Ít ai biết rằng, cách trung tâm TP Hạ Long không xa có cộng đồng người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá độc đáo, lâu đời. Đó là các hội làng và các phong tục tập quán đẹp truyền đời, gắn bó lâu năm với dân tộc này, hiện được coi là nguồn nguyên liệu quý để phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia thì đây là điểm độc đáo bởi xưa nay người Dao Thanh Y gắn với cuộc sống du canh du cư, cho tới khi họ quyết định chọn dừng chân tại Bằng Cả cách đây trên 300 năm.
Theo chị Lý Thị Quyên, cán bộ văn hoá xã thì hội làng có chính xác từ bao giờ đến ngay cả các cụ cao niên cũng không ai còn nhớ. Nhưng chắc chắn một điều rằng, Hội làng Bằng Cả có từ lúc hình thành dân tộc Dao ở xã Bằng Cả.
Với bề dày lịch sử qua hơn 10 thế hệ các dòng họ Lý, Đặng, Trương…, người Dao ở đây đã biết gìn giữ, lưu truyền nét đẹp lễ hội, tập tục tốt đẹp. Hội làng theo đó tồn tại dọc chiều dài phát triển của đồng bào, mang đậm “hơi thở” của đời sống tinh thần, của truyền thống, bản sắc dân tộc lâu đời. Từ trang phục, vật phẩm cúng lễ cho tới các nghi lễ trong lễ hội đều được đồng bào tiếp nối, phát huy giá trị. Lễ hội của họ vì thế có nhiều nét đẹp, mang sức hấp dẫn riêng.
Theo các cụ già làng, trưởng bản từ xa xưa kể lại: Hội làng Bằng Cả được diễn ra vào 5 ngày (âm lịch) trong năm là ngày 1/2, 1/4, 1/7, 1/10 và 20/12, trong đó 2 lễ quan trọng là lễ tổng kết cuối năm (ngày 20 tháng Chạp) và lễ chính đầu năm mới (1/2).
Hội làng có từ lâu đời, có những quy định rất nghiêm ngặt và còn giữ được nhiều nét đẹp về phong tục tập quán. Đó là người tham dự hội phải mặc trang phục truyền thống. Trước người đến dự hội làng chủ yếu là nam giới, chủ hộ gia đình trên nguyên tắc tự nguyện. Mỗi khi đến ngày hội làng thì con cháu các dòng họ dù có đi đâu xa thì cũng phải nhớ mà về. Khi tham gia hội làng, các thầy mo cả, hai và trưởng bản bắt buộc phải mặc trang phục dân tộc.
Không chỉ vậy, bạn còn thấy những hoạt động tín ngưỡng, cộng đồng độc đáo chỉ có ở hội làng. Theo lệ xưa, ngày diễn ra hội làng, khoảng 8 giờ 30 sáng, chủ hộ mỗi gia đình mang đến góp một con gà (từ 0,8-1kg), một bát gạo nếp, 1-2 lít rượu. Đây chính là vật phẩm để chuẩn bị cho lễ cúng tế được chủ trì bởi các thầy mo. Cho tới nay, tục này vẫn được duy trì tuy có phần bớt chặt chẽ hơn. Tất cả các yếu tố này tạo nên nét đẹp, thú vị của hội.
Nói là hội nhưng cũng có phần lễ và khá quan trọng. Trong các nghi lễ hội làng, thầy mo là người đóng vai trò quan trọng, phải là người “cha truyền con nối”, là người uy tín trong cộng đồng. Thầy mo sẽ làm 3 nghi lễ quan trọng: Cầu trời, thổ địa thành hoàng; cầu cho các dòng họ, người dân bản và cầu cho mùa màng, nương rẫy tốt tươi, bội thu… Người tham gia phải thành kính trong nghi lễ diễn ra khá dài.
Sau các nghi lễ, tới phần hội khi cả làng cùng nhau ăn uống vui vẻ, tụ tập vui chơi với các hoạt động, trò chơi dân gian như: Đánh cờ dân gian, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, hát đối giao duyên… Đặc biệt ở Hội làng còn có trò “ném còn”, chứ không phải tung còn như ngày nay. Theo đó, đến ngày hội làng, thanh niên nam, nữ đến tuổi trưởng thành đứng thành hai hàng, người nam sẽ ném quả còn vào phía người nữ, nếu đồng ý cô gái sẽ đứng yên và quả còn ném trúng, đôi nam nữ tự tách đám đông. Đây cũng là một hình thức giao duyên riêng có của dân tộc Dao ở Hoành Bồ trước đây.
Ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng uỷ xã, chia sẻ: Ngoài tuyên truyền gìn giữ, những nét đẹp của hội làng quanh năm được chính quyền quan tâm phát huy, để trở thành sản phẩm du lịch. Đây cũng là một trong những trụ cột xây dựng xã NTM kiểu mới trong thời gian tới của Bằng Cả.
Quả thật, người dân Bằng Cả tự hào bởi truyền thống vẫn được duy trì. Nét đẹp văn hóa của tộc người vẫn được giữ vững. Sở dĩ có điều này bởi cộng đồng nói chung và các cụ già làng, trưởng bản rất quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nét đẹp văn hóa, nghề truyền thống gắn với hội làng, như: Nghề làm rượu bâu, thêu, đan thổ cẩm, tục hát đối… được bảo tồn, đầu tư mở các lớp truyền nghề cho thế hệ sau. Cho tới nay, ở xã có 6 Nghệ nhân dân gian Việt Nam được Chính phủ công nhận cùng 2 Nghệ nhân Ưu tú ở lĩnh vực văn hoá dân tộc. Nghệ thuật thêu đan thổ cẩm, nấu rượu được gìn giữ, nâng thành nghề truyền thống.
Cùng với giá trị văn hoá độc đáo của hội làng, nhiều mô hình, không gian cũng được xã quan tâm đầu tư, hút khách. Xã đã xây dựng một số sản phẩm du lịch trải nghiệm, du khách được tham quan vườn cây dược liệu, trà hoa vàng, cây ăn quả, mô hình sản xuất rượu bâu… gắn với các hoạt động Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y Bằng Cả. Sau thời gian triển khai, bước đầu đã đón được chừng 10 đoàn khách năm 2023, trong đó có 2 đoàn khách quốc tế. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với các nghệ nhân mở các lớp dạy hát giao duyên, học chữ Nôm Dao, nhảy cấp sắc, may thêu trang phục dân tộc…