Sáng 4/1, giá vàng trong nước tăng 500.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, chênh lệch giá mua vào – bán ra lên tới 3 triệu đồng/lượng khiến người mua vẫn lỗ nặng ngay khi nắm giữ. Chuyên gia khuyến nghị người dân tuyệt đối không nên đi vay tiền để mua vàng.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 72,5 – 75,5 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra so với cuối phiên giao dịch trước đó. Giá nhẫn tròn trơn 62,1 – 63,15 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng SJC 72,4 – 75,5 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tại thị trường TPHCM, hệ thống vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng miếng SJC 72,5 – 75,5 triệu đồng/lượng. Giá nhẫn tròn trơn 61,5 – 62,5 triệu đồng/lượng.
Sau cơn sốt giá, doanh nghiệp vàng đẩy rủi ro cho khách hàng khi liên tiếp nới rộng khoảng cách mua vào – bán ra. Có thời điểm, chênh lệch giá mua vào – bán ra lên tới 6 triệu đồng/lượng. Khi giá vàng ổn định quanh mức 75 – 76 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp thu hẹp chênh lệch mua vào – bán ra về mức 3 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 3 triệu đồng/lượng và chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 14 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng gặp rủi ro kép.
Ông Hiếu khuyến nghị, người dân nên cân nhắc kỹ trước khi mua vàng bởi đây là kênh đầu tư rất rủi ro, nên nắm giữ trong thời gian dài. Người dân tuyệt đối không đi vay tiền để mua vàng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.042 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 60,8 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế phí).
Trên thị trường tiền tệ, sáng 4/1, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 23.886 đồng/USD, tăng 38 đồng/USD. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD quanh mức 24.235 – 24.535 đồng/USD, tăng 45 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào – bán ra.