Tại huyện Vân Đồn, người Sán Dìu có dân số đông thứ hai sau người Kinh và còn lưu giữ nhiều nét đẹp, đặc sắc về tín ngưỡng, văn hóa tinh thần trong đời sống.
Người Sán Dìu ở Vân Đồn có gần 5.000 người, tập trung chủ yếu ở Bình Dân, Đoàn Kết và rải rác ở một số xã khác. Cộng đồng người Sán Dìu ở Vân Đồn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Trong đó, văn hóa tín ngưỡng mang đầy đủ màu sắc, đặc trưng nhất và cả những nét đặc thù vùng miền.
Tục thờ cúng chính là một trong những tín ngưỡng được cộng đồng người Sán Dìu ở Vân Đồn coi trọng. Tục thờ thành hoàng của người Sán Dìu có từ xa xưa và vẫn được duy trì đến ngày nay. Tục này luôn hướng con người tới giá trị chân, thiện, mỹ, giáo dục truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng. Trong đó, vị thành hoàng được các làng thờ thường là thổ thần. Tùy theo từng nơi mà vị thần này được gọi tên khác nhau và được gắn với chức vị đại vương.
Theo quan niệm của đồng bào, thổ địa là vị thần bảo vệ con người và gia súc, quản lý thú rừng không cho chúng phá hoại mùa màng, luôn che chở cho cuộc sống người dân. Mỗi làng đều dành khu đất rộng, thoáng để xây dựng đình thờ thổ địa. Công trình này thường có kiến trúc và đồ thờ đơn giản, để thông phía trước.
Đồng bào Sán Dìu là một trong những dân tộc có những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng hết sức phong phú và đa dạng. Với thế giới quan đầy sinh động, dân tộc này tin theo thuyết “vạn vật hữu linh”, tam giáo đồng nguyên (Nho – Phật – Đạo)… Trong tín ngưỡng của người Sán Dìu, hệ thống tín ngưỡng thần linh là Đạo giáo và Phật giáo với các bậc Thánh – Thần – Phật tối thượng là Tam Thanh và Tam Bảo
Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Sán Dìu còn thờ Thần Cửa (Món sín), Thổ Công (Thú sín), Vua Bếp (Chạo kun), Tổ sư (Say hu)… Đây là những vị thần bảo hộ sự an toàn, phù trợ cho các thành viên trong gia đình được mạnh khỏe, bình an. Những gia đình nào có con nhỏ hay người trong thời kỳ sinh nở còn có bàn thờ mụ, đặt ngay trong buồng của bà mẹ, nhằm bảo trợ, che chở cho trẻ em được hay ăn chóng lớn. Những người làm thầy cúng thờ Phật Quan Thế Âm, thờ Tam Thanh và thờ Tổ sư. Bàn thờ Phật và bàn thờ Tam Thanh được đặt nơi riêng nhưng phải cao hơn bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Tổ sư được đặt ngang với bàn thờ tổ tiên.
Lễ hội lớn nhất của người Sán Dìu là lễ hội Đại Phan. Đây là hệ thống các nghi lễ – hội với những mục đích khác nhau như: Lễ dựng vương đàn, ngũ nhạc lầu, lễ nhập phướn, lễ chém thảo chiều, ngũ đại thiên vương chạy đàn, lễ leo gươm, lễ cấp sắc, lễ giải oan hồn, hát sọong cô…
Lễ hội được tổ chức 2-7 ngày với sự hiện diện của những vị thầy cúng cao tay, cùng với sự tham gia của đông đảo người dân đến từ những vùng khác nhau. Lễ hội Đại Phan không chỉ là sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng thuần túy mà còn là “liều thuốc an thần” đối với đồng bào. Ngoài lễ Đại Phan người Sán Dìu còn nhiều lễ hội khác như lễ thượng điền, lễ hạ điền, lễ đầu năm cầu mùa, lễ cuối năm, lễ hội ở đình…
Ngoài ra, là cư dân nông nghiệp, người dân tộc Sán Dìu thường làm các sản vật thành tâm dâng lễ trình báo, tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho gia đạo hưng vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Họ còn có nhiều nét đẹp về loại hình giải trí như: Các làn điệu dân ca, ca dao, tục ngữ, trò chơi dân gian.