Phát triển nghề biển theo hướng bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được coi là nhiệm vụ trọng tâm đối với Quảng Ninh trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy hải sản; rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Trước năm 2018, hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến, nhất là hành vi sử dụng kích điện, lồng bát quái, giã cào, khai thác sai vùng, khai thác trong vùng cấm (vùng lõi vịnh Hạ Long)… đã gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái trên vùng biển Quảng Ninh.
Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản một cách bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều Chỉ thị, Quy định, Quyết định về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các vi phạm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quyết liệt di dời các cơ sở nuôi ngoài quy hoạch, chuyển đổi vật liệu nổi; ký kết chương trình phối hợp với 6 tỉnh, thành phố trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác và chống khai thác IUU.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã hoàn thiện, hiệu chỉnh quy hoạch ngành nông lâm ngư nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt thiết lập 10 điểm kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản tại địa phương trọng điểm nghề cá; đăng ký, cấp phép tạm thời tàu cá đối với các tàu chưa đủ điều kiện đăng ký chính thức để đưa vào quản lý; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá và khai thác thủy sản; đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các kênh thông tin…
Các cơ quan chức năng, các địa phương liên quan cũng đã tích cực vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Điển hình như Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên triển khai thực hiện kế hoạch cao điểm về “Tăng cường phòng chống nạn khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh” trên tuyến biển. Ngoài đẩy mạnh việc tuyên truyền, các đơn vị triển khai đồng bộ công tác tuần tra, kiểm soát, nhằm phát hiện, xử lý khai thác thủy sản trái phép; tổ chức nắm chắc tình hình địa bàn, bố trí sử dụng lực lượng, phương tiện, vận dụng các biện pháp công tác, tập trung tuần tra chủ yếu ở những vùng biển “nóng” như: Móng Cái, Cô Tô, Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long… Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã thành lập Đoàn công tác liên ngành của tỉnh để kiểm tra, triển khai các nội dung khuyến nghị của đoàn thanh tra EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định tại 4 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm, để kiểm tra, hướng dẫn và xử lý dứt điểm các tồn tại về cấp giấy phép khai thác thủy sản, kiểm soát tàu cá cập, rời cảng, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…
Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả, trong giai đoạn năm 2018 – 2022, toàn tỉnh đã phát hiện 5.790 vụ vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử phạt 5.754 vụ vi phạm, thu phạt trên 42,2 tỷ đồng. Tịch thu, tiêu hủy 34 tàu cá và nhiều tang vật vi phạm; di dời, phá dỡ 14 bè mảng, 4 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản trái phép; tổ chức ngăn chặn, xua đuổi 469 phương tiện tàu cá, bè mảng của ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 317 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 4,28 tỷ đồng.
Đến nay, Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng nước ngoài bắt giữ, xử lý. Số tàu cá từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 233 tàu, đã đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản và cấp chứng nhận ATTP đạt 100%. Toàn bộ 100% tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (4.574 tàu) được cập nhật thông tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase). Tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (233 tàu) đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các thông tin, dữ liệu liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi, khai thác IUU được cập nhật đầy đủ trên hệ thống theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và lưu trữ hồ sơ theo quy định
Đánh giá về hiệu quả thực hiện nhiệm vụ gỡ thẻ vàng IUU của Quảng Ninh, tại buổi làm việc với UBND tỉnh đầu tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Quảng Ninh có cải thiện trong hạn chế vi phạm IUU, tuy nhiên kết quả chưa cao như kỳ vọng, vẫn còn những cảnh báo quan trọng chưa đảm bảo điều kiện để gỡ. Đồng chí yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản, kết nối giám sát hành trình, năng lực kiểm soát sản lượng, cơ sở hạ tầng… nhằm đảm bảo thực hiện các quy định chống khai thác IUU. Đồng thời tiếp tục huy động tất cả các nguồn lực, chung sức, đồng lòng cùng 27 tỉnh, thành phố trong cả nước gỡ thẻ vàng cho ngành Thủy sản Việt Nam trong chương trình làm việc với đoàn thanh tra của EC dự kiến trong tháng 10/2023.
Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại cuộc làm việc của UBND tỉnh với 9 địa phương có biển trên địa bàn bàn tỉnh để bàn các giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định mới đây, đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đến ngày 30/8/2023, toàn tỉnh phải hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác của toàn bộ tàu cá theo quy định; xử lý nghiêm các tàu vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Cùng với đó, các địa phương cần yêu cầu các chủ phương tiện phải có nhật ký đánh bắt của từng con tàu khai thác; kiểm soát ký nhận số tàu đã đăng ký, khai báo; thành lập các nhóm quản lý số tàu thuyền là ngư dân cư trú trên địa bàn xã, phường, thị trấn; chính quyền các xã có biển chịu trách nhiệm khai báo đủ, khai báo thường xuyên về các tàu khai thác; tăng cường tuyên truyền, thông tin đến các chủ tàu thực hiện các quy định về khai thác thủy sản. Các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng cho ngư dân, chủ phương tiện khai thác thủy sản chấp hành nghiêm các quy định về đánh bắt thủy sản trên biển. Từ 1/9/2023, ngư dân, chủ phương tiện không chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm, khai báo theo quy định thì sản phẩm thủy sản khai thác được coi là bất hợp pháp, sẽ tịch thu phương tiện, sản phẩm theo đúng quy định.