Quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh và đơn vị luôn khẳng định: “Tỉnh Quảng Ninh với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là một”, “Trong mối quan hệ giữa tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn, thì với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là khác biệt”…
Đó là chia sẻ của ông Vũ Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, trong khuôn khổ Hội thảo Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững, tổ chức vào tháng 9 vừa qua tại TP Uông Bí. Điều đó đã cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết, khăng khít giữa ngành than với Quảng Ninh và ngược lại. Sự gắn bó ấy không chỉ bây giờ mà có lịch sử lâu dài gắn với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ.
Với khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ năm 1936 đấu tranh với chủ mỏ, thực dân Pháp đã giành thắng lợi vẻ vang. Qua đó không chỉ giành quyền lợi cho thợ mỏ mà đã tạo ra một cao trào cách mạng, tác động đến tất cả các tầng lớp xã hội, là cơ sở cho phong trào đấu tranh giải phóng Vùng mỏ sau này, có ý nghĩa sâu sắc cho đến tận hôm nay.
Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm’’ với giá trị văn hóa tinh thần cốt lõi “càng khó khăn càng đoàn kết chặt chẽ hơn, yêu thương, giúp đỡ nhau nhiều hơn” là yếu tố quan trọng để ngành than ngày càng phát triển bền vững và luôn vượt qua những khó khăn, thử thách thời gian qua. Đó là việc giải quyết vấn nạn “than thổ phỉ” đầu những năm 90 của thế kỷ XX gắn với sự thành lập của Tổng Công ty Than Việt Nam ngày 10/10/1994 (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam), và gần 2 năm sau là sự ra đời của Đảng ủy Than Quảng Ninh theo Quyết định số 43-QĐ/TU, ngày 13/7/1996 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh. Không chỉ “xóa sổ than thổ phỉ”, gần 5 vạn công nhân, viên chức, người lao động của tất cả các đơn vị làm than trên địa bàn Quảng Ninh đã vào ngôi nhà chung là Than Việt Nam…
Đó là tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn trong đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015. Và gần đây nhất là đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, kéo dài từ năm 2020 đến đầu năm 2022, làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt của toàn xã hội, trong đó có ngành than. Tiếp tục phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, đội ngũ công nhân, cán bộ ngành than tích cực, quyết liệt cùng nhau chống dịch, linh hoạt, sáng tạo trong lao động sản xuất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2022 là năm ngành than thực hiện các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của người lao động… tốt nhất từ trước đến nay, qua đó đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh.
Nhiều năm qua, ngành than luôn tích cực, trách nhiệm tham gia công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội gắn với phát triển đô thị, công tác bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, thực hiện tốt chính sách phát triển hài hòa cùng với địa phương nơi các doanh nghiệp hoạt động và triển khai thực hiện chính sách kết nghĩa giữa các đơn vị với các xã nghèo, huyện nghèo ở Quảng Ninh.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có trên 77.000 lao động, trong đó làm việc trong lò là 43.500 người. Để tạo ra môi trường văn hóa tốt cho phát triển con người, trong nhiều năm qua, ngành than luôn tăng cường phối hợp với các địa phương, nơi các đơn vị đứng chân để chỉ đạo việc gắn kết giữa các doanh nghiệp với địa phương trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phối hợp xây dựng các khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, tạo sự gắn kết giữa các gia đình thợ mỏ với địa phương, khu phố.
Cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao, hàng năm, các đơn vị trong ngành đều tổ chức các sân chơi văn hoá, văn nghệ, thể thao phong trào, qua đó nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các nhân tố về văn nghệ, thể thao. Hệ thống câu lạc bộ văn hóa – thể thao được hình thành đến tận cơ sở và được duy trì, hoạt động một cách thống nhất, có chất lượng và hiệu quả.
Nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng nhà truyền thống, lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong quá trình hình thành và phát triển của đơn vị, như các công ty than Mạo Khê, Vàng Danh, Uông Bí, Cọc Sáu, Hà Tu, Hà Lầm, Cao Sơn, Đèo Nai… Qua đó, phần nào đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao thể lực, trí lực của người lao động, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong từng doanh nghiệp, tác động tích cực đến việc thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở.
Có thể nói, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ đã và sẽ mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển của ngành than, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.