Vũ đạo trong nhạc Việt rất hấp dẫn thông qua các chương trình âm nhạc, nhưng để phát triển như K-pop thì nghệ sĩ cần có môi trường thể hiện thường xuyên.
Trong Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, Chị đẹp đạp gió, Nữ hoàng vũ đạo đường phố và sắp tới là Bước nhảy hoàn vũ…, vũ đạo rõ ràng là một yếu tố quan trọng trong trình diễn âm nhạc nói chung và ở V-pop nói riêng.
Ở K-pop – nền âm nhạc gần gũi với Việt Nam, được nhiều khán giả và nghệ sĩ Việt Nam yêu mến – vũ đạo là mũi nhọn giúp nghệ sĩ gây sốt và vươn ra thế giới.
Các nhóm nhạc tự trình diễn các màn vũ đạo của mình. Nhưng ở V-pop, vũ đạo đã thể hiện được thế mạnh này hay chưa?
Thiếu đất thể hiện cho nghệ sĩ nhảy giỏi
Xem chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, nhiều khán giả lần đầu biết tường tận tài năng vũ đạo của S.T Sơn Thạch, Trọng Hiếu, Kay Trần, Cường Seven…
Các màn biểu diễn như Rơi, Nét, Nước hoa, Let me feel your love tonight, 12h03, Mưa trên phố Huế... được yêu thích vì vũ đạo đẹp, nghệ sĩ nhảy hết mình.
Trong Anh trai say hi, vòng Dance Battle nảy lửa và nhiều tiết mục cũng mang lại những khoảnh khắc bùng nổ. Các anh trai Gemini Hùng Huỳnh, Erik, Dương Domic, Rhyder… hay giám khảo là vũ công Đăng Quân có những màn vũ đạo ấn tượng.
Chứng kiến những màn nhảy thăng hoa, nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối vì không có nhiều chương trình truyền hình lớn để những nghệ sĩ, ca sĩ thiên về vũ đạo có đất thể hiện.
Ở Việt Nam, số game show hoặc show âm nhạc trình diễn dành cho các performer, nghệ sĩ giỏi vũ đạo thể hiện tài năng vẫn ít hơn show ca hát dành cho các ca sĩ, vocalist.
Ca sĩ, vũ công S.T Sơn Thạch là thành viên nhảy đẹp bậc nhất nhóm 365, có khả năng biên đạo và huấn luyện. Anh tỏa sáng với nhiều tiết mục perform vừa qua.
Anh chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: “Tôi may mắn được tiếp nhận bộ môn này từ nhỏ nên có thể tạm gọi vui là nó ngấm vào từng thớ thịt, tế bào và dây thần kinh của mình rồi.
Do hay xem nhiều chương trình âm nhạc diễn ra mỗi tuần, mỗi tháng của các nền công nghiệp âm nhạc nước bạn, mình cũng thấy thèm lắm.
Đúng là ở Việt Nam còn thiếu nhiều chương trình, nhiều cơ hội lý tưởng để nghệ sĩ trình diễn được đắm chìm trong nghệ thuật”.
Theo quan sát của Sơn Thạch, ở V-pop vũ đạo ngày càng được chú trọng và nâng cấp. Đặc biệt hiện có nhiều nghệ sĩ trẻ giỏi vũ đạo đang tham gia đường đua âm nhạc của V-pop.
Vũ đạo nhạc Việt ngày càng đẹp mắt
Trong tương lai gần, để làm nên một nền âm nhạc mạnh về biểu diễn, các live concert được nhìn nhận đúng giá trị về mặt trình diễn thì vũ đạo là một trong những yếu tố cần được đẩy mạnh.
Tham gia chương trình Bước nhảy hoàn vũ phiên bản mới, vũ công Kristian Yirdanov – quán quân Bước nhảy hoàn vũ 2014 – nhận định với ban tổ chức về tương lai của khiêu vũ tại Việt Nam.
Anh nói: “Việt Nam là một đất nước lớn lên về khiêu vũ thể thao. Có rất nhiều vũ công và biên đạo múa tuyệt vời ở đây nên tôi tin trong một thời gian ngắn thôi, Việt Nam sẽ là một đất nước thành công về khiêu vũ và giải trí”.
Các chương trình nhảy múa cũng là cơ hội cho diễn viên, ca sĩ, vũ công… khẳng định tài năng vũ đạo của mình và được khán giả chú ý hơn.
Sau Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Diệp Lâm Anh một lần nữa được công nhận rộng rãi về tài năng vũ đạo.
Khởi đầu là vũ công nổi bật của nhóm nhảy Big Toe Crew, Diệp Lâm Anh từng trải qua nhiều năm làm diễn viên, ca sĩ. Cô trở thành giám khảo Nữ hoàng vũ đạo đường phố đúng với chuyên môn gốc của mình.
S.T Sơn Thạch, giám khảo Bước nhảy hoàn vũ 2024, tin vào điều này. Anh nhận định:
“Nghệ sĩ trình diễn bây giờ rất đầu tư cho các kỹ năng của mình. Có những bạn xuất thân từ vũ công cũng bắt đầu thành công trên con đường ca hát nhiều hơn.
Về tương lai, tôi muốn truyền lại những kinh nghiệm của mình cho thế hệ kế thừa, những ai cũng yêu thích nghệ thuật và đắm đuối vào ánh đèn sân khấu giống mình”.
Ở K-pop, việc quảng bá để các bài vũ đạo trở nên viral cũng là một phần chiến lược giúp âm nhạc gây sốt bên cạnh giai điệu của nó.
Trong Anh trai vượt ngàn chông gai vừa qua, vũ đạo bài Nét cùng video luyện tập của các anh tài phần nào trở nên viral. Còn các màn nhảy tập thể trong trang phục dân tộc, trang phục quân đội của nhiều tiết mục khác được nhiều nhóm học sinh chọn diễn trong văn nghệ trường.