Chuyện có một ông chủ doanh nghiệp khá lớn, suốt ngày… lang thang, tìm hiểu những bãi rác, phế thải xây dựng từ lâu là câu chuyện không lạ với nhiều người ở Công ty Môi trường Đô thị Đông Khê (Đông Triều).
Giải pháp tình cờ từ một tai nạn của cháu bé
Cuối năm 2023, tôi có dịp tham gia một cuộc Café doanh nhân. Tại đây, lãnh đạo TX Đông Triều nghe và gỡ rối cho nhiều đơn vị doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu sản xuất, khiến nhiều doanh nghiệp phải giãn việc, chật vật. Thế nhưng cá biệt có doanh nghiệp vẫn đứng vững, tìm nguồn sống riêng như cách của Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê (Hoàng Quế, Đông Triều).
Tôi quyết định có dịp để tìm hiểu về ông chủ và doanh nghiệp này. Theo lời giới thiệu đầy hài hước của một đồng chí lãnh đạo thị xã: Tìm gặp ông chủ doanh nghiệp à? Không khó đâu, chỉ cần quanh các bãi rác, phế thải ở thị xã… là gặp được thôi. Tôi đi tìm và như lời giới thiệu, tôi phải chờ khá lâu bởi ông Nguyễn Văn Luyến đang đi khảo sát tìm nguyên liệu sản xuất ở các bãi phế thải xây dựng. Ấn tượng đầu tiên ở người đàn ông ngoài 50 tuổi là vẻ chân chất, toát ra từ dáng người đậm, nhanh nhẹn với khuôn mặt sạm đen, nhuốm màu sương gió.
Ông Luyến cho biết: Doanh nghiệp của tôi sản xuất gạch không nung và các lĩnh vực khác đã từ lâu và có thương hiệu. Giai đoạn 2018-2021, các mỏ đá dừng hoạt động, nguyên liệu thiếu nhưng nhập thì quá đắt, nên chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng. Nhìn thấy dây chuyền đầu tư công phu, 40 lao động có nguy cơ giãn hoặc nghỉ việc. Tôi thấy xót xa vô cùng.
Ông Luyến kể, việc doanh nghiệp của ông đến với việc tái chế “rác” thải xây dựng, mỏ là hết sức tình cờ. Đó là nhà ông ở khu đô thị Hoàng Quế, vốn thường xuyên bị người ta đổ trộm phế thải xây dựng. Nhiều bãi phế thải lâu ngày bị cây cỏ mọc, phủ xanh. Một lần, các cháu học sinh xóm nô đùa, chạy về phía khu vực đổ thải trốn, vô tình bị va vào phế thải bê tông cốt thép đâm vào chân, bị thương nặng phải đi cấp cứu.
Ông liền nghĩ cách loại trừ mối nguy này. Qua tìm hiểu, ông Luyến biết được loại “rác” này là vật liệu lý tưởng cho sản xuất gạch không nung, thay thế cho cát, đá và các vật liệu xây dựng khác đang hiếm, giá cao. Vốn là kỹ sư lành nghề, giàu kinh nghiệm, nghĩ là làm, ông Luyến nghĩ ra thiết bị nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng thành vật liệu xây dựng mô phỏng các thiết bị ở nước ngoài.
Ông Luyến phân tích: Trong khi giá nguyên vật liệu cao, chúng tôi có thể tận dụng các loại phế thải xây dựng. Thực tế, trong phế thải xây dựng đó có đủ cát, đá, vôi, xi măng vừa tạo độ cứng, chắc, mịn khi ép gạch không nung, có thể thay thế sỉ nhiệt điện, đá mạt, vốn đã có lộ trình ngừng sản xuất và có giá thành cao khi nhập từ tỉnh ngoài. Như vậy, đây là nguyên liệu khá lý tưởng, không những giúp duy trì sản xuất mà còn tiết kiệm từ 30-40% giá thành.
Ông Luyến chia sẻ thêm: Là những người quan tâm lĩnh vực mình đang đầu tư, sản xuất, tôi được biết, hàng năm cả nước bị thiệt hại tới 5% GDP, tương đương với 10 tỷ USD vì môi trường ô nhiễm, chủ yếu do chất thải trong đó 25-30% là rác thải xây dựng. Nếu làm tốt công tác tái chế chất thải xây dựng, Việt Nam sẽ tiết kiệm được kho tiền rất lớn chi cho việc xử lý chất thải rắn như hiện nay. Vì thế tôi nghĩ rằng, khó khăn, khổ trước mắt, nhưng triển vọng lại khá sáng…
Thành công nhờ… mạo hiểm
Nhờ linh hoạt, sáng tạo, ông Luyến đã giúp doanh nghiệp và người lao động qua giai đoạn khó khăn. Ít ai biết rằng, những sáng tạo đó mở đường tới thành công là không ít mạo hiểm. Câu chuyện này phải kể từ năm 2022, khi công việc sản xuất kinh doanh với quy mô hơn 40 lao động của ông đang ổn định, có thương hiệu thì xảy ra vấn đề thiếu nguyên liệu do cát khan hiếm, đắt; địa phương dừng khai thác đá cho sản xuất… Nguy cơ dừng hoạt động, giãn việc xảy đến với nhà máy vốn là tâm huyết của mình.
Trong bối cảnh khó khăn đó, ông Luyến đã quyết định dồn vốn, vay mượn đầu tư 2 dây chuyền nghiền sàng cỡ nhỏ. “Đây là thiết bị được tái/cải tạo dựa trên hệ thống máy nghiền đá, bê tông với sản lượng 5-10 m3/giờ. Thực tế, đây là việc làm rất đơn giản nếu từng gắn bó với nghề”- ông Luyến chia sẻ.
Nguồn đầu tư vài trăm triệu tới cả tỷ đồng với đơn vị đang khó khăn khi đó là cả tài sản. Trong khi, nhiều đơn vị tương tự gặp khó, tạm ngừng hoạt động, quyết định có phần mạo hiểm của ông đã giúp Công ty duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động. Ông xin phép thị xã thu gom các bãi phế thải; huy động các nguồn đổ “rác” xây dựng. Cái tên chuyên gia dọn “rác” xây dựng gắn với ông từ đó.
Chính bước đi đầy mạo hiểm cũng mở ra một con đường mới cho ông Luyến. Đó là giữa năm 2023, TX Đông Triều tiên phong sử dụng đất đá thải mỏ làm nguyên vật liệu san lấp do thiếu nguồn cát, đá san lấp. Vô tình có lần ông đi qua khu vực san lấp, ông thấy rất nhiều đá loại to được đơn vị thi công bỏ lại do không thể dùng san lấp. Ông nảy ra ý định tái chế đất đá thải mỏ.
Sau khi kết nối tìm được nguồn cung, ông quyết định đầu tư 10-20 tỷ đồng để quy hoạch mặt bằng, thiết kế nâng công năng, công suất của hệ thống máy nghiền đất đá, chế biến thành vật liệu san lấp. Mày mò mất hơn nửa năm trời, chạy khắp các xưởng cơ khí ở Hưng Yên và nhiều nơi trong cả nước, ông cũng đã đặt hàng thành công hệ thống máy nghiền, chế biến thứ vật liệu san lấp nhân tạo. “Khi đó, trong tình cảnh khó khăn, bi đát khi nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải dừng sản xuất, việc tôi đầu tư cả chục tỷ đồng cho dây chuyền mới, nhà xưởng gần 2ha được coi là quá mạo hiểm, gàn dở. Thế nhưng, tôi vẫn có niềm tin” – ông Luyến kể.
Quãng thời gian chờ đợi dự án lớn cũng đã tới. Giữa tháng 5/2024, dự án của ông được UBND tỉnh phê duyệt. Chất lượng vật liệu san lấp nhân tạo mà ông kỳ vọng được các cơ quan chức năng đánh giá đạt chuẩn, cho phép sử dụng rộng rãi. Cùng với đó là niềm vui khi dây chuyền mới hoàn thiện, hoạt động tốt với công suất khoảng 1.000 tấn/ngày được chuyển về, chờ ngày hoạt động.
Một hôm, tôi bỗng nhận được điện thoại của ông Luyến, ông hồ hởi thông báo về 2 dự án mà ông đang theo đuổi: Dự án vật liệu san lấp đã được các cấp đồng thuận, cấp phép. Dây chuyền mới cũng đang sẵn sàng lắp đặt, chờ ngày hoạt động ra mẻ sản phẩm đầu tiên. Thị xã cũng đang khẩn trương lập quy hoạch khu đổ thải riêng ở các khu công nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn “rác xây dựng”.
Tìm hiểu về vấn đề này, ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Triều cho biết: Trong khoảng 1-2 năm tới, nhu cầu sử dụng đất đá, vật liệu cho san lấp rất lớn, tới hàng triệu khối. Việc tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế này, sẽ góp phần giải quyết dứt điểm “cơn khát” nguồn vật liệu san lấp. Theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh thì sản phẩm này đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá đạt tiêu chuẩn thi công, không chỉ tiên phong áp dụng tại địa phương, rất có thể nguồn vật liệu mới này sẽ được sử dụng rộng toàn tỉnh. Triển vọng dự án rất lớn.
Tuy nhiên điều mà ông Luyến cũng đang chờ đợi chính là việc được tạo điều kiện thu gom “rác” xây dựng duy trì sản xuất, công việc làm cho lao động Công ty cũng như được quan tâm đẩy nhanh tiến độ chấp thuận để các dự án sớm đi vào hoạt động.