Nhà văn Trung Trung Đỉnh ra mắt “Con thiêng của rừng” – truyện lấy cảm hứng từ cuộc đời họa sĩ Xu Man.
Sách có bối cảnh thập niên 1930, xoay quanh nhân vật chính Siêu Dơng – một cậu bé dân tộc Ba Na. Từ bé, Siêu Dơng chứng kiến cảnh cha mẹ phải làm lụng cho nhà chánh tổng, cả nhà bị đem bán cho tri phủ Môr. Dù bộc lộ năng khiếu hội họa, cậu sớm bị vùi dập tài năng khi làm tôi tớ cho cha con lão Môr.
Lớn lên, cậu tiếp tục trải qua chuỗi ngày bất hạnh, bị áp bức đến mức vợ con qua đời. Anh từng phản kháng rồi buông xuôi, nhưng không lựa chọn nào đem lại cho anh yên ổn. Bước ngoặt là khi Siêu Dơng thấy một “tia sáng chiếu rọi tương lai”. Nửa sau, câu chuyện tập trung vào hành trình cậu quyết một lòng đi theo cách mạng.
Nhà văn cho biết viết sách dựa trên nhiều nhân vật có thật vào giai đoạn dân tộc chịu ách đô hộ của thực dân Pháp và tay sai. Nguyên mẫu của Siêu Dơng là họa sĩ Xu Man, sinh năm 1925 tại thị trấn An Khê (Gia Lai). Suốt thời niên thiếu, ông phải làm tôi tớ để trả nợ cho chủ. Đến tuổi thanh niên, ông gia nhập lực lượng quân đội, tập kết ra Bắc năm 1954 và được cử đi học văn hóa.
Năm 1974, ông hoàn thành chương trình đại học, tiếp tục công tác. Năm 1983, ông về hưu, trở lại quê nhà làng Bông, trước khi qua đời năm 2007. Chủ đề lớn trong các tác phẩm của ông là tấm lòng người Tây Nguyên với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bức tranh vẽ xong, họa sĩ đem tặng cho bạn bè, khán giả. Đến nay, nhiều tranh của ông được lưu giữ trong các viện bảo tàng mỹ thuật tại Hà Nội và TP HCM.
Trung Trung Đỉnh từng gặp gỡ họa sĩ Xu Man, sớm trở thành đôi bạn tâm giao. Những đêm chuyện trò bên rượu cần, bếp lửa thôi thúc ông viết Con thiêng của rừng. Với ông, tác phẩm không chỉ là sách đầu tiên về cuộc đời nghệ sĩ lớn của dân tộc Ba Na, từng được giới văn học nghệ thuật Tây Nguyên gọi là “con thiêng của rừng”, mà còn là kết tinh của một tình bạn.
“Ông là một đốm lửa trong rừng, một nghệ sĩ được ngôi làng rừng của người Ba Na, Tây Nguyên nuôi từ thuở lọt lòng… Ngọn lửa bên bếp lửa than thuở thiếu thời nuôi dưỡng tâm hồn Xu Man, đưa ông đi và cả đưa ông về, theo ông suốt cuộc đời”, nhà văn nói.
Để thực hiện cuốn sách, tác giả đi sâu nghiên cứu về nét văn hóa, phong tục tập quán của người Ba Na và các dân tộc Tây Nguyên. Ông quan sát cách đi đứng, nói cười, nếp sống nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt, hội hè, tìm hiểu những bi kịch họ từng gánh chịu. Do đó, sách góp phần giúp độc giả hiểu thêm về văn hóa, lịch sử phát triển của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên.
Ông dành thời lượng mô tả chuyển biến trong tâm lý Siêu Dơng. Chàng trai phải đấu tranh nội tâm giữa khao khát được cầm súng đánh giặc và nhiệm vụ đi học trường mỹ thuật, phục vụ đời sống tinh thần của người dân, chiến sĩ. Từ đây, sách gửi gắm thông điệp: Một khi đã tìm được sứ mệnh của cuộc đời, hãy một lòng một dạ cống hiến đến cùng. “Tôi tin sách đem lại cho bạn đọc nhỏ tuổi lượng thông tin đáng yêu về một nghệ sĩ có cuộc đời chìm nổi, cũng như về một vùng đất có truyền thống văn hóa đặc sắc, dù chịu nhiều đau thương do giặc giã, thiên tai”, nhà văn cho biết.
Tác giả 75 tuổi, nguyên quán Hải Phòng, nhiều năm chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến cứu nước. Ông tốt nghiệp khóa I của Trường viết văn Nguyễn Du, từng làm biên tập văn xuôi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 2000, ông giữ chức Phó tổng biên tập báo Văn nghệ trước khi trở thành Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
Ông từng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Năm 2000, tiểu thuyết Lính trận của ông được trao giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam. Năm 2007, ông được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật. Năm 2012, tác phẩm Lính trận tiếp tục mang về cho nhà văn giải thưởng văn học ASEAN.