Bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Từ đó, không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần, mà còn góp phần lưu giữ những “tài sản” vô giá mà cha ông đã dày công gây dựng và trao truyền cho thế hệ mai sau.
Bền bỉ “thắp lửa”
Trong dòng chảy văn hóa truyền thống của dân tộc, mỗi thế hệ đều đóng góp công sức, trí tuệ để gìn giữ, bồi đắp và trao truyền. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, những NCT với kinh nghiệm sống, sự am hiểu về lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương vẫn đang miệt mài đảm trách vị trí của những người tổ chức, sắp xếp, thực hành các nghi lễ, hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tham gia phục dựng, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống tại các lễ hội, đồng thời là người trao truyền, hướng dẫn cho các thế hệ con cháu tiếp tục phát huy.
Mỗi dịp lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (Hạ Long), Lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả), Lễ hội Xuống Đồng, Lễ hội Bạch Đằng (Quảng Yên), Lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu), Lễ hội đền Đức Ông Hoàng Cần (Tiên Yên)… không khó để bắt gặp hình ảnh NCT địa phương tham gia tích cực, sôi nổi, đảm nhận nhiều phần việc quan trọng góp phần tái hiện đầy đủ, đậm nét đặc trưng văn hóa lâu đời.
Bà Đinh Thị Luân, Chủ tịch Hội NCT phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chia sẻ: Đối với NCT, việc tham gia bảo tồn gìn giữ văn hóa vừa là trách nhiệm và cũng là niềm vui, tự hào. Vì vậy, NCT của phường luôn là lực lượng nòng cốt tham gia các phần việc từ làm lễ, đoàn rước, biểu diễn văn nghệ… tại Lễ hội đền Cửa Ông. Để các nghi lễ, nghi thức truyền thống diễn ra chu đáo, các cụ, các ông, các bà dù tuổi đã cao nhưng ai cũng nhiệt huyết, say sưa, hào hứng tập luyện kỹ lưỡng với mong muốn tái hiện văn hóa một cách thật chuẩn chỉnh, long trọng.
Để “thắp lửa” cho các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng phát triển và trường tồn, hơn ai hết, nhiều người NCT, nhất là các nghệ nhân vẫn đang giữ vai trò là sợi dây kết nối để nhân lên lòng tự hào, tinh thần, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Không bảng đen, phấn trắng, hay những giáo án cụ thể, các nghệ nhân dân gian như những người thầy lặng lẽ truyền đạt, cầm tay chỉ việc cho những người trẻ trong mỗi thôn, khu, bản làng từ đó nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống. Bởi vậy, những lớp học hát đúm (Quảng Yên), hát chèo cổ (Đông Triều), may thêu quần áo dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, nghi thức cấp sắc của dân tộc Dao (Bình Liêu, Tiên Yên), hát then của dân tộc Tày và hát soóng cọ của người Sán Chỉ (Tiên Yên, Bình Liêu), hát nhà tơ, hát – múa cửa đình (Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn, Móng Cái)… dành cho thanh thiếu nhi vẫn luôn sôi nổi, rộn ràng mỗi dịp cuối tuần, nghỉ hè hay trước những dịp lễ hội.
Quảng Ninh hiện có 76 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Trong đó, có 2 Nghệ nhân nhân dân (bà Đặng Thị Tự – huyện Đầm Hà và ông Lê Đức Chắn – TX Quảng Yên) và 38 Nghệ nhân ưu tú. Chính các nghệ nhân là những cây cao bóng cả đã góp sức đưa những loại hình văn hóa truyền thống được công nhận, nâng tầm, trở thành những di sản văn hóa của quốc gia và nhân loại.
Ông Tô Đình Hiệu, Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Văn hóa huyện Bình Liêu, chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại Bình Liêu, tôi vô cùng tự hào khi nghi lễ Then, hát Then của người Tày nói chung, trong đó có người Tày Bình Liêu đã trở thành di sản văn hóa. Nghi lễ then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2013. Năm 2019, Di sản Thực hành hát then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và càng tự hào hơn, khi vẫn may mắn được các cụ, các ông, các bà, các nghệ nhân của địa phương tâm huyết truyền dạy những tinh túy của di sản văn hóa này, để thế hệ trẻ tiếp tục được phát huy, góp sức giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa quê hương đến với mọi miền.
Nặng lòng gìn giữ vốn quý văn hóa dân tộc
Hiện nay, toàn tỉnh có 148.405 NCT tham gia sinh hoạt ở 177 Hội NCT cơ sở. Trong đó, có rất nhiều NCT am hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của mỗi địa phương, do đó, việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được NCT quan tâm và giữ vai trò nòng cốt.
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, cho biết: Những năm qua, NCT tại các địa phương đã tích cực vận động lớp trẻ thành lập các câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ ở thôn bản, tổ dân phố; khôi phục và duy trì tiếng hát, tiếng nói, trang phục để truyền dạy cho con cháu. Ban Đại diện Hội NCT tỉnh và các cấp Hội NCT ở cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát huy vai trò, tâm huyết, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương mình. Đồng thời, tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn, hội thi văn nghệ cho NCT, từ đó góp phần giữ gìn và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Từ hiệu quả của NCT khi tham gia các hoạt động gìn giữ văn hóa truyền thống, các cấp Hội NCT đã tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng nếp sống văn hóa tại cộng đồng dân cư, các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Với phương châm “Sống vui, sống khỏe, sống có ích”, NCT trong tỉnh đã thành lập các CLB thể thao, văn hóa, văn nghệ; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra sâu rộng, sôi nổi, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho NCT. Tiêu biểu như: Liên hoan Tiếng hát NCT huyện Tiên Yên; Giải Bóng chuyền hơi của NCT các địa phương Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều; CLB hát then – đàn tính của NCT Bình Liêu; mô hình các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại hầu hết các địa phương cũng đã mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Là những “cây cao bóng cả” có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, NCT trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, tích cực thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, trở thành tấm gương sáng mẫu mực. Qua đó, góp phần kết nối, giáo dục, vun đắp cho thế hệ trẻ tình yêu, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, để mạch nguồn văn hóa dân tộc không ngừng chảy mãi đến hôm nay và cả mai sau.