Kinh tế dần phục hồi, ngành du lịch trong nước cũng bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc. Thế nhưng những doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp không khói này lại gặp thách thức khi thiếu nhân lực nghiêm trọng.
“Đỏ mắt” tuyển lao động
Đang trong giai đoạn cao điểm phục vụ khách nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5, Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt còn khẩn trương bố trí, sắp xếp lịch trình, nhân sự cho các tuyến du lịch mùa cao điểm hè. Từ đầu năm đến nay, lượng khách ở các thị trường đều tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài thị trường du lịch nội địa có thế mạnh sẵn, Du lịch Việt đã làm mới nhiều chương trình truyền thống theo tiêu chí sát nhất với xu hướng mới… dành cho các nhóm khách gia đình, tổ chức.
Tuy nhiên, điều làm đơn vị lữ hành này đau đầu chính là thiếu tới 20% nhân lực tại nhiều bộ phận. Bà Lê Giao, phụ trách tuyển dụng Du lịch Việt cho biết, ngành du lịch đang rất thiếu nhân lực có kinh nghiệm. Lý do trong thời gian qua, họ đã chuyển dịch sang những lĩnh vực khác và đã ổn định. Chúng tôi đã có những chính sách, chế độ ưu đãi để kêu gọi họ quay trở lại nhưng cũng khá khó khăn. Đầu tháng 4 vừa qua, Du lịch Việt đã tham gia ngày hội việc làm để tuyển lao động, nhưng đến nay vẫn chưa đủ số lượng mong muốn. Để có đủ nhân sự, hiện Du lịch Việt tăng cường đào tạo nội bộ, ví dụ như nhân sự ở khâu kinh doanh có thể làm thêm việc ở những khâu khác.
Có nhu cầu tuyển dụng 20 lao động ở nhiều vị trí khác nhau, thế nhưng Công ty CP Lữ hành Vietluxtour mãi vẫn chưa tuyển đủ số lượng. Bà Đoàn Thị Yến Nhi, chuyên viên hành chính nhân sự – Phòng nghiệp vụ tổng hợp Vietluxtour cho biết, DN sẵn sàng tuyển sinh viên mới ra trường, người chưa có kinh nghiệm và đào tạo nhằm đáp ứng công việc. Điều quan trọng là ứng viên chỉ cần có nhiệt huyết và niềm đam mê trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong khi mùa cao điểm du lịch nóng từng ngày thì DN này vẫn chưa có nguồn nhân sự đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển.
Theo bà Tô Ánh Hồng, Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Hoa, DN đang có nhu cầu tuyển 15 nhân sự với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, nhân sự dạn dày kinh nghiệm, có thể xử lý vấn đề liên quan visa, tua tuyến… hầu như tìm không ra. “Lĩnh vực du lịch đang phục hồi cả trong lẫn ngoài nước. Chúng tôi ráo riết tuyển nhân sự, nhất là nhân sự chất lượng cao từ năm 2023 đến nay nhưng vẫn không đủ. DN rất khó khăn” – bà Hồng nói.
Lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch cũng gặp khó khi thiếu nhân sự lành nghề; trong khi việc tuyển mới lại chưa đáp ứng nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Giang, Giám đốc khách sạn Hương Giang (quận 5) than thở, không chỉ thiếu lao động buồng phòng mà cả lễ tân, bếp, nhà hàng cũng vậy. Không có người, bà Giang huy động người nhà hỗ trợ nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. “Khi dịch COVID-19 xảy ra, các khách sạn không có khách, nhất là khách quốc tế. Do đó đã cắt giảm nhân sự. Vì vậy khi du lịch khởi sắc trở lại, nhân sự cũ cũng không quay lại nữa vì đã tìm được nơi làm việc mới hoặc chuyển đổi ngành nghề” – bà Giang nói.
Nguồn cung thiếu và yếu
Nhiều DN du lịch cho biết, việc tuyển dụng nhân sự gặp khó khăn khi phần lớn lao động hiện nay đều là sinh viên mới ra trường, khi tuyển dụng DN phải đầu tư để đào tạo lại thì lao động mới có thể đáp ứng được công việc.
Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc nhân sự Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, hiện nay khoảng cách giữa nhu cầu về lao động trong ngành du lịch của DN và thực tế chất lượng đào tạo của các trường khá lớn. Tại Vietravel, 90% nhân sự mới tốt nghiệp chuyên ngành nhưng vẫn cần phải đào tạo thêm để thích ứng với công việc. Nhiều kỹ năng quan trọng, cần thiết với người làm du lịch như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống và khả năng sử dụng ngoại ngữ của nhiều ứng viên vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, với sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch, khó khăn nhất của ngành là về nhân sự. “Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành, trong thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các DN kinh doanh du lịch như tổ chức các khoá đào tạo, tăng cường các môn học thực tế, các kỹ năng công việc…” – bà Hiếu đề xuất.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch. Dự báo đến năm 2025, khối cơ sở lưu trú du lịch cần khoảng hơn 800.000 lao động. Đến năm 2030 là hơn 1 triệu người, trung bình cần bổ sung 60.000 lao động/năm. Dẫn một nguồn số liệu thống kê, Giám đốc nhân sự khách sạn Inter Continental Saigon Đặng Trần Phương Thảo cho biết, trong giai đoạn 2022-2023, ngành Du lịch TPHCM thiếu 40.000 lao động có trình độ. Các trường đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 lao động nên nhân lực du lịch tại thành phố vẫn rất thiếu. “Không chỉ thiếu mà chất lượng nguồn nhân lực còn yếu”, bà Thảo nói. Nhiều DN du lịch, lữ hành cho biết, các chương trình đào tạo chưa sát với thực tế, dẫn đến nghịch lý là dù nhu cầu nhân sự lớn nhưng rất khó tìm ứng viên phù hợp.