Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Cũng trong ba tháng đầu năm 2024, xuất siêu ngành nông nghiệp đạt 3,36 tỷ USD, tăng đến 96,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2024 ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sản xuất nông nghiệp cũng tăng trưởng mạnh, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và xuất khẩu.
Nhiều mặt hàng vượt kim ngạch 1 tỷ USD
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kết thúc quý I/2024, đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, là: gỗ 2,32 tỷ USD, tăng 26,8%; rau quả 1,23 tỷ USD, tăng 25,8%; gạo 1,37 tỷ USD, tăng 40% với lượng 2,07 triệu tấn, tăng 12%; cà-phê 1,9 tỷ USD, tăng 54,2% với lượng 799.000 tấn, tăng 44,4%. Kim ngạch tăng một phần là do giá xuất khẩu bình quân một số nông sản ở mức cao, như: Giá xuất khẩu gạo 661 USD/tấn, tăng 5%; cà-phê 2.373 USD/tấn, tăng 6,8%, cao su 1.462 USD/tấn, tăng 5,1%; hạt tiêu 4.153 USD/tấn, tăng 35,6%.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành hàng rau quả đang đứng trước cơ hội xác lập kỷ lục mới trong năm 2024. Quý I/2024, sầu riêng vẫn đóng góp kim ngạch lớn trong tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng này.
Thời gian tới, một số mặt hàng khác có khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhờ mở cửa thị trường. Cụ thể, để đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho mặt hàng quả dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi Nghị định thư được ký kết, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cơ quan chuyên môn của các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện rà soát, kiểm tra đánh giá thực địa và tổng hợp danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh, có đủ hồ sơ, trang thiết bị máy móc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Ngoài ra, các thị trường như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang gia tăng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam, nhất là các sản phẩm chế biến.
Đối với ngành cà-phê, mục tiêu kim ngạch 5 tỷ USD trong năm 2024 đang tương đối khả quan khi quý I/2024 đã đạt mức tăng 54,2% so với cùng kỳ. Điều này có được nhờ sản xuất cà-phê tại các địa phương đang từng bước được chuẩn hóa theo quy định của các quốc gia nhập khẩu cũng như tuân thủ Quy định về Chống phá rừng của EU.
Theo đó, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên, xây dựng chuỗi cung ứng cà-phê quy mô lớn, không gây phá rừng và suy thoái rừng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất cà-phê cũng ngày càng đầu tư nhiều hơn cho công nghệ chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu mới của người tiêu dùng trên thế giới, gia tăng giá trị gấp nhiều lần so với xuất khẩu cà-phê thô.
Đẩy mạnh sản xuất và mở rộng thị trường
Cùng với xuất khẩu, quý I/2024 cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định của sản xuất nông nghiệp, cung cấp đủ sản lượng trồng trọt, chăn nuôi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sản lượng lúa đã thu hoạch gần 8 triệu tấn, tăng 2,1%.
Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát giúp chăn nuôi phát triển tốt, các sản phẩm chủ lực tăng khá. Nổi bật là ngành thủy sản với sản lượng ước đạt gần 2 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là bệ đỡ cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả quý I/2024 đạt 1,86 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, với những kết quả trong quý I/2024, thì xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm 2024 hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kim ngạch từ 54-55 tỷ USD. Vấn đề đặt ra là cần theo sát diễn biến thị trường nông sản thế giới để điều chỉnh linh hoạt trong sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, ngành nông nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Mặt khác, hầu hết các thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay đều đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng. Đây có thể là tiền đề để xây dựng những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu.
Chính vì vậy, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật sớm thông tin và thực hiện đúng, đủ yêu cầu của đối tác. Ngoài ra, việc các nước nhập khẩu có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung, tập trung vào một số đối tác gần về địa lý và đối tác có sản phẩm nông sản tương đương với Việt Nam cũng sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng, chú trọng mẫu mã và tích cực quảng bá sản phẩm tại các hội chợ quốc tế.