Kể từ khi tách khỏi nhóm nhạc 5 Dòng kẻ, Giáng Son được khán giả và giới chuyên môn biết đến nhiều hơn trong vai trò là một nhà sáng tác nhạc và đạt được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) ở hạng mục Album của năm (2016) cho album Bóng tối Jazz.
Tháng trước, nữ nhạc sĩ này cho ra mắt một sản phẩm với tư cách ca sĩ – album Sing my Sol gồm 9 ca khúc do chính mình sáng tác.
* Trước đây, khi chia tay nhóm “5 Dòng kẻ”, chị nóimình không có khả năng kiếm ra nhiều tiền. Vậy bây giờ, khi đã quyết định làm một ca sĩ, chị có tự tin mình sẽ kiếm tiền nhanh, kiếm được nhiều tiền hơn không? Hay việc chị ra “Sing my Sol” chỉ như một cuộc chơi cho vui, thử khả năng ca hát của mình?
– Sing my Sol đúng nghĩa là một cuộc chơi, hát cho vui, thỏa mãn mong muốn tự thể hiện bài hát của mình ra sao. Mẹ tôi còn ngạc nhiên nói rằng dạo này con hát hay nhỉ? Hồi xưa hát chán lắm mà! Tôi cũng chưa hề có một suy nghĩ gì về việc mình sẽ kiếm tiền từ việc là một ca sĩ. Mọi việc cứ để tự nhiên, nếu có lời mời đi hát thì tôi cũng sẵn sàng ngay thôi!
* Đến bây giờ, khi đã 48 tuổi chị mới quyết định chuyển hướng trên con đường nghệ thuật bằng việc tự hát các ca khúc do mình sáng tác. Vậychị có thấy sự chuyển hướng này là muộn và liều lĩnh, nhất là trong bối cảnh đời sống âm nhạc hiện nay việc ra album là rất khó bán?
– Tôi là người thích làm album, mặc dù làm album tốn công sức hơn rất nhiều so với làm bài đơn. Nhưng với tôi làm album mới thể hiện hết được phong cách, cá tính của người nhạc sĩ hay ca sĩ đó. Album sẽ đánh dấu một chặng đường nghệ thuật của người nghệ sĩ đó, điều mà bài đơn thì không thể đủ diễn tả được.
Làm album phải có tư duy, có câu chuyện hay sự kết nối hợp lý giữa các bài hát với nhau. Đó cũng là lý do mọi người ít ra album vào thời điểm này mà chỉ thích ra bài đơn lẻ. Tôi làm album để kỷ niệm và không nghĩ gì đến lợi nhuận nên rất thoải mái tư tưởng. Nhưng từ hôm ra mắt, thấy nhiều người muốn mua album làm tôi cảm thấy rất vui.
Tôi “liều lĩnh” ra album tự hát vì tôi luôn nghĩ mình là nhạc sĩ thôi, không phải là ca sĩ chuyên nghiệp. Chuyện hát này hoàn toàn ngẫu hứng nên không có chuyện muộn hay sớm ở đây cả. Và tôi nghĩ đến thời điểm này tôi mới có duyên hát thì sao?!
* Trong buổi ra mắt album, chị nói “mình không phải là một ca sĩ chuyên nghiệp, không được trời cho một giọng hát hay”, vậy tại sao chị không chọn một phong cách khác để “giấu” đi những hạn chế của mình mà lại chọn phong cách acoustic – một phong cách vẫn được nhiều người cho là cũ, không còn thịnh hành và cũng kén người nghe, nhất là với công chúng trẻ?
– Đúng là acoustic sẽ lộ toàn bộ những khuyết điểm về giọng hát, về xử lý của ca sĩ thể hiện. Nhưng acoustic lại thẩm thấu vào người nghe nhanh nhất bằng cách thủ thỉ tâm sự chân thành như thế. Âm nhạc của tôi phù hợp với phong cách này.
Tôi không cho rằng acoustic là cũ, mà chỉ là ai chọn phong cách nào để thể hiện phù hợp với nội dung, cá tính, âm nhạc của ca sĩ đó mà thôi. Có người thích sôi động thì cũng có người thích nhẹ nhàng. Tôi hiểu rõ acoustic nên khi hát phải hết sức mượt mà, chau chuốt từng hơi thở mà lại phải hết sức tự nhiên.
* Nhạc của chị, như nhiều người trong nghề nói, tương đối khó hát vì có nhiều nốt cao, quãng rộng. Vậy khi chính mình thể hiện những sáng tác của mình chị có gặp cảm giác “gậy ông đập lưng ông” không, và chị hóa giải điều đó bằng cách nào?
– Quả thật tôi có thói quen khi sáng tác bằng đàn piano nên quãng giọng hay thích rộng 2 quãng 8. Vì tôi thấy thế mới đủ sức diễn tả nội tâm của bài hát. Và tôi cũng cho rằng đã là ca sĩ chuyên nghiệp thì 2 quãng 8 là bình thường!
Khi tôi hát thì đúng là một số bài gặp khó, vì quãng rộng mà lại cần mạnh mẽ nội lực. Có bài xử lý được nhưng có bài thì bất lực! Cảm giác bất lực không điều khiển được giọng hát của mình trong phòng thu thật khó chịu vì giọng mình không lên được nốt đó hoặc không xuống được nốt đó. Thế nên qua đây tôi thấy rất thông cảm cho các ca sĩ mà gặp phải những ca khó nhằn như một số bài hát của tôi.
* Chị là một nhạc sĩ có thương hiệu trong làng nhạc Việt. Vậy vì sao chị không thành lập một nhóm nhạc mới, hoặc tham gia một nhóm nhạc có tiếng thay vì gia nhập nhóm M6 (nhóm nhạc gồm những nhạc sĩ, các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, kiến trúc sư, họa sĩ như: Ngô Tự Lập, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trần Đức Minh, Nguyễn Tuấn)?
– M6 là một nhóm nhạc mà mỗi người đều có cá tính riêng, sự nghiệp riêng. Chúng tôi trân trọng tài năng của nhau và tham gia nhóm để cùng nhau khơi gợi những cảm hứng âm nhạc. Chúng tôi trao đổi, thảo luận, góp ý, ra bài toán thử thách cho các thành viên rồi cùng nhau làm những album kỷ niệm. Tôi thấy thoải mái khi tham gia nhóm và cũng học hỏi được ở những người anh rất nhiều về vốn sống, về văn học, thơ ca.
Khi còn trẻ thì tôi đã tham gia một nhóm hát rồi. Tôi quá hiểu sự vất vả của một nhóm hát nữ ra sao nên tôi không có ý định lập nhóm mới nữa.
* Theo quan sát của chị, đời sống âm nhạc nước nhà đang diễn ra như thế nào? Và chị học hỏi được gì từ các nghệ sĩ trẻ, những xu hướng hiện nay?
– Có những xu hướng âm nhạc của một số bạn trẻ là phải có tiết tấu như hip-hop, EDM hay techno thì mới nhanh nổi tiếng, mới lan toả trong các bạn trẻ. Nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ thành công với những bản pop ballad rất nhẹ nhàng, êm dịu, sâu sắc. Tôi thích màu sắc trẻ trung hiện đại của chilies, thích những bản tình ca hơi buồn của Vũ., Hứa Kim Tuyền, Hoàng Dũng. Tôi thích cách các bạn đặt vấn đề, cách các bạn nói lên những khát khao mong muốn của mình. Nghe nhạc các bạn trẻ tôi cũng thấy mình trẻ trung hơn!
* Cảm ơn nhạc sĩ, ca sĩ Giáng Son!