Quảng Ninh đang có khoảng trên 1,4 triệu dân, tổng nhu cầu lương thực mỗi năm ước khoảng trên 165.000 tấn (theo cách tính của Tổng Cục dự trữ quốc gia 0,5kg gạo/người/ngày). Cùng với đó, hằng năm Quảng Ninh đón hàng triệu lượt du khách, kéo theo cơ số nhu cầu lương thực nhất định. Trong bối cảnh diện tích canh tác cây hằng năm của tỉnh không cao, khoảng trên 60.000ha, sản lượng lương thực sản xuất tại chỗ của Quảng Ninh có thể nói chỉ đáp ứng tối đa không quá 70% nhu cầu thực tế. Đây là bài toán về an ninh lương thực đặt ra cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, toàn tỉnh thực hiện lệnh giãn cách xã hội, giao thông bị chia cắt, kịch bản đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh Quảng Ninh khi đó đề ra theo hướng nêu cao giải pháp tăng cường, chủ động sản xuất tại chỗ.
Rà soát của Sở NN&PTNT vào năm 2020 cho thấy, trong tổng số trên 60.000 ha đất canh tác cây hằng năm, lớn nhất là diện tích canh tác cây lúa và ngô, đây cũng là 2 loại cây lương thực chủ yếu của Quảng Ninh, số còn lại là diện tích rau màu và cây lấy củ, lấy hạt khác. Mặc dù tình trạng khan hiếm, thiếu thốn lương thực chưa diễn ra, tuy nhiên tại thời điểm đó, một số diện tích trồng ngô, sắn, lạc, đậu tương đã sẵn sàng được cải tạo để chuyển sang trồng lúa. Các giống lúa cao sản, ngắn ngày cũng được đơn vị chức năng chuẩn bị cho giai đoạn này, mục tiêu nhằm sản xuất sản lượng gạo cao nhất, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Trước đó, để đảm bảo an ninh lương thực bền vững, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hàng loạt các những hoạt động trúng, đúng, có tính chất nền tảng, bản lề. Đó là quan điểm hạn chế tối đa việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang các mục đích khác, thay vào đó là việc tăng cường cải tạo đất lúa, nâng cao giá trị dinh dưỡng trong đất, đẩy mạnh phong trào dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn – nơi có thể áp dụng giống mới, quy trình, công nghệ, thiết bị canh tác hiện đại.
Từ sự tham mưu của ngành Nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng thông qua hàng loạt các chương trình như: Đề án 196, xây dựng NTM, phát triển sản phẩm OCOP… qua đó đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, vận chuyển, giao thương vật tư nông nghiệp và nông sản sau thu hoạch. Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng giống cây trồng mới của tỉnh Quảng Ninh cũng được quan tâm, trong đó kết quả điểm nhấn là loạt các giống lúa ĐT100, ĐT120, QJ4, J02, Bắc Thơm, Đài Thơm, Hương Thơm, Thiên Ưu, ST, VRT, VRN… được nhân rộng trên thực địa đã thay thế các giống lúa canh tác nhiều năm, có dấu hiệu thoái hoá giống, năng suất thấp, chất lượng không cao…
Cùng với sự chủ động trong sản xuất tại chỗ, trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh tăng cường mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành có sản lượng lương thực lớn như Thái Bình, Nam Định… Trong đó, hàng năm triển khai ký kết chương trình hợp tác cụ thể, bao gồm nội dung các tỉnh bạn cam kết cung ứng cho Quảng Ninh đủ nguồn lương thực thực phẩm trong tình huống phát sinh những khó khăn; tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện cao nhất cho các doanh nghiệp tỉnh bạn về công tác giao thương vận chuyển, kho dự trữ, giá thu mua…
Tại tỉnh Quảng Ninh hiện nay đang có 2 kho dự trữ lương thực với số lượng lớn của Bộ NN&PTNT và một doanh nghiệp nông nghiệp đặt tại 2 địa phương Cẩm Phả và Móng Cái. Chỉ tính riêng kho dự trữ tại TP Móng Cái, khối lượng hàng hoá trong kho luôn duy trì ổn định trên 1.000 tấn. Đây là số lượng thóc gạo dự trữ rất cần thiết, nhất là trong những tình huống đột xuất bất ngờ, có thể đe doạ đến tình hình đảm bảo an ninh lương thực trên toàn tỉnh.
Từ những bước đi chắc chắn, bền vững như trên, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, dù là trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay những khó khăn phát sinh khác.