Trong số các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam, nghêu đang là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tỷ trọng chiếm trên 52% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính riêng trong tháng 8/2024, xuất khẩu nghêu của Việt Nam đã đạt gần 10 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm đạt hơn 65 triệu USD, tăng 19%.
Việt Nam đang có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể có vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, trong đó nghêu đạt 179.000 tấn một năm. Chuỗi giá trị ngành hàng này đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng, đặc biệt là mặt hàng nghêu.
Hiện tại EU đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất nhóm sản phẩm nghêu của Việt Nam. Trong đó, Tây Ban Nha và Italy là 2 thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong khối thị trường này và cũng là 2 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam, với tỷ trọng lần lượt là 26% và 21%. Hiện xuất khẩu sang 2 thị trường này đều đang cao hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Italy đang không ổn định và có xu hướng giảm trong tháng 8.
Trung Quốc, thị trường nhập khẩu nghêu lớn thứ 3 của Việt Nam, cũng đang tăng mạnh nhập khẩu. Xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang thị trường này liên tục tăng phi mã ở mức 3 con số trong những tháng qua. Tính đến hết tháng 8/2024, xuất khẩu nghêu sang Trung Quốc đạt gần 11 triệu USD, tăng 215% so với cùng kỳ.
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu tiêu thụ nghêu, sò trên thế giới gia tăng đang tạo động lực cho ngành xuất khẩu sản phẩm này. Do đó, dự kiến xuất khẩu nghêu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cho tới cuối năm.