Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện sự kính trọng, tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Xuân về không chỉ mang theo không khí rộn ràng, vui tươi mà trong không gian đầm ấm của mỗi gia đình đó còn là niềm vui, hạnh phúc khi con cháu tụ họp đông đủ, quây quần bên ông bà, cha mẹ, kính chúc nhau những điều may mắn, bình an. Cùng với các gia đình, mỗi dịp đầu xuân, các địa phương trong tỉnh cũng hân hoan tổ chức lễ mừng thọ trang trọng, đầm ấm cho các bậc cao niên.
Mừng thọ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, cũng như sự kính trọng người già, hiếu nghĩa, biết ơn với ông bà, cha mẹ. Truyền thống tốt đẹp đó đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc nhằm phát huy vai trò “cây cao bóng cả” của lớp người cao tuổi trong gia đình và xã hội hiện nay.
Điều này, cũng thể hiện sự quan tâm của xã hội với người cao tuổi, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm. Cũng thông qua việc tổ chức chúc thọ, mừng thọ, người cao tuổi cảm thấy hạnh phúc hơn vì mình đông con, nhiều cháu lại hiếu thảo, lễ nghĩa, có nhiều cống hiến cho xã hội… Con cháu cũng cảm thấy tự hào về ông bà, cha mẹ của mình, cũng như truyền thống văn hóa của gia đình, dòng họ và nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
Đặc biệt, đối với người Việt Nam, người tuổi càng cao càng được kính trọng. Theo quan niệm dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được phúc lớn trời ban. Vì có phúc nên mới được sống lâu và có con cháu đề huề, mừng thọ chính là mừng cái phúc ấy. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão. Vào những năm chẵn của tuổi ông bà, con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau tổ chức lễ mừng thọ với mong muốn mừng ông, chúc bà sống lâu, sống khỏe.
Nhắc đến việc tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi đầu xuân ở Quảng Ninh không thể không nhắc tới lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên) gắn với nghi lễ rước các cụ Thượng lên miếu Tiên Công được tổ chức vào mùng 4 đến mùng 7 tháng Giêng hằng năm.
Xuân Ất Tỵ 2025 lại là một mùa xuân ngập tràn niềm vui với các cụ Thượng vừa tròn 80 tuổi ở vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên), khi các cụ được con cháu tổ chức thượng thọ, rước lên miếu Tiên Công. Ở vùng đảo Hà Nam, ngoài tổ chức mừng thọ thông thường thì việc rước các cụ thượng thọ lên miếu Tiên Công thực sự là một nét văn hóa độc đáo, hiếm thấy. Truyền thống riêng có này đã trở thành nét đẹp mỗi dịp Tết đến, xuân về, con cháu lại được mừng thọ, báo hiếu đấng sinh thành; có thêm niềm vui, niềm tự hào và cũng là hạnh phúc lớn nhất của các cụ cao tuổi.
Đã thành thông lệ, từ trước Tết Nguyên đán, tại nhiều gia đình, dòng họ của vùng đảo Hà Nam có cụ Thượng (tức là các cụ già đạt thọ 80, 90, 100 tuổi trở lên) việc họp bàn gia đình chuẩn bị lễ khao thượng thọ và rước các cụ lên miếu Tiên Công để lễ tổ tiên trong ngày hội vào mùng 7 Tết đều được gấp rút hoàn thành. Các con cháu trang trí khuôn viên gia đình theo truyền thống mừng thọ, chuẩn bị sẵn trang phục truyền thống như áo gấm, mấn đội đầu… đồng thời chuẩn bị đủ võng rước và các đồ lễ cần thiết cho ngày lên miếu.
Suốt những ngày từ trước Tết Nguyên đán đến mùng 7 tháng Giêng vừa qua, con cháu trong gia đình cụ Nguyễn Thị Đáp (90 tuổi) ở phường Hà An đều tất bật chuẩn bị cho lễ thượng thọ cụ. Con cháu, họ hàng dù công tác xa xôi cũng cố gắng thu xếp để về quây quần dự lễ mừng thọ cụ bà với niềm kính yêu xen lẫn tự hào dành cho đấng sinh thành. Không khí trong nhà lúc nào cũng vui tươi, rộn ràng với những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho cụ thượng. Lãnh đạo địa phương cũng đến tận nhà hỏi thăm, chúc mừng cụ thượng thọ.
Nguyễn Thị Đáp (90 tuổi), phường Hà An, TX Quảng Yên, phấn khởi: “Ở tuổi xế chiều, nhìn thấy các con cháu khôn lớn, thành đạt, gia đình sống hạnh phúc, biết bảo ban nhau làm ăn là phúc lớn nhất của cuộc đời tôi. Và chẳng có gì vui hơn khi Tết đến, nhìn con cháu quấn túm, sum họp đầm ấm chuẩn bị lễ mừng thọ cho mẹ, con may áo, con sắm khăn, rồi quây quần làm cơm đoàn viên…”.
Ông Vũ Đình Thu, con trai cụ Nguyễn Thị Đáp, chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại vùng đảo Hà Nam, tôi luôn tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương mình. Năm nay, gia đình tôi tổ chức lễ thượng thọ cho mẹ tôi tròn 90 tuổi, vì vậy từ những ngày trước Tết, con cháu khắp nơi đã trở về cùng quây quần chuẩn bị mừng thọ cho mẹ, cho bà bằng tất cả tấm lòng hiếu thảo. Đây thật sự là một nét đẹp, truyền thống văn hóa quý báu mà chúng tôi muốn giáo dục con cháu mãi về sau.
Không chỉ ở Quảng Yên, việc tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi tại các địa phương cũng diễn ra trong niềm vui phấn khởi, trang trọng, vui tươi, tiết kiệm và mang đậm giá trị văn hóa truyền thống. Theo đó, việc mừng thọ không chỉ diễn ra riêng lẻ trong từng gia đình mà còn được chính quyền địa phương quan tâm cũng như tạo điều kiện cho mọi người gặp gỡ. Những cụ có năm chẵn tuổi từ 70 trở lên sẽ được tổ chức mừng thọ tại UBND phường, xã, nhà văn hóa thôn, phố theo nghi thức, phong tục truyền thống của từng địa phương.
Hầu hết các địa phương tổ chức mừng thọ, chúc thọ tập trung từ mùng 4 đến mùng 10 Tết trong không khí xuân rộn ràng khi các con cháu sum họp đón Tết cổ truyền. Con cháu dậy từ sớm chuẩn bị trang phục cho các bậc cao niên đến nơi tổ chức. Sau đó, đại diện chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể thay mặt toàn thể nhân dân trịnh trọng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các bậc cao niên. Những tiết mục văn nghệ vui tươi, khí thế vang lên thay lời chúc mừng đến các ông, các bà.
Cụ Lê Quang Khỏa (90 tuổi), phường Hà Phong, TP Hạ Long, bày tỏ: Tổ chức lễ mừng thọ tập thể như thế này thật ý nghĩa và vui vẻ vì đây là dịp để con cháu tri ân công lao các bậc sinh thành, thể hiện trách nhiệm hơn trong việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Với những người cao tuổi như chúng tôi, mừng thọ tại nhà văn hóa có sự tham dự của đông đủ các đoàn thể, chính quyền, người dân, gia đình là sự động viên lớn về tinh thần để chúng tôi luôn “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
“Lễ mừng thọ đầu xuân thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ về sự hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định người cao tuổi là điểm tựa tinh thần không chỉ cho gia đình mà còn cho tổ dân phố, cộng đồng dân cư, vì vậy địa phương chú trọng, quan tâm tổ chức lễ mừng thọ đầu xuân cho các cụ trang trọng, chu đáo. Qua đó, thay lời kính chúc mong muốn các cụ khỏe mạnh, tiếp tục nêu gương sáng động viên, khuyến khích con cháu tham gia đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển của địa phương” – Ông Lê Tuấn Vũ, Bí thư Đảng ủy phường Cao Xanh (TP Hạ Long) cho biết.
Cùng với nhiều hoạt động quan tâm chăm sóc người cao tuổi của gia đình và xã hội, mừng thọ đầu xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam thể hiện sự tôn trọng của xã hội đối với người cao tuổi. Qua đó, không ngừng khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi đối với gia đình, xã hội, giúp các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích.