Chặng đường 3 năm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 06) không dài song với quyết tâm cao nhất, sự kiên trì tìm tòi những giải pháp sáng tạo cùng bàn tay, khối óc và nỗ lực của chính người dân, Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả đáng tự hào. Trong số đó, quan trọng hơn cả đó là người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo ngày càng được thụ hưởng các thành quả phát triển của tỉnh.
Như một phép màu
Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, Bình Liêu giờ đây đã trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM. Vùng đất biên cương Tổ quốc hôm nay đã mang một diện mạo hoàn toàn mới. Khắp các cánh rừng ở Bình Liêu giờ đã được phủ kín bằng những rừng keo, hồi, quế… Những cánh đồng khô cằn, bạc màu, nứt nẻ cũng đã được người dân dồn bao công sức để cải tạo thành ruộng bậc thang trồng ngô, khoai, sắn, rau màu, cây trái… bốn mùa xanh tốt. Những tuyến đường bê tông trải dài theo từng thôn, bản, hai bên đường phủ đầy hoa thơm. Những mái nhà lụp xụp đã nhường chỗ cho ngôi nhà cao tầng được xây dựng khang trang, bề thế, sung túc.
Hết năm 2023, toàn huyện có 6/6 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã Hoành Mô và Húc Động đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, 100% đường xã, đường trục thôn, liên thôn được bê tông hóa; 100% số xã có đường ô tô đến tận thôn, bản; 100% các trường học đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, 2. 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đạt 70,52 triệu đồng/người/năm; không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Như một phép màu diệu kỳ, diện mạo của Bình Liêu thêm nhiều sắc màu rực rỡ, đầy sức sống và cả niềm tin vững chắc. Phép màu đó không phải tự nhiên mà có, nó được tạo nên bởi sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, các giải pháp quyết liệt, cụ thể, sáng tạo của địa phương và quan trọng hơn hết đó là bàn tay, khối óc và trí tuệ của chính những người dân nơi đây.
Ông Phạm Đức Thắng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Bình Liêu là huyện miền núi biên giới với trên 96% số dân là đồng bào DTTS. Do đó, Nghị quyết 06 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhất là nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, một trong những nhiệm vụ then chốt đó là nâng cao trình độ nhận thức của người dân để nhân dân được biết, được bàn, được làm và thực sự là “chủ thể” của Nghị quyết 06. Để thực hiện nhiệm vụ này, cùng với việc đa dạng hóa các hình thức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, huyện đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm một cách sâu sát, cụ thể như: Nghị quyết 05-NQ/HU ngày 16/7/2021 về “Phát triển giáo dục và đào tạo góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết 08-NQ/HU ngày 27/1/2022 về xây dựng huyện Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022; Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 30/5/2023 “Về phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”… Đồng thời, chú trọng mở những lớp đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng theo hướng cầm tay, chỉ việc; xây dựng những điển hình tiên tiến về thực hiện mô hình phát triển sản xuất; phát động các phong trào thi đua, tạo ra không khí sôi nổi trong nhân dân, từ đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên làm giàu của người dân.
Đồn Đạc đã từng là xã miền núi khó khăn nhất của huyện Ba Chẽ và tỉnh. Nằm cách trung tâm xã không xa nhưng những con đường vào thôn, xóm của xã trong ký ức của nhiều người là đường đất, nhỏ, hẹp, đi lại khó khăn.
Khi ấy, cái nghèo nàn, lạc hậu cứ luôn đeo bám tới cái xã miền núi này. Kiên trì, bền bỉ, bằng nhiều chương trình, nhất là luồng gió từ Nghị quyết 06, diện mạo nơi đây chuyển mình rõ nét. Trên tuyến đường trải nhựa chạy dài thông suốt vào xã, hai bên là những cánh rừng trù phú phủ kín. Xa xa là những rừng quế, rừng giổi, rừng trà hoa vàng nhiều năm tuổi đang chờ vụ thu hoạch. Những ngôi nhà cao tầng, khang trang, rộng rãi không còn là hiếm ở nơi đây.
Ngồi trong căn nhà rộng hơn 300m2 vừa được hoàn thành trước Tết Nguyên đán, anh Triệu A Tài, thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ khoe: Gia đình tôi làm đầu mối thu mua gia cầm trong xã. Nguồn thu nhập từ buôn bán giúp gia đình trang trải cuộc sống, một phần tích lũy. Thêm vào đó, gia đình tôi có hơn 10ha rừng, trong đó có 6ha quế. Những cánh rừng này mỗi khi đến kỳ thu hoạch mang lại cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng, nhờ đó, giúp gia đình có tiền, có của, có chi phí xây nhà. Cuộc sống sung túc, đủ đầy và ấm no hơn rất nhiều.
Không chỉ anh Triệu A Tài, ở xã Đồn Đạc ngày càng xuất hiện nhiều những gia đình khá giả, giàu có. Thu nhập bình quân của người dân xã Đồn Đạc đạt 65,2 triệu đồng/người/năm. Những thành quả của Đồn Đạc đạt được hôm nay là minh chứng sống động cho một quá trình dài mà ở đó những chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán trong việc chăm lo, phát triển vùng đồng bào DTTS đã được tỉnh quan tâm ban hành và đưa vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, cho biết: Triển khai Nghị quyết 06, thời gian qua, xã Đồn Đạc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và huyện bằng sự chỉ đạo sát sao, nguồn đầu tư hợp lý và các công trình kết cấu hạ tầng cụ thể. Chính từ nguồn lực đầu tư của nhà nước đã khơi dậy sức mạnh, khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân. Người dân trong xã đã chủ động vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế, tìm kiếm việc làm, xây mới nhà ở… Tính đến nay, Đồn Đạc hiện là xã có dư nợ vay vốn tín dụng chính sách lớn nhất trên địa bàn tỉnh với trên 3.800 lượt hộ với tổng số tiền trên 364 tỷ đồng.
Thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố
Trong mọi hành trình của sự phát triển, Quảng Ninh luôn lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục tiêu. Do đó, ngay từ năm 2010, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn Quảng Ninh.
Tiếp đó, năm 2017, tỉnh ban hành đề án đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2020, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (Đề án 196). Trên cơ sở kế thừa kết quả, bài học kinh nghiệm từ Nghị quyết 01, Đề án 196, năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 06. Đây là nghị quyết chiến lược, thể hiện sự quyết tâm của cả tỉnh trong việc xây dựng, phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững trên mọi lĩnh vực. Từng bước hiện thực hóa khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Triển khai Nghị quyết 06, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện cơ chế huy động nguồn lực theo hướng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành ngân sách từ chỗ ngân sách quản lý tập trung ở cấp tỉnh, đã phân cấp giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương; giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động tốt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Trong 3 năm (2021-2023), tỉnh Quảng Ninh đã huy động trên 114.000 tỷ đồng thực hiện nghị quyết và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Điểm nổi bật và khác biệt của Quảng Ninh là ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp và vốn ngân sách nhà nước lồng ghép chỉ chiếm khoảng 16% với 19.400 tỷ đồng, vốn huy động xã hội hóa chiếm đến 84% với khoảng 98.600 tỷ đồng. Như vậy, từ một đồng ngân sách nhà nước đầu tư, Quảng Ninh đã huy động được trên 5 đồng ngoài ngân sách để đầu tư thực hiện nâng cao được chất lượng đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đáng chú ý, trong 98.600 tỷ đồng vốn xã hội hóa, vốn tín dụng chiếm tới 82,5% với doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn là 97.498 tỷ đồng. Con số này là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực vượt bậc của người dân, thay đổi tư duy, loại bỏ tư tưởng trông chờ, chủ động tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất.
Sau 3 năm triển khai, tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương; không còn nhà tạm, nhà ở dột nát; không còn xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới của Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 73,348 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước, cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người dân vùng DTTS.
Hiện toàn tỉnh có 99,9% số hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đơn vị xã vùng đồng bào DTTS đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 5,28%. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước kịp thời thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn đến hết năm 2025, qua đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số có BHYT đạt trên 98%.
Những thành quả đạt được sau 3 năm triển khai Nghị quyết 06 và các chương trình mục tiêu quốc gia của Quảng Ninh là hết sức căn bản, rõ nét và thành quả tổng hợp của nhiều nhân tố. Những kết quả đạt được tạo ra nền tảng vững chắc, khí thế mới, động lực mới, niềm tin mới trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đồng chí Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhấn mạnh: Quảng Ninh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo bằng toàn bộ nguồn lực của địa phương. Cùng với Nghị quyết 06, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 01, Đề án 196 đã cho thấy quan điểm mang tính kế thừa, liên tục của cấp ủy, chính quyền các cấp toàn tỉnh trong việc không ngừng nâng cao đời sống nhân dân nói chung và đồng bào DTTS, miền núi, biên giới nói riêng. Trong quá trình triển khai, Quảng Ninh đã có nhiều pháp sáng tạo, đầy đủ, chủ động và hiệu quả tạo sức mạnh tổng hợp, nhất là sự đồng lòng, ủng hộ của quần chúng nhân dân. Những kinh nghiệm thực tiễn của Quảng Ninh là điển hình, hình mẫu để các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, nhân rộng tại các địa phương tương đồng với Quảng Ninh.