Đạo diễn, nhà sản xuất Nhất Trung công khai xin lỗi vì cắt bỏ nhiều cảnh quay tâm huyết của NSƯT Thành Lộc, ca sĩ Cẩm Ly trong phim Ma da.
Ngày 17/8, trên Facebook cá nhân, đạo diễn Nhất Trung – đại diện nhà sản xuất của phim Ma da – đăng bài xin lỗi Thành Lộc, Cẩm Ly và khán giả.
Theo đó, phim Ma da được quảng bá rầm rộ và gây ấn tượng cho khán giả với sự xuất hiện của nghệ sĩ Thành Lộc trên màn ảnh rộng và lần đầu thử sức diễn xuất của ca sĩ Cẩm Ly.
Thành Lộc và ca sĩ Cẩm Ly xuất hiện ít ỏi trong Ma da
Thành Lộc vào vai thầy trừ tà, giúp bà Lệ (Việt Hương đóng) tìm con gái đã bị ma da bắt đi. Anh chỉ xuất hiện trong ba phân cảnh với thời lượng khoảng 5 phút.
Còn Cẩm Ly vào vai một người mẹ có con trai cũng bị ma da sát hại. Cô xuất hiện trong ba phân cảnh, đến lúc cao trào chạm nước mắt khán giả thì phim bất ngờ chuyển sang cảnh khác.
Đạo diễn Nhất Trung viết: “Trung xin được xin lỗi nghệ sĩ Thành Lộc và ca sĩ Cẩm Ly rất nhiều vì trong quá trình hậu kỳ, rất nhiều cảnh quay mà anh chị đã dồn tâm huyết thực hiện buộc phải bị cắt bỏ.
Đây là điều bắt buộc để có được bản phim hoàn chỉnh hiện tại và việc này đã khiến vai diễn của anh chị bị giảm thời lượng so với kế hoạch ban đầu.
Bên cạnh đó, việc ê kíp không sớm thông báo chính thức bằng văn bản cho hai anh chị là một sai sót hoàn toàn. Từ cương vị là một trong những nhà sản xuất của bộ phim, Trung xin nhận toàn bộ trách nhiệm và lỗi này về phần mình”.
Việc phim cắt bỏ phần lớn thời lượng xuất hiện của Thành Lộc, Cẩm Ly khiến một số khán giả rất bất bình và gây tranh cãi trên các diễn đàn phim ảnh bởi họ nói ra rạp mua vé xem Ma da vì danh tiếng của hai nghệ sĩ.
Một khán giả bình luận: “Lời xin lỗi này có thể đã quá muộn màng khi các anh chị đã không nhận được sự tôn trọng từ nhà sản xuất và bị tổn thương.
Dù các anh chị là những nghệ sĩ lớn, thường xuyên nhận được nhiều lời mời, nhưng vì duyên và sự phù hợp, các anh chị đã đến với đoàn phim, lội sông lội nước, quay suốt hơn nửa tháng, chịu muỗi cắn nát người nhưng vẫn vui vẻ đồng hành.
Vậy mà khi phim lên màn ảnh rộng lại bị cắt bỏ hết, quay còn không được cận mặt, chẳng khác nào diễn viên quần chúng. Tệ hại hơn, họ còn không được thông báo về việc phim đã được chỉnh sửa so với bản ban đầu. Điều này có phải là sự coi thường quá mức không?”.
Có khán giả thẳng thắn nêu quan điểm việc cắt bớt thời lượng của hai nghệ sĩ Thành Lộc và Cẩm Ly là không cần thiết vì tên tuổi của họ cũng là một trong những yếu tố để kéo khán giả đến với phim:
“Dưới cương vị là khán giả, tôi xin đánh giá phim không hay và không liền mạch, nội dung rời rạc.
Là fan của hai nghệ sĩ, chúng tôi không bất bình vì thần tượng của mình không xuất hiện trên màn ảnh rộng nhiều mà là vì thái độ không tôn trọng nghệ sĩ và khán giả của ê kíp.
Nếu đã cắt như vậy trước, thế up trailer làm gì? Có phải treo đầu dê bán thịt chó không?”.
Theo Nhất Trung, anh đã có buổi gặp mặt trò chuyện trực tiếp với nghệ sĩ Thành Lộc và Cẩm Ly, đồng thời đang thảo luận thêm để tìm ra giải pháp hợp lý nhất nhằm đảm bảo tất cả các bên đều cảm thấy hài lòng.
PV liên hệ với nhạc sĩ Minh Vy, quản lý của ca sĩ Cẩm Ly. Anh đính chính đạo diễn Nhất Trung chỉ gặp gỡ anh để trao đổi, còn ca sĩ Cẩm Ly không muốn gặp nhà sản xuất. Nhạc sĩ Minh Vy không chia sẻ thêm.
Tương tự, NSƯT Thành Lộc nói rằng anh “không thêm bình luận gì vào chuyện này”.
Ma da với mô típ quen thuộc của dòng phim kinh dị
Mặc dù gây ấn tượng với truyền thuyết dân gian “ma da kéo giò” và cuộc sống của những người hành nghề vớt xác, Ma da vẫn tồn tại một số hạn chế.
Ở những phân cảnh đầu, các màn hù dọa được thực hiện khá tốt, khi phim sử dụng đủ mọi biện pháp từ jumpscare, hóa trang đến âm thanh cường độ mạnh để tạo hiệu ứng kinh dị.
Tuy nhiên, càng về sau, các cảnh này dần trở nên dễ đoán và xuất hiện quá thường xuyên, với phong cách lặp lại tương tự nhau.
Mạch phim có phần dài dòng và rời rạc ở đoạn giữa, khiến câu chuyện không thật sự cuốn hút và đôi lúc còn gây khó hiểu cho khán giả.
Ý tưởng của Ma da mới lạ, vì nghề vớt xác chưa từng được khai thác trước đây.
Dẫu vậy, thay vì đi sâu vào chủ đề này, biên kịch lại chọn cách đi theo lối mòn khi khai thác đứa trẻ và món đồ chơi kỳ lạ.
Điều này làm cho bộ phim trở nên đại trà, tương đồng so với các tác phẩm trước đây như Thiên thần hộ mệnh, Quỷ linh nhi, Annabelle: Tạo vật quỷ dữ, hay Búp bê sát nhân…
Ngoài ra, phần lồng tiếng của một số nhân vật không khớp với khẩu hình miệng, làm giảm đi sự tự nhiên và mượt mà trong trải nghiệm xem phim.