Các ngân hàng tham dự đều cho rằng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu tín dụng phục hồi, tuy nhiên vẫn có các quan điểm khác nhau về xu hướng tỷ suất lợi nhuận lãi thuần (NIM) trong thời gian tới.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia của Công ty Cổ phần chứng khoán (SSI): Mặc dù các ngân hàng đều cho rằng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu tín dụng phục hồi, tuy nhiên vẫn có các quan điểm khác nhau về xu hướng NIM trong thời gian tới.
Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, NIM được kỳ vọng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ so với nửa đầu năm, trong khi NIM ở các ngân hàng thương mại tư nhân có thể sẽ giảm nhẹ do cạnh tranh về lãi suất cho vay. Ở chiều hướng tích cực, chất lượng tài sản sẽ dần phục hồi do tỷ lệ hình thành nợ xấu đang có xu hướng giảm và tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng chạm đỉnh vào giữa Quý 3/2024 và Quý 4/2024. Nhìn chung, các ngân hàng tham dự đều đánh giá tích cực về kế hoạch lợi nhuận trong năm 2024.
Do các ngân hàng đang cạnh tranh gay gắt với nhau để giành thị phần bằng việc giảm mạnh lãi suất cho vay trong Quý 3/2024 nên ACB đã quyết định duy trì NIM thay vì cố gắng mở rộng tín dụng sau Quý 2/2024 bùng nổ (hạn mức tín dụng mới là 18,4%).
Nhu cầu tín dụng ở phân khúc bán lẻ vẫn còn yếu, trong khi doanh nghiệp chủ yếu vay vốn lưu động thay vì đầu tư vào tài sản cố định. Trong thời gian tới, phân khúc khách hàng doanh nghiệp vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính của ACB, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và lớn cùng chuỗi cung ứng của họ. Đối với tín dụng xanh, ACB đã thực hiện giải ngân 66% trong gói tín dụng 2 nghìn tỷ đồng tại Quý 3/2024. Nợ xấu của ngân hàng không tập trung vào một phân khúc hay lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra thì NIM trong nửa cuối năm có thể giảm so với nửa đầu năm do lãi suất huy động tăng trong khi lãi suất cho vay khó có thể tăng tướng ứng.
Với ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng tín dụng (PPOP) trong 9 tháng đầu năm dự kiến đạt 36,1 nghìn tỷ đồng. BIDV ghi nhận tổng tăng trưởng tín dụng trong Quý3/2024 đạt 10% tính từ đầu năm, được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất.
NIM giảm trong nửa đầu năm 2024 do tăng trưởng tín dụng chậm nên phần nào ảnh hưởng thu nhập lãi; BIDV tích cực hỗ trợ khách hàng với các gói giảm và ưu đãi lãi suất. Trong nửa cuối năm 2024, NIM dự kiến sẽ tăng nhờ tín dụng phục hồi và tối ưu hóa tài sản. Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi phục hồi mạnh mẽ bao gồm thu nhập từ phí dịch vụ và các khoản thu từ nợ đã xử lý.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12% trong Quý 3/2024, so với hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (SBV) cấp là 18,6%. Tính đến cuối tuần thứ 3 của tháng 9/2024, thu nhập hoạt động của MBBank đạt 33 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng trong Quý 3/2024 khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đi ngang. MBBank đang chờ phê duyệt chính thức từ Ngân hàng Nhà nước về việc nhận chuyển giao ngân hàng “0 đồng”, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất cho vay sẽ khó tăng do các ngân hàng phải cạnh tranh lãi suất với nhau để tăng trưởng tín dụng. Do đó, NIM có khả năng sẽ chịu áp lực trong nửa cuối năm 2024, nhưng nhìn chung NIM vẫn sẽ cải thiện so với năm 2023. Về chất lượng tài sản, nợ xấu chủ yếu do phân khúc bán lẻ, đặc biệt là các khoản cho vay mua nhà.
Trong Quý 3/2024, tổng nợ tái cơ cấu đạt 12 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2019-2021, FE Credit đã tích cực gia tăng thị phần bằng cách đẩy mạnh các khoản vay tiền mặt cho phân khúc phổ thông và thu nhập thấp. Tuy nhiên, nợ xấu cũng từ đó mà gia tăng, đặc biệt trong đại dịch COVID-19. Công ty cho rằng nợ xấu đã đạt đỉnh trong Quý 3/2023 và kỳ vọng sẽ cải thiện cùng với nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Trong giai đoạn sắp tới, FE Credit dự kiến sẽ ưu tiên các khoản vay tiêu dùng mua các mặt hàng điện tử và xe máy, trong khi hạn chế cho vay những phân khúc rủi ro cao, như cho vay tiền mặt.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) duy trì quan điểm lãi suất huy động sẽ chỉ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu tín dụng phục hồi nhưng lãi suất vẫn sẽ giữ ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Đối với chất lượng tài sản, VietinBank đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% trong Quý 3/2024. Nợ tái cơ cấu chiếm 1,5% tổng dư nợ, đặc biệt từ những lĩnh vực bất động sản, xây dựng, và dịch vụ.
Ngân hàng đã giảm lãi suất lên đến 2% để hỗ trợ những khách hàng bị thiệt hại với tổng gói hỗ trợ là 100 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2024, tổng chi phí dự phòng tín dụng dự kiến đạt 25 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân hàng đã ghi nhận 15,7 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng trong nửa đầu năm 2024. VietinBank hiện đang chờ phê duyệt chính thức từ NHNN để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại trong giai đoạn 2009-2016 và năm 2021.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ưu tiên cho vay khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và chế biến, thương mại, và các doanh nghiệp FDI. Để quản lý rủi ro của phân khúc bán lẻ, Vietcombank đã dần chuyển từ cho vay mua nhà sang cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh, và chủ động giảm tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo (LTV). Vietcombank dự kiến sẽ chuyển dần sang phân khúc bán lẻ trong Quý 4/2024 và tập trung giải ngân các khoản vay trung và dài hạn để hỗ trợ NIM. Không giống như những ngân hàng khác, phân khúc bán lẻ là phân khúc có ít nợ xấu nhất của Vietcombank. Ngân hàng kỳ vọng khá tích cực về triển vọng phục hồi của nền kinh tế, có thể hỗ trợ Vietcombank giảm tỷ lệ nợ xấu xuống khoảng 1% trong những năm tới.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng đạt 18-20% cho năm 2024. Đối với thị trường bất động sản, Techcombank nhận thấy sự phục hồi đáng kể ở miền Bắc, trong khi tốc độ phục hồi ở thị trường miền Nam vẫn còn chậm. Ngân hàng kỳ vọng nửa cuối năm 2025 sẽ là giai đoạn phù hợp để thị trường bất động sản phục hồi. Tỷ lệ nợ xấu năm 2024 ước tính đạt khoảng 1,3%-1,4%, với khách hàng bán lẻ chiếm phần lớn tổng nợ xấu.
Trước đó, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2024 do Vụ Dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện cho thấy: Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng (gồm nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ và vay vốn) của khách hàng trong quý III/2024 có cải thiện so với quý II/2024 nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Trong đó, nhu cầu dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định cải thiện mạnh hơn nhu cầu vay vốn và gửi tiền trong cùng kỳ.
Trong quý IV/2024 và cả năm 2024, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn so với quý III/2024 và năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Các TCTD trong nội dung trả lời khảo sát cho biết đã tiếp tục xu hướng giữ ổn định hoặc điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ, trong đó, tập trung giảm lãi suất biên nhiều hơn so với giảm phí dịch vụ.
Đồng thời, 17% TCTD cho biết dự kiến có thể điều chỉnh tăng nhẹ giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ trong quý IV/2024, chủ yếu là tăng phí dịch vụ, trong khi vẫn dự kiến giảm lãi suất biên. Tính chung trong cả năm 2024, giá bình quân sản phẩm dịch vụ được các TCTD ước tính giảm so với năm 2023, giảm cả lợi suất suất biên và phí dịch vụ nhưng có thể tăng nhẹ trở lại trong năm 2025.
Các TCTD có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1 điểm phần trăm) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 điểm phần trăm) so với cuối năm 2023. Huy động vốn toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV/2024 và 7,9% trong năm 2024.