Đam mê học hỏi, tích lũy nét đẹp cổ truyền từ nhỏ đồng thời tích cực truyền dạy các giá trị này cho dân bản, lớp trẻ, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống người Dao Thanh Y…, bà Trương Thị Đông (SN 1962, trú tại thôn 1, xã Bằng Cả, TP Hạ Long) được dân bản yêu quý, gọi là “Nghệ nhân của làng bản”.
Có mặt ở lớp dạy thêu thổ cẩm tại Trung tâm Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) vào trung tuần tháng 8 vừa qua, chúng tôi chú ý tới giáo viên đứng lớp là người phụ nữ Dao Thanh Y đã cao tuổi, có trang phục thêu tay đẹp, rất chăm chú hướng dẫn các học viên.
Đó là bà Trương Thị Đông, bà cầm tay hướng dẫn từng đường kim, mũi chỉ cho phụ nữ bản, đặc biệt là các học viên “nhí”. Tham gia được vài tháng, học viên “nhí” Đặng Gia Hân (thôn 2) mới 9 tuổi đã thêu thành thạo hoa văn trên các vuông vải thổ cẩm nhỏ. Học viên “nhí” này chia sẻ: “Con đã biết cách thêu hoa văn trên túi. Con mong thêu được cả các bộ trang phục truyền thống đẹp của dân tộc mình để sau này diện trong dịp hội làng”.
Có lẽ, vì sự tận tình của bà Đông mà người dân, thậm chí cả trẻ nhỏ nơi đây đã biết tới nghệ thuật thêu thổ cẩm đặc trưng của dân tộc mình. Kể về niềm đam mê của mình với những vuông thổ cẩm, bà chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã được các ông bà và bố mẹ truyền dạy về nét đẹp văn hóa cổ truyền của người Dao Thanh Y. Trong đó, nghệ thuật đan thêu các vuông vải thổ cẩm với những họa tiết đẹp, phối màu hài hòa, công phu cuốn hút tôi hơn cả. Tôi được mẹ truyền dạy, về sau tôi học hỏi thêm từ các cụ cao niên, chị gái là nghệ nhân ưu tú…”.
Có lẽ vì niềm đam mê đặc biệt đó mà khi 15 tuổi, bà Trương Thị Đông đã có tiếng là chăm học, giỏi nghề thêu truyền thống. Ngoài học mẹ đẻ, bà còn mày mò học thêm từ cụ Vi Thị Cả và các cụ nức tiếng về nghề thêu ở làng. Bà còn tìm tòi, học hỏi và tìm cách khôi phục, giới thiệu nghệ thuật thêu cổ truyền của dân tộc mình. Không chỉ vậy, bà còn tìm hiểu thêm về nghệ thuật hát, múa, ẩm thực truyền thống của người Dao Thanh Y. Với nhiều người, bà Đông đã trở thành nghệ nhân thêu, là “kho” tri thức văn hóa dân gian của làng.
Điều đáng quý là bà luôn tâm niệm phải truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa dân tộc mình. “Càng tìm hiểu càng thấy được vẻ đẹp, sự quý giá cũng như khả năng mai một của nghệ thuật thêu cổ truyền trong đời sống hiện đại. Vì thế, sau nhiều năm tích lũy, tôi quyết định sẽ dạy cho nhiều con cháu” – bà Trương Thị Đông chia sẻ.
Vì thế từ khi 20 tuổi, bà đã để tâm lưu giữ, học hỏi, ghi nhớ cũng như truyền dạy nghệ thuật thêu may trang phục dân tộc (thêu chim, dệt dây lưng, làm mũ…). Cùng với đó, bà Trương Thị Đông còn kết hợp trao đổi, dạy dỗ những nét văn hóa, kiến thức đời sống cho phụ nữ người Dao Thanh Y. Đó là các làn điệu dân ca, dân vũ; trò chơi dân gian; cách làm giấy dó; rượu Bâu, tri thức dân gian và y dược của người Dao Thanh Y mà bà thu thập được tại địa phương.
Để tránh mai một, hằng năm bà Đông thường dạy 1-2 lớp thêu may trang phục dân tộc; tham gia tích cực các hoạt động của địa phương tại Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, xây dựng CLB văn nghệ dân gian, CLB liên thế hệ, Tổ du lịch cộng đồng của xã Bằng Cả; tham gia biểu diễn, giới thiệu văn hóa người Dao tại các kỳ Lễ hội Carnaval, liên hoan của thành phố và của tỉnh; Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc… Để lan tỏa nét đẹp văn hóa cho cộng đồng, bà còn tham gia các lớp truyền dạy ở các xã ngoài xã, như: Xã Sơn Dương, Đồng Lâm, Kỳ Thượng…
“Không chỉ là nghệ nhân thân thiết, nhiệt tình của làng bản, bà Trương Thị Đông còn thực hành di sản văn hóa phi vật thể ra cộng đồng, bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như góp sức phát triển du lịch văn hóa tại địa phương. Với sự đóng góp đó, bà nhận được nhiều giấy khen của xã, TP Hạ Long và hơn hết được cộng đồng làng bản ghi nhận, tin yêu, đánh giá cao ” – ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã, đánh giá.