Sinh ra ở quê lúa Thái Bình nhưng lập nghiệp ở Quảng Ninh, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã định vị sáng tác của mình ở mảng đề tài chủ yếu về biển đảo. Để rồi cuối cùng, chính ông lại trở về với bờ tre gốc rạ yêu thương.
Nhà thơ Trịnh Công Lộc sinh ngày 5/6/1952 tại xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhưng gần suốt đời gắn bó với Quảng Ninh. Có thể nói, gia tài thơ mà ông có được chủ yếu ở mảnh đất vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Trịnh Công Lộc thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Do vậy, khi còn ngồi trên giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội, chàng sinh viên ngữ văn đã được tiếp nhận mảng văn học cách mạng. Ông là người có sáng kiến lập nên CLB Thơ Khoa Văn của Đại học Sư phạm Hà Nội để giao lưu với CLB Thơ Đại học Tổng hợp, và giao lưu thơ với các nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngay từ hồi còn là sinh viên Văn khoa, Trịnh Công Lộc đã có thơ đăng một số báo Trung ương, địa phương khác. Bài thơ “Cánh buồm nâu” của ông được in trên báo Văn Nghệ đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc trẻ trong giai đoạn đó. Nhà thơ Trịnh Công Lộc luôn quan niệm, thơ có phép nhiệm màu. Và thời trai trẻ, dường như, phép màu ấy đã gần như nhuốm hết tâm trí ông.
Tốt nghiệp đại học, Trịnh Công Lộc về dạy học tại Đông Triều, rồi Uông Bí. Sau đó, ông làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Triều, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, rồi Trưởng Ban Quản lý Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh. Ông đã tranh thủ học thêm văn bằng đại học chuyên ngành nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học, rồi tập trung nghiên cứu chủ biên, xuất bản sách về lịch sử. Thế nhưng, ông vẫn không thôi đau đáu với thơ ca.
Dù ở cương vị nào, là giáo viên hay cán bộ tuyên giáo, người làm văn hoá, ông cũng vẫn rất “chung tình” với thơ. Năm 2011, ông xuất bản tập thơ đầu tay “Cánh buồm nâu”. Một năm sau, năm 2012, khi đã nghỉ hưu, nhà thơ Trịnh Công Lộc được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và chuyển về công tác tại văn phòng Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.
Thơ ông từng đăng báo có tới hàng trăm bài, thậm chí nhiều hơn nhưng gần 40 năm sau mới ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tiên. Điều này cho thấy ông rất mực trân trọng bạn đọc khi chọn lọc thơ. Với ông, “Thơ là cái cớ để chia sẻ với bạn bè, thơ cũng là mối duyên tơ”.
“Cánh buồm nâu” là đứa con đầu lòng nhưng “Mộ gió” mới làm nên Trịnh Công Lộc. Về bài thơ “Mộ gió”, sinh thời, nhà thơ Trịnh Công Lộc tâm sự: “Tôi đã tìm hiểu được những tư liệu và hình ảnh về mộ gió lịch sử. Cảm hứng từ lịch sử và những chuyến đi biển đảo, nhất là những lần ngủ trên sóng cận kề biên giới Tổ quốc trên biển, đã tạo thi hứng và chất liệu để tôi hoàn thành “Mộ gió”. Thật tình, tôi chỉ là người có công xới xáo lại thôi”.
Nói về bài thơ này, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét: “Tác phẩm của Trịnh Công Lộc thực sự là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó là sức mạnh của toàn dân tộc. Mới mẻ về nhận thức, sâu sắc về tư tưởng, nó xoá đi mọi sự nghi kị, hẹp hòi, chỉ còn lại là mối đồng cảm lớn lao: Bảo vệ Tổ quốc bằng tổng lực sức mạnh của dân tộc”.
Sau đó, nhạc sĩ Vũ Thiết đã phổ nhạc thành bài hát “Khúc tráng ca biển”, đã được trao giải nhì cuộc thi thơ và nhạc mang tên “Đây biển Việt Nam” năm 2011. Sau khi “Mộ gió” được vinh danh, các nhà thơ, nhạc sĩ đã sáng tác về biển đảo nhiều hơn hẳn. Nhà thơ Đặng Huy Giang, nguyên Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: “Trịnh Công Lộc và “Mộ gió” đã tạo nên hiệu ứng xã hội và tạo nên một hội chứng mộ gió”.
Thực ra, trước đó, Trịnh Công Lộc cũng đã có nhiều bài thơ về biển, đảo. Sinh thời, trong một lần trò chuyện với người viết bài này, nhà thơ Trịnh Công Lộc chia sẻ: “Tôi đã có gần 40 năm với vùng biển đảo Quảng Ninh và các vùng biển đảo khác, cảm xúc về biển đảo của riêng tôi chẳng khi nào vơi cạn. Chính từ biển đảo mà tôi đã có được những giây phút thăng hoa trong sáng tác của mình”.
Trịnh Công Lộc cũng có nhiều thơ về núi, rừng, làng bản nơi biên giới. Bài thơ này ông viết để tưởng nhớ liệt sĩ Trình Văn Vũ nơi huyện đảo Minh Châu: “Mùa thả lưới cũng mùa trận mạc/ Người ra khơi có lúc không về/ Những lúc ấy cả rừng trâm ngơ ngác/ Lá lao xao níu chặt thân cành…/ Anh ngã xuống, còn ôm chiến sĩ/ Như rừng trâm ôm giữ lấy nhau!”.
Đến năm 2020, tập thơ “Mộ gió” cùng với tập thơ “Từ biển mà đi” lại được giải Nhất, Giải thưởng Văn học về biên giới, hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó nhạc sĩ Đỗ Hoà An cũng đã phổ nhạc bài thơ “Mộ gió” của nhà thơ Trịnh Công Lộc và ca khúc “Mộ gió” cùng với 3 ca khúc khác đã giúp nhạc sĩ Đỗ Hoà An được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Nhà thơ Trịnh Công Lộc còn được nhận tặng thưởng của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam với chùm thơ “Nghĩ từ những ngày bão dịch” và “Đón mặt trời từ biển”.
Viết về biển đảo, cảm hứng trong thơ Trịnh Công Lộc đan xen giữa hiện thực, lãng mạn và cả sử thi. PGS.TS Hồ Thế Hà, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, đánh giá: “Chính cái tôi nghệ sĩ và cái tôi công dân thông qua những trải nghiệm, kiếm tìm từ cuộc sống thật đó đã làm nên hồn thơ Trịnh Công Lộc vừa hiện thực vừa lãng mạn; vừa chân thành, cụ thể vừa triết lý, ảo diệu”.
Viết về Quảng Ninh, thơ Trịnh Công Lộc có nhiều phát hiện: “Thành phố/ Gối đầu lên bể/ Hạ Long/ Sóng tóc như mây/ Núi Bài Thơ/ Cây phong cầm muôn thuở”. Những câu thơ ông viết về Vịnh Hạ Long rất trong trẻo: “Hạ Long của thần tiên/ Đất trời không giấu nổi/ Nắng cũng thành nỗi niềm/ Cho mắt ai bối rối…”.
Ông nhìn theo thuyền trên Vịnh và phát hiện: “Lưới giăng mắc tình yêu ta với biển/ Lưới với thuyền như đôi lứa sánh đôi/ Mỗi đảo nhỏ đều dõi theo mắt lưới/ Mỗi mắt lưới đường khơi- mắt lưới mặt trời!”. Đây là những câu thơ đầy chất sử thi: “Lại những con đường thuở hồng hoang lên rừng, xuống bể/ Đã ngàn vạn con đường qua thời binh lửa/ Rào rào như tên, như nỏ/ Dáng rồng tiên cuồn cuộn bay lên…”.
Chủ đề biển đảo, biên giới, Tổ quốc, nhân dân, vận mệnh dân tộc đi vào thơ Trịnh Công Lộc với ý thức trách nhiệm công dân của người cầm bút. Trịnh Công Lộc là nhà thơ chuyên tâm viết về biển đảo nhưng thơ viết về vùng than của ông cũng rất đáng đọc. Những câu thơ viết về than chan chứa những khắc khoải. Những bài thơ “Than tổ ong”, “Vào ca than”, “Tượng đài than”… là những minh chứng cụ thể nhất. Nhà thơ cảm thông và trân trọng những người thợ mỏ: “Than/ Đứa con một/ Triệu năm đất nặng đẻ đau…/ Lớp lớp tầng sâu/ Đại thụ than mọc từ bóng tối…” (Than đứa con một).
Hoặc trong bài thơ “Báu vật”: “Đã khác xưa/ Không kéo mặt trời xuống thấp/ Không cấp tập xe goòng/ Không thay lửa nấu cơm/… Mỗi mét lò/ Tính từng mạng sống/ Đắp lên da thịt một đời…”. Ông còn thể hiện cái nhìn đầy chất triết lý: “Mùa than/ Mây đanh lại góc trời/ Dốc Hà Tu nắng đổ/ Mưa xối xả than trôi/ Lộ thiên cao chất ngất/ Moong đã thành mắt mỏ/ Hay đã thành hố mắt/ Tìm than” (Lộ thiên).
Người thợ mỏ hiện ra trong thơ ông vừa lãng mạng vừa bi hùng: “Vào ca/ Trăng đổ vàng mặt đất/ Những mắt sao nao nao/ Tháng năm tầm tã/ Lấy da thịt vá trời/ Lấy máu xương vá đất/ Vuốt nhọn gian nan/ Mở đường than trập trùng thế kỷ“. Cũng bởi tính chất triết lý trong thơ nên những gì nhà thơ Trịnh Công Lộc viết khá kén người đọc. Không phải bạn đọc phổ thông nào cũng hiểu: “Ai đã sống cùng than/ Choòng, búa, vỉa tầng, hầm lò và khí/ Những binh đoàn khai phá/ Ruột đất bóng đen/ Bóng đen cũng vĩnh hằng…/Than, đồng hồ sinh học/ Hiện lên, sinh lực nguyên sinh/ Bóng tối giết đi bóng tối…”.
Cùng với biển, nhà thơ Trịnh Công Lộc còn nhiều bài thơ khác viết về vùng núi Đồng Văn, Hoành Mô, Khe Vằn, Ngọa Vân. Trong bài “Cao Xiêm”, núi rừng hiện ra vừa hùng vĩ vừa lãng mạn: “…Tiếng đá Ba Lanh vọng thức/ Vang dậy Khe Vằn/ Giao duyên suối tóc/ Soóng cọ thành dây/ Buộc sông buộc núi…”.
Sau sự thành công của “Mộ gió”, “Từ biển mà đi”, “Vành tang núi”, ông ra mắt tiếp tập “Mặt trời cỏ”. Hình ảnh mặt trời được ông tâm đắc khai thác nhiều. Thậm chí có 2 tập thơ được đặt tên như vậy. Với tập thơ “Mặt trời đêm”, tinh thần dân tộc một lần nữa được ông khơi lại khi viết về nỗi niềm của những người lính hi sinh… Những bài thơ trong tập “Mặt trời cỏ” lại giàu chiêm nghiệm suy tư nhưng không phải về thế sự nữa mà về chính mình.
Dường như tiên liệu được về “ga cuối”: “Còn mình khi mệnh đến/ Lại về với cỏ thôi” nên những năm cuối đời, nhà thơ Trịnh Công Lộc tìm về sinh sống tại nơi chốn rau cắt rốn quê hương. Có thể nói, tại Quảng Ninh, ông đã tìm được hướng đi cho thơ mình khi “thâm canh” đề tài biển đảo. Còn trở về với hương đồng cỏ nội quê hương thân yêu, ông muốn tìm cho mình một hướng đi mới, hướng đi để được hoá thân vào màu xanh cỏ dại.
Nhà thơ Trịnh Công Lộc dưỡng bệnh mấy năm tại quê hương và đã “về với cỏ” như cách nói của ông, hồi 15 giờ 30 ngày 15/2/2025, trong niềm thương tiếc của nhiều bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu thơ. “Từ biển mà đi”, đi mỏi chân rồi tìm về với cội nguồn với gốc rễ, nghĩa là tìm về với hương đồng cỏ nội. Chắc hẳn ở miền thi cảm ấy, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã tìm thấy ánh sáng cho mình.