Nghị quyết Trung ương XIII đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Góp phần thực hiện mục tiêu này, ngành công nghiệp ô-tô giữ vai trò then chốt trong phát triển nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống của người dân.
Để “nắn” ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam phát triển đúng hướng, cần đánh giá một cách khách quan hiện trạng và rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc từ những thất bại khi thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 trước đây.
Chính sách chưa sát thực tế
Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã rất quan tâm đặt ra mục tiêu chiến lược để phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam để không những có đủ sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn đặt mục tiêu nội địa hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, gồm các loại xe tải nhẹ, xe du lịch và linh kiện phụ tùng,… Trên nền tảng đó, Việt Nam đã có những dự án chủ lực của cả doanh nghiệp trong nước và liên doanh nước ngoài tham gia đầu tư sản xuất, lắp ráp ô-tô, nhưng các dự án đều không đạt mục tiêu đề ra.
Bước sang đầu thế kỷ XXI, Chính phủ tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, để công nghiệp ô-tô giữ vị thế dẫn dắt, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo kịp và vượt các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngày 3/12/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020, mục tiêu phát triển ngành trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, kết hợp khai thác và từng bước nâng cao công nghệ và thiết bị, đáp ứng 40%-50% nhu cầu thị trường ô-tô trong nước, hướng tới xuất khẩu ô-tô và phụ tùng. Chiến lược cũng đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% vào năm 2005, lên 60% vào năm 2010, trong đó riêng động cơ, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa 50% và hộp số 90%.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm triển khai, Việt Nam vẫn chưa có một doanh nghiệp trong nước hoặc liên doanh nước ngoài đạt mục tiêu chiến lược Chính phủ đã đề ra, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, thay vào đó chỉ đơn thuần lắp ráp, còn linh kiện, phụ tùng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này phải chăng do chính sách chiến lược phát triển ngành chưa sát thực tế, chưa đúng yêu cầu khách quan của quy luật cung-cầu, khiến kết quả không như mong đợi? Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất ô-tô đầu tư dây chuyền chủ yếu gồm 4 công đoạn hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra, do đó, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chỉ khoảng 8%-10%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu chiến lược.
Bộ Công thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc-quy, săm lốp, một số sản phẩm nhựa,… Trong khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền rập thân, vỏ xe; vật liệu làm khuôn mẫu hầu hết phải nhập khẩu. Ngoài ra, hằng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 tỷ-3,5 tỷ USD cho linh kiện, phụ tùng và khoảng 4 tỷ USD nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Ngày 16/7/2014, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, nhận định đây là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn. Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng đạt hơn 466 nghìn chiếc, năm 2035 đạt hơn 1,5 triệu chiếc, tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78%.
Đến năm 2035, xe điện là chủ đạo
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2022, tổng lượng xe tiêu thụ cả nước mới đạt hơn 407.000 xe. Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á tính toán, sản lượng xe ô-tô bán ra đạt khoảng 400 nghìn chiếc/năm như trên chỉ tương đương Thái Lan và Malaysia những năm 1990 và Indonesia giữa những năm 2000. Tỷ lệ người dân sở hữu ô-tô của Việt Nam vẫn thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực, công nghiệp ô-tô chậm phát triển. Nhiều chuyên gia ô-tô nhìn nhận, để ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam thật sự phát triển, nước ta cần phải đạt mức tiêu thụ khoảng 600 nghìn xe/năm. Các cơ quan hoạch định chính sách chiến lược phải có cơ chế đột phá, ưu tiên phát triển thì đến đầu những năm 2030, sức tiêu thụ thị trường ô-tô tại Việt Nam mới có thể đạt 1 triệu xe/năm.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu quan trọng này cần nhìn nhận, đánh giá lại một cách nghiêm túc quá trình thực hiện, tiến độ triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, cần điều chỉnh lại những quy định không còn phù hợp với sự phát triển của ngành công nghiệp ô-tô trên thế giới, trong đó cần nghiên cứu, đánh giá xu thế phát triển ô-tô trong tương lai là sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường như xe điện, hybrid-điện,… còn các công nghệ sử dụng động cơ đốt trong như xăng, dầu sẽ dần dần bị loại bỏ. Bên cạnh đó, có chính sách tổng thể để người dân được cải thiện, nâng cao thu nhập và giá bán ô-tô tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng.
Hiện nay, xu hướng điện hóa ô-tô đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đối với xe điện, xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN cơ bản ngang nhau. Nếu trước đây, xe động cơ đốt trong, động cơ ô-tô là “trái tim”, hàm chứa tinh hoa công nghệ thì nay, với ô-tô điện lại là pin – bộ phận cấu thành quan trọng mà nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi vượt trội để phát triển.
Tiềm năng thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô-tô điện, pin xe điện của Việt Nam là rất lớn nếu các bộ, ngành hữu quan sớm nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ kịp thời người tiêu dùng và các nhà sản xuất ô-tô theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ. Vấn đề này không chỉ giải quyết được “bài toán” thúc đẩy phát triển phương tiện thân thiện môi trường mà còn giúp kích cầu sức mua, tăng tốc phát triển ngành công nghiệp ô-tô.
Cần phải nói thêm, các quốc gia lân cận đang “chạy đua” mở rộng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư phát triển xe điện, nếu nước ta không nhanh chóng chớp “cơ hội vàng” này, sẽ lại tiếp tục lỡ nhịp, lặp lại sai lầm như các lần trước đây. Mục tiêu xuất khẩu 90 nghìn xe ô-tô, kim ngạch xuất khẩu linh kiện phụ tùng đạt 10 tỷ USD vào năm 2035 nêu tại Chiến lược đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 sẽ không thể đạt được nếu không có sự đánh giá kịp thời để điều chỉnh, khắc phục những khiếm khuyết theo từng giai đoạn, đồng thời có chính sách thúc đẩy phát triển ngành theo xu thế phát triển của thế giới là xe điện, xe năng lượng sạch.
Để ngành công nghiệp ô-tô của đất nước không bị bỏ lại phía sau, đi vào “vết xe đổ” như những lần trước đây, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, nghiêm túc nhìn nhận vấn đề còn hạn chế, từ đó kịp thời điều chỉnh mục tiêu phù hợp xu hướng trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Chính phủ có sự phân công trách nhiệm chính trị và quyền hạn cho từng bộ trong công tác tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô đã đề ra. Đồng thời, cần cập nhật, ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô điện tại Việt Nam để tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng phát triển ngành công nghiệp ô-tô trong tương lai. Hằng năm, các bộ, ngành định kỳ đánh giá, tổng kết tiến độ thực hiện và kết quả đạt được/chưa đạt được, công bố công khai để điều chỉnh, rút kinh nghiệm qua thực tiễn, bổ sung ban hành chính sách phù hợp như các nước trong khu vực, thể chế hóa các mục tiêu quan trọng Nghị quyết Trung ương XIII đã đề ra.