnh Công Sơn, chúng ta nên có những trang web như vậy. Việc này không khó với nền công nghiệp âm nhạc đang phát triển và xu hướng số hóa hiện tại”, Tấn Sơn nói.
Theo lời kể của nhiều ca sĩ thân cận, sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bao dung với những người hát sai nhạc ông. Ông từng an ủi Quang Dũng: “Thôi kệ, sai thì mình làm lại để tốt hơn”. Khánh Ly từng kể bà không chỉ hát sai lời mà sai cả nốt, nhạc sĩ không sửa nên bà vẫn tưởng mình hát đúng đến tận sau này. Ca sĩ Ánh Tuyết nói nhạc sĩ “mở lòng” với tất cả những ai hát nhạc ông. Ông thường nói: “Cứ để mọi người tự do hát nhạc anh, như vậy là đã mang lại hạnh phúc cho anh”.