Với 17 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó 20,55% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, Đồng Phú hội tụ, đan xen nhiều nét văn hóa độc đáo của các vùng miền trong cả nước. Thời gian qua, đã có nhiều người trẻ dành tâm huyết với nét đẹp văn hóa dân tộc. Họ không chỉ kế thừa, “giữ lửa” mà còn góp phần phát huy, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Để tiếng cồng chiêng vang mãi
Tại nhà văn hóa ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, khi mặt trời tắt nắng, gác lại công việc trong ngày, các thanh thiếu niên người S’tiêng lại hăng say tập luyện đánh cồng chiêng dưới sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân tâm huyết. Em Điểu Kha cho hay: Em học đánh cồng chiêng vì không muốn di sản văn hóa của dân tộc bị mai một. Theo em, mỗi người có cách đánh khác nhau, cái khó là mình phải tự cảm nhận được âm thanh của mặt cồng. Em mong muốn được tham gia nhiều hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương để trau dồi và giới thiệu, lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc mình.
Người S’tiêng có nhiều lễ hội trong năm, trong đó không thể thiếu rượu cần, cồng chiêng. Thế nên người S’tiêng ấp Thuận Tiến ai nấy bảo nhau, nếu không thể đánh thành thạo cồng chiêng thì ít nhất cũng phải nghe, khắc ghi được nhịp chiêng, nhịp cồng. Những người lớn tuổi nơi đây chia sẻ rằng, cồng chiêng đối với họ là bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá, biểu tượng cho sức mạnh vật chất lẫn tinh thần của người S’tiêng. Và hiện các nghệ nhân trong ấp vẫn đang từng ngày nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ với mong muốn con cháu sau này càng yêu hơn, quý hơn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Nghệ nhân Điểu Ênh ở ấp Thuận Tiến chia sẻ: “Tôi cùng đoàn ca múa của Trung tâm Văn hóa tỉnh từng tham gia biểu diễn ở các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum. Tôi tâm huyết truyền dạy cho con cháu nét đẹp truyền thống của dân tộc mình và cũng mong muốn ngành văn hóa mở thêm nhiều lớp dạy đánh cồng chiêng để các em, các cháu được học hỏi thêm”.
Em Điểu Rai ở ấp Thuận Tiến bày tỏ: “Em tham gia Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng đã 2 năm. Khi học đánh cồng chiêng, em được các chú, các anh trong CLB dạy từ điều cơ bản đến các kỹ thuật cao hơn, cầm tay dạy từng nhịp, chỉnh độ cao – thấp nên em mới đánh được như hiện nay”.
Một bài biểu diễn là sự hòa âm của chiêng, cồng và trống; thanh âm, tiết tấu mỗi bài khác nhau ở câu chuyện kể… Hơn cả năng khiếu, khi người học đặt tâm hồn vào từng thanh âm thì càng nhanh lĩnh hội được “dáng hình” của mỗi bài chiêng, cồng.
Ngân nga khúc then, điệu tính
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, người Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc vào Đồng Phú lập nghiệp, mang theo cả văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó đàn tính, hát then trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong gia đình và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Địa điểm là nhà văn hóa ấp, mỗi tháng sinh hoạt định kỳ một lần, CLB đàn tính, hát then xã Đồng Tiến đã duy trì hoạt động qua nhiều năm. Trong đó, nhiều học sinh, người trẻ tham gia tích cực, là hạt nhân để các nghệ nhân truyền dạy và tổ chức hoạt động diễn xướng. Em Triệu Thị Yến Vy ở ấp Suối Binh, xã Đồng Tiến chia sẻ: “Khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc, được đánh đàn tính, hát then em thấy rất tự hào. Tham gia CLB, em được các bà, các cô hướng dẫn nhiệt tình từ cách cầm, đánh đàn, chỉ dạy từng lời ca. Em mong có thêm nhiều bạn trẻ yêu thích và tham gia CLB đàn tính, hát then để giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình”.
Tự hào sinh ra, lớn lên giữa những âm vang ngọt ngào, sâu lắng của làn điệu then, em Lương Ngọc Mai có tình yêu tha thiết với âm nhạc truyền thống của dân tộc và khát khao gìn giữ, quảng bá loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Mai đã được các bà, các cô trong CLB đàn tính, hát then dạy đàn, hát từ năm 12, 13 tuổi. Đến nay, Mai có thể đàn, hát được nhiều bài then truyền thống và em cũng có cơ hội tham gia biểu diễn ở những sân khấu trong và ngoài tỉnh. “Đàn tính, hát then là loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Yêu thích đàn tính, hát then, em càng hiểu rõ một phần trách nhiệm của mình trong giữ gìn, quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc” – Mai bộc bạch.
Những người trẻ tuổi mang trong mình khát khao gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thắp sáng ngọn lửa văn hóa nghệ thuật truyền thống giữa lòng xã hội hiện đại. Từ đó lan tỏa đến thế hệ trẻ tinh thần chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.