Phim ảnh đã dán nhãn 18+. Gần đây bùng lên câu chuyện dán nhãn cho sách. Trong khi đó, dán nhãn cho các sản phẩm âm nhạc được đặt ra từ lâu song tới nay vẫn chưa làm. Chẳng lẽ khó vậy sao?
Ca khúc Fever của Coldzy (kết hợp với tlinh) nối dài vào danh sách những bài hát có ca từ, hình ảnh gợi dục, không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi.
Trước bài hát của Coldzy và tlinh thì các MV Bigcityboy của Binz, Em không hối tiếc của Hương Giang, Oh My chuối của Sỹ Thanh, Xin đừng đi của Mia, Mẩy thật mẩy của BigDaddy, Hâm nóng của Emily… cũng khiến người xem ngượng chín mặt bởi ca từ hoặc hình ảnh hở bạo, cảnh giường chiếu, cảnh nóng… ngập tràn, cần dán nhãn 18+.
Nhạc trẻ thời nay sao thế nhỉ?
Trong Fever, có đầy rẫy nhưng câu chữ dạng này: “Áo hai dây buông lên sofa, nàng vội lại gần sát thêm/ Để đôi môi không còn khô/ Toàn thân ta tăng nhiệt độ/ Ướt át lúc đi vô/ Dù mưa nhưng không cần ô”.
Hay một đoạn khác: “Anh khiến em băn khoăn về ur body count cuz ur so good/ Suốt cả đêm nay nhà hàng xóm sẽ không được ngủ”.
“Nhạc trẻ thời nay sao ấy nhỉ?”, “Thời nay, các bạn trẻ sao cứ thích đưa những ngôn từ nhạy cảm, gây sốc vào âm nhạc”, “Phạm Duy, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, Văn Cao ngày xưa đâu viết dung tục thế mà âm nhạc của họ vẫn hay, vẫn tồn tại qua năm tháng”… là các bình luận của khán giả.
Hiện việc phát hành các sản phẩm âm nhạc trên không gian mạng quá dễ. Ai cũng có thể tự hát, tự thu âm, tự quay hình rồi tung lên mạng. Khi dư luận phản ứng, cơ quan chức năng tuýt còi thì mới gỡ/ẩn đi.
|
Chia sẻ với PV, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền nói ở các nước, đơn vị sản xuất và phát hành thường gắn nhãn cho các sản phẩm nhạc có nội dung nhạy cảm. Việt Nam cũng có thể học hỏi.
Thực tế V-pop Việt cũng có một số nghệ sĩ chủ động gắn nhãn 16+, 18+ với các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, con số đó vẫn ít ỏi.
Sáng tạo cũng có giới hạn
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét “trường ca từ” và thẩm mỹ âm nhạc của thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay khác trước. Đời thực, “bí hiểm”, thậm chí trần trụi hơn. Cũng dễ nghe, dễ hiểu, nhịp điệu, màu sắc… phần lớn na ná nhau. Đó là những biểu hiện chung của âm nhạc đại chúng hiện nay.
“Ta cũng không thể nào yêu cầu ở các bạn một lớp ca từ bay bướm, giàu hình ảnh, nhiều tầng nhiều lớp nghĩa như thế hệ trước được”, ông Long nói.
Về cơ bản, nhạc trẻ đáp ứng đúng nhu cầu giới trẻ ngày nay. Chỉ có một số vấn đề tồn tại như đạo nhạc, ca từ dung tục, 18+…
Theo ông Long, với những sản phẩm âm nhạc có những biểu hiện không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục, đi ngược quy định pháp luật về quảng bá văn hóa, bên cạnh việc kêu gọi nghệ sĩ tự giác thì “vẫn cần chế tài đủ sức răn đe”.
Khi cộng đồng lên tiếng, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng, nếu vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Long nói thêm: “Việc sáng tạo cũng có giới hạn. Nhạc trendy nhưng vẫn phải nằm trong “thuần phong mỹ tục”.
Trước đây vẫn có những bài hát tình yêu sướt mướt, ủy mị nhưng dung tục, phản cảm thì… hầu như không có. Nếu có cũng vấp phải sự phản ứng từ cộng đồng.
Tuy nhiên phải trao đổi lại, “như thế nào là thuần phong mỹ tục” cũng cần quy định cụ thể. Vẫn biết với mạng xã hội hiện nay, việc quản lý các sản phẩm phổ biến trên mạng theo hướng hậu kiểm là hợp lý. Nhưng có lẽ cũng nên cân nhắc kết hợp tiền kiềm với một số văn hóa phẩm dạng như trên.