Ngân hàng nhà nước vừa quy định các khoản vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng không cần lập phương án sử dụng vốn khả thi sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm cũng như đẩy lùi tín dụng đen.
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 12/2024 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay. Thông tư 12/2024 quy định các khoản cho vay của tổ chức tín dụng có mức giá trị nhỏ, không vượt quá 100 triệu đồng không cần phương án sử dụng vốn khả thi. Ngân hàng thương mại sẽ có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết và trả nợ của khách hàng, bảo đảm khả năng thu hồi nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.
Bà Nguyễn Linh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước – cho biết, việc quy định khoản vay dưới 100 triệu đồng không yêu cầu khách hàng phải có phương án sử dụng vốn khả thi, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính trước khi tổ chức tín dụng cho vay vốn. Qua đó, sẽ kích thích sự phát triển của tài chính tiêu dùng.
“Những thay đổi này giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường”, bà Linh cho hay.
Ông Lê Hoàng Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank – cho biết, trên cơ sở Thông tư 12, Vietcombank đã có văn bản nội bộ triển khai quy định này theo hướng đơn giản hóa hồ sơ thủ tục đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng. Khách hàng không bắt buộc chứng minh phải có phương án sử dụng vốn khả thi, chỉ cần tối thiểu các thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính…
“Các điều chỉnh này có tác động tích cực đến việc cho vay tiêu dùng của NH, cũng như là cơ sở để phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng triển khai trên kênh số” – ông Tùng nhận định.
Thống kê của ABBANK cho thấy tại thời điểm ngày 30/6, tỷ trọng khoản vay dưới 100 triệu đồng chiếm khoảng 18-19% tổng dư nợ ở ngân hàng này.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cho vay tiêu dùng hiện chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của toàn ngành, tương đương 2,8 triệu tỷ đồng. 16 tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng và công ty tài chính) có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn nhất đang triển khai tới 30 sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Có thể kể đến Chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank đã giải ngân cho hơn 811.000 lượt khách hàng vay vốn, hiện chỉ còn hơn 83.000 khách hàng còn dư nợ;
Gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng của hai công ty tài chính HD Saison và FE Credit cho công nhân vay với lãi suất thấp đến nay giải ngân được hơn 5.300 tỷ đồng.
Ngoài ra là chương trình cho vay tiêu dùng trị giá 20.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Một số ngân hàng thương mại như Agribank, LPBank đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời gian qua. Kể cả những ngân hàng như Vietcombank, VietinBank trước đây luôn tập trung vào phân khúc cho vay doanh nghiệp, nay cũng chuyển hướng sang cho vay tiêu dùng”.
Theo Phó Thống đốc, vào 5-7 năm trước, cho vay tiêu dùng để sinh hoạt hằng ngày, đáp ứng các nhu cầu chữa bệnh, cưới xin, đóng học phí… chiếm tỉ lệ rất nhỏ ở các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại. Hiện tại, cơ chế, chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay tiêu dùng rất rộng mở. Hàng loạt công ty tài chính, trong đó có cả công ty tài chính của các ngân hàng thương mại cũng được thành lập và thúc đẩy cho vay tiêu dùng.
“Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đồng thời triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh, siết lại hoạt động cho vay tiêu dùng, hạn chế những mặt trái tại một số công ty tài chính như lãi suất quá cao, hoạt động thu hồi nợ chưa phù hợp…”, Phó Thống đốc Tú nói.