Những vụ lộ thông tin, đánh cắp tài khoản và sử dụng AI để lừa đảo liên tục xảy ra thời gian qua khiến dư luận lo ngại. Để đối phó với vấn nạn này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra quy định về việc xác thực bằng khuôn mặt của chủ tài khoản khi giao dịch tài chính online.
Dùng AI để tạo ra video, hình ảnh giả người quen
Những chiêu trò lừa đảo chiếm đoạn tiền qua tài khoản không mới nhưng quá tinh vi vẫn khiến nhiều người, đặc biệt người già “sập bẫy”. Bà Nguyễn Thị T (sinh năm 1956), phường Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) không phải là trường hợp ngoại lệ.
“Là cán bộ công chức nghỉ hưu, tôi rất cảnh giác với trò lừa đảo qua mạng nhưng đối tượng đã dùng hình ảnh em gái tôi, hiện thị ở mục tin nhắn mạng xã hội (facebook), kèm giọng nói nên tôi tin ngay”, bà Nguyễn Thị T cho biết. Sự việc xảy ra từ lâu nhưng là bài học mới bởi vẫn có những nạn nhân tiếp theo.
Vào một buổi tối, bà T nhận được cuộc gọi video từ nick Facebook của em ruột là bà Nguyễn Thị P (sinh sống ở Cộng hòa Liên bang Đức). Trong cuộc gọi video có hình ảnh em gái bà T nhưng 2 người không thể nói chuyện được. Sau đó, từ tài khoản này, đối tượng nhắn tin với bà T với lý do là mạng chậm; đồng thời để lại tin nhắn như sau: “Bên này em đã mượn tiền của người ta lo việc cho con nên sổ tiết kiệm của em có 500 triệu đồng, chị ra ngân hàng rút gửi trả nợ giúp em, gửi vào tài khoản Nguyễn Văn Linh, số…”, bà Nguyễn Thị T cho biết.
Sáng hôm sau, bà T tới Phòng giao dịch Vietinbank ngõ Kim Giang để rút 500 triệu đồng, dù nhân viên ngân hàng cảnh báo. Sau khi chuyển tiền, bà T gọi lại qua messenger cho Facebook em gái nhưng bị chặn nên bà T nghi ngờ bị lừa đảo, nhanh chóng ra Công an phường Kim Giang trình báo. Nhận được tin báo, lực lượng công an đã xuống Phòng giao dịch ngân hàng để nhanh chóng phối hợp phong tỏa tài khoản, qua đó ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như bà Nguyễn Thị T. Anh Đ.A.Quang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Đối tượng lừa đảo gọi video cho tôi, đúng khuôn mặt nhưng thấy miệng mấp máy thôi. Mình cứ nghĩ mạng bị lag, chỉ gọi được vài giây rồi thôi nên mình cũng tin tưởng, lúc đó cũng đang vội. Sau đó, họ nhắn số tài khoản và mình chuyển tiền”.
Công an quận Hà Đông đang xác minh trường hợp một phụ nữ 68 tuổi bị kẻ xấu mạo danh cán bộ công an lừa đảo 15 tỷ đồng. Cách đây không lâu, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã bị lừa số tiền hơn 100 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về các vụ lừa đảo với số tiền rất lớn xảy ra thời gian qua, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho biết: Thông thường, video clip sinh ra từ Deepfake sẽ không có chất lượng tốt, tương đối mờ, giọng nói không rõ. Nếu để ý kỹ, người sử dụng có thể nhận thấy những nhân vật trong clip thường ít quay mặt, đưa tay lên mặt hoặc chớp mắt. Đó là những hành động mà Deepfake chưa thể làm giả 100% giống như người bình thường.
“Một nguyên tắc của Deepfake là thu thập dữ liệu từ chính hình ảnh và giọng nói của người dùng. Châu Âu và Trung Quốc hiện áp dụng các giải pháp siết chặt Deepfake, trong đó quy định chặt chẽ về việc cung cấp dữ liệu cá nhân. Tại Việt Nam, người dùng cũng cần lưu ý trong việc đăng tải hình ảnh và giọng nói của mình trên không gian mạng”, đại diện NCS cho biết.
Ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh: Các nạn nhân thường bị thao túng tâm lý nên dễ dàng nghe theo các yêu cầu của kẻ xấu, kể cả chuyển hết tiền trong tài khoản. Do vậy, có những người đã bị mất những số tiền rất lớn. Kẻ xấu thường sử dụng thủ đoạn dọa dẫm về pháp lý, nhắm vào các phụ nữ lớn tuổi – những người dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi bị cáo buộc vi phạm pháp luật.
Để hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) đã nghiên cứu phát triển phần mềm cảnh báo lừa đảo. Phần mềm này sẽ được cung cấp miễn phí cho người dân từ tháng 7/2024 trên cả 2 nền tảng iOS và Android. Phần mềm được phát triển dựa trên số liệu thu thập về các trường hợp lừa đảo xảy ra trong những năm qua.
“Ưu điểm của phần mềm là liên kết với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, các tổ chức trên thế giới, các công ty an ninh mạng tại Việt Nam, có thể nhanh chóng kiểm tra và đưa ra khuyến cáo đối với ‘danh sách đen’ đã được thống kê trong cơ sở dữ liệu”, ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ. Ví dụ khi người dùng cần chuyển khoản đến một tài khoản lạ, phần mềm sẽ giúp kiểm tra xem tài khoản kia có nằm trong “danh sách đen” được thống kê hay không?
Khi nhận được thông tin chuyển tiền, người dùng cần bình tĩnh, chủ động xác thực bằng cách gọi điện thoại trực tiếp, kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ, tốt nhất là không nên tiến hành giao dịch. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu về công nghệ Deepfake để nhận biết được các đặc điểm nhằm phân biệt giữa video và hình ảnh thật và giả.
Xác thực chính chủ mới chuyển được tiền
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7, người chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt.
“Mục tiêu nhằm phòng ngừa việc thuê – mượn tài khoản. Qua việc kiểm tra này, người mở tài khoản cũng phải kiểm tra lại thông tin. Những tài khoản không chính chủ được mở bằng những giấy tờ giả trước đây sẽ được loại bỏ dần”, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Các ngân hàng đang chạy nước rút triển khai đến khách hàng, đảm bảo hoàn thành trước “giờ G”. Theo lãnh đạo Vietcombank, giải pháp xác thực khuôn mặt có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện số lượng và giá trị các giao dịch tài chính trên các kênh số liên tục gia tăng. “Khách hàng dịch chuyển ngày càng nhanh lên trên các kênh số. Cùng với đó, tội phạm lừa đảo công nghệ cao cũng tăng theo với chiêu thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi”, đại diện Vietcombank cho biết.
Hiện, Vietcombank đã chỉ đạo quyết liệt và tập trung nguồn lực tốt nhất để triển khai kết nối kỹ thuật với dữ liệu quốc gia về dân cư và nhiều hạng mục cần thiết. Mục tiêu là hoàn thành ứng dụng giải pháp khai thác dữ liệu Quốc gia về dữ liệu quốc gia và dân cư trước ngày 1/7 theo quy định. Hiện,Vietcombank đã hoàn tất các điều kiện để triển khai các công đoạn kết nối, đảm bảo đáp ứng thời hạn yêu cầu của NHNN.
Đơn cử, ngân hàng MSB tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học thông qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip trên ứng dụng MSB mBank hoặc các quầy giao dịch. Dữ liệu của khách hàng cần phải khớp với dữ liệu được lưu trong căn cước công dân (xác thực khuôn mặt).
“Để xác thực sinh trắc học lần đầu, người dùng có thể tự thao tác trên ứng dụng ngân hàng. Quy trình này gồm 2 bước: Chụp ảnh CCCD và quét thông tin vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu. Người dùng cần lưu ý đặt căn cước theo đúng vị trí đã hướng dẫn. Khách hàng cũng có thể đến trực tiếp quầy giao dịch để được hướng dẫn thực hiện”, đại diện MSB cho biết.
Theo MSB, xác thực bằng sinh trắc học có thể hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất hiện nay. Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng. Phương pháp đảm bảo xác thực đúng chính chủ đang thực hiện chuyển tiền, ngăn chặn thiệt hại khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn.
Với tính năng bảo mật hai lớp, xác thực sinh trắc học trên App MBBank, người dùng có thể “gấp đôi” an tâm khi chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với những giao dịch lớn… “Đây được xem là đòn bẩy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hoá quy trình định danh khách hàng”, đại diện MB cho biết.