Để sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp với tình hình thực tiễn, ngành GD&ĐT cùng với các địa phương của Quảng Ninh đã quan tâm sắp xếp hệ thống trường lớp, bố trí nhân viên kiêm nhiệm nhiều vị trí… nhằm giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Với gần 1.400 học sinh, đông nhất trên địa bàn TP Đông Triều, hiện Trường THCS Mạo Khê 2 chỉ có 64 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong khi biên chế là 75 vị trí việc làm. Do thiếu giáo viên, nhân viên, nên Trường THCS Mạo Khê 2 đã chủ động sắp xếp, bố trí các vị trí việc làm phù hợp, như: Nhân viên y tế đồng thời đảm nhiệm công việc văn thư, thủ quỹ; nhân viên thư viện đồng thời quản lý thiết bị thí nghiệm; nhân viên kế toán đảm nhiệm nhiệm vụ kế toán của 2 trường ở khu vực lân cận.
Nhà trường cũng triển khai dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến thông qua các phòng học thông minh để giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở một số bộ môn.
Cô giáo Trần Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê 2 (TP Đông Triều) cho biết: Nhà trường đã rà soát và xây dựng bảng mô tả công việc cụ thể cho từng vị trí, sắp xếp công việc ưu tiên theo mức độ quan trọng, tránh để giáo viên, nhân viên bị quá tải. Tăng cường phối hợp giữa các bộ phận để hỗ trợ nhau trong thời gian cao điểm; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ… Nhờ đó, các hoạt động dạy và học của nhà trường vẫn đảm bảo tốt, trường luôn giữ vững vị trí tốp đầu của thành phố.
Thực hiện tinh gọn bộ máy, biên chế, không riêng Trường THCS Mạo Khê 2, ngành Giáo dục TP Đông Triều đã chủ động rà soát nhân sự ở toàn bộ các trường để sắp xếp, bố trí vị trí việc làm phù hợp, phát huy tối đa năng lực của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động. Đối với nhân viên y tế, văn thư, thiết bị – thí nghiệm, thư viện, hiện có 97 người, trong khi số nhân viên cần để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại các trường học là 140 nhân viên. Do đó ngành đã bố trí một nhân viên đảm nhiệm từ 2 nhiệm vụ trở lên.
Cùng với bố trí các vị trí công việc kiêm nhiệm phù hợp, từ năm 2020 đến nay, ngành Giáo dục TP Đông Triều đã sáp nhập 14 trường mầm non, phổ thông công lập thành 7 trường (giảm 7 trường). Số cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên làm tổng phụ trách đội giảm 32 người (13 cán bộ quản lý, 14 nhân viên và 5 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội). Cùng với đó, địa phương cũng giảm 12 điểm trường, giảm 20 nhóm lớp. Việc sắp xếp, sáp nhập các trường phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương đảm bảo điều kiện hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc, giáo dục học sinh.
Hiện ngành Giáo dục TP Đông Triều đã xây dựng phương án tổng thể, chủ động rà soát, sắp xếp lại quy mô học sinh/lớp, số lớp/trường, giảm tối đa các điểm trường; điều chuyển, bố trí giáo viên hợp lý sau khi rà soát, sắp xếp và cân đối giáo viên/môn học theo cơ cấu, thực hiện trong một trường và giữa các trường trên cùng địa bàn. Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Đông Triều, cho biết: Năm 2025, thành phố thực hiện sáp nhập để giảm 5 trường. Để thực hiện việc này, từ năm 2013 ngành đã không bổ nhiệm mới cán bộ quản lý đối với các trường thuộc diện sắp xếp, đảm bảo việc tinh giản; tiếp tục kiêm nhiệm một số vị trí của nhân viên…
Tại huyện Tiên Yên, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục huyện cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm đảm bảo công tác dạy và học trên địa bàn. Năm học 2024-2025 huyện có 484 nhóm, lớp học với trên 13.000 học sinh công lập; 930 cán bộ lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên. Nếu so với định mức quy định toàn ngành, huyện đang thiếu 169 viên chức (10 lãnh đạo quản lý, 40 giáo viên và tổng phụ trách đội, 119 nhân viên). Số giáo viên thiếu chủ yếu tập trung vào các môn: Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Địa lý, Lịch sử.
Khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục huyện Tiên Yên đã tham mưu UBND huyện thực hiện một số giải pháp để đảm bảo thực hiện hệu quả kế hoạch tinh giản biên chế của huyện, của tỉnh. Theo đó, huyện đã rà soát, sắp xếp, tinh giản đơn vị sự nghiệp từ 30 trường công lập trong năm học 2023-2024 đến nay còn 27 trường công lập thuộc huyện; dồn ghép 81 điểm trường, 181 lớp học.
Các trường học cũng chủ động rà soát, phối hợp thực hiện bố trí giáo viên thỉnh giảng dạy liên trường, nhất là tại các trường liên cấp TH&THCS chỉ có 1 lớp/khối; cử giáo viên tham gia bồi dưỡng dạy môn Tin học, Công nghệ cấp tiểu học để kịp thời đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình GDPT 2018.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Sở GD&ĐT cùng với các địa phương trong toàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong việc bố trí cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp. Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT cũng đang nghiên cứu theo hướng dẫn mới của Trung ương để tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ đặt hàng cho các trường. Từ đó, đảm bảo việc giảm biên chế không phải cắt biên chế, cắt người làm việc, mà chuyển từ hưởng lương từ NSNN sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Đồng thời, Sở GD&DT cũng đang xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị. Cụ thể, tiếp nhận nhiệm vụ “giáo dục nghề nghiệp” và Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH); hợp nhất Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT) thành Phòng Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; hợp nhất Văn phòng sở với Phòng Tổ chức cán bộ và quản lý chất lượng thành Phòng Tổ chức – Hành chính; đổi tên Thanh tra sở thành Thanh tra và Quản lý chất lượng; đổi tên Phòng Giáo dục phổ thông thành Phòng Giáo dục phổ thông và Giáo dục mầm non. Như vậy, dự kiến Sở GD&ĐT sau sắp xếp có 5 phòng chuyên môn và 37 đơn vị sự nghiệp (giảm 2 đầu mối đơn vị thuộc sở do sắp xếp lại, tương ứng tỷ lệ 28,6%).