Hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có đơn hàng đến quý III/2025.
Ngành dệt may của Việt Nam đang đón nhận tín hiệu tăng trưởng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… khi nhiều đơn vị hiện đã có đơn hàng hết quý II, thậm chí đến quý III.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, với mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm. Năm 2024, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm trước. Với con số này, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP (các nước trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), các nước ASEAN…, hàng dệt may Việt Nam cũng đã khai thác những thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…
Từ nay đến hết quý II/2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Doanh nghiệp cũng đón nhận tín hiệu tăng trưởng khi các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh.
Dự kiến, các đơn hàng dệt may đang có xu hướng tăng trở lại khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Dự báo xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt khoảng 46 tỷ USD trong năm nay, tăng 6% so năm ngoái.