Văn hóa truyền thống là dòng chảy vô tận được tạo dựng và bồi đắp, làm nên bản sắc quý giá của mỗi dân tộc. Không phấn trắng bảng đen, không bục giảng nhưng những nghệ nhân dân gian – những người thầy thầm lặng miệt mài trên hành trình trao truyền di sản văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Những năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh luôn chú trọng tới công tác bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh. Đến nay, đội ngũ sưu tầm nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ninh đã có 46 tác phẩm viết về văn hoá dân gian các dân tộc Quảng Ninh. Hội đã thực hiện công tác nghiên cứu gắn liền với sưu tầm nghiên cứu bảo tồn nghệ nhân dân gian.
Đến nay, Quảng Ninh đã có 76 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam, trong đó có 2 Nghệ nhân Nhân dân và 36 Nghệ nhân Ưu tú. Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cũng đã thành lập được 48 câu lạc bộ văn hoá dân gian ở các thôn, khe, bản, biểu diễn phục vụ cho các lễ hội địa phương. Đây là môi trường tốt để cho các nghệ nhân dân gian có đất để biểu diễn và truyền dạy vốn di sản văn hóa quý báu của các dân tộc.
Ngoài ra, còn hàng trăm nghệ nhân khác chưa được phong tặng vẫn say sưa hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ dân gian. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, hiện nay, tỉnh có trên 200 nghệ nhân dân gian lưu giữ gần 80 loại hình văn hoá văn nghệ dân gian. Được biết, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có đông nghệ nhân dân gian được phong tặng nhất trong cả nước. Đấy là chưa kể trong đội ngũ 3 Nghệ sĩ Nhân dân, 18 Nghệ sĩ Ưu tú, 129 Nghệ sĩ Vùng mỏ còn có rất nhiều người vừa hoạt động chuyên nghiệp vừa truyền dạy di sản văn hóa dân tộc.
Ở Quảng Ninh hiện có nhiều nghệ nhân văn nghệ dân gian lưu giữ các loại hình như: Hát đúm (ở Quảng Yên), hát chèo cổ (Đông Triều), hát dân ca Dao (Uông Bí, Hạ Long, Tiên Yên, Bình Liêu), may thêu quần áo dân tộc Dao Thanh Y, nghi thức cấp sắc của dân tộc Dao (Bình Liêu, Tiên Yên), hát then cổ của dân tộc Tày và hát soóng cọ của người Sán Chỉ (Tiên Yên, Bình Liêu), hát nhà tơ, hát – múa cửa đình (Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn, Móng Cái), nghệ nhân làm đồ sành sứ (Đông Triều), nghệ nhân đan thuyền nan, đan ngư cụ (Quảng Yên, Vân Đồn).
Nghệ nhân dân gian là những người thầy đặc biệt, trực tiếp cầm tay chỉ việc tận tình hàng ngày, hàng giờ mà không nhận một đồng thù lao nào. Nhìn chung, đa số các nghệ nhân dân gian Quảng Ninh đang sống trong các làng xã, khe bản, thôn xóm ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Thêm nữa, lớp người là nghệ nhân dân gian hiện nay của tỉnh ta đều ở tuổi 70-80 trở lên, có người đã gần chạm ngưỡng bách niên và đang thưa vắng dần do tuổi tác.
Không chỉ vinh dự được ghi danh là Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, nhiều nghệ nhân dân gian còn tự hào vì cho dù cuộc sống chưa hết vất vả, khó khăn, mọi người vẫn chung tay gìn giữ và chuyển trao cho các thế hệ tiếp nối tình yêu văn hóa dân gian. Không bảng đen, phấn trắng, chẳng giáo án, các nghệ nhân dân gian như những người thầy lặng lẽ trong mỗi thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số để nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống. Nỗ lực và tâm huyết của họ cũng làm nên sự cộng hưởng tích cực để những di sản văn hóa truyền thống được lan tỏa sức sống mãnh liệt trong giới trẻ. Nghệ nhân dân gian thực sự là những “chuyên gia đầu ngành”, là những “kiến trúc sư” thiết lập nên những công trình văn hoá phi vật thể.
Nghệ nhân đã góp phần quan trọng tạo dựng cho Quảng Ninh một vùng văn hoá dân gian đa dạng, phong phú và đặc sắc. Hành trình tiếp nối truyền thống dân gian, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc Quảng Ninh chưa hết khó khăn song luôn là mối quan tâm thường trực; vẫn rất cần và tin tưởng, kỳ vọng vào nhiệt tâm của những người thầy thầm lặng đáng trân trọng, tự hào.