Cứ ngày 1/2 âm lịch hằng năm, người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long) lại tổ chức hội làng – lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm.
Theo quy ước, Hội làng Bằng Cả được diễn ra vào 5 ngày (theo âm lịch) trong năm gồm: Ngày 1/2, 1/4, 1/7, 1/10 và 20 tháng Chạp. Trong đó, hội làng đầu năm mới 1/2 được coi là lễ lớn, quan trọng nhất.
Theo các già làng, trưởng bản kể lại thì Hội làng ra đời theo tinh thần tương ái, cố kết cộng đồng của người Dao Thanh Y. Từ xa xưa, khi mới khai mở vùng đất còn nhiều khó khăn, vào dịp đầu năm thầy mo, người có uy tín trong cộng đồng, thường xuyên đứng ra hô dân làng giúp đỡ người khó khăn, người bị thiên tai, nghèo đói; giúp họ có mùa màng tốt tươi, cho một năm no ấm. Vì thế xưa nay, hội làng đều do thầy mo, người uy tín được tin cẩn cử, đứng ra tổ chức.
Già làng Đặng Văn Thương, Trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng thôn 2, xã Bằng Cả và là thầy mo thực hiện các nghi lễ ở hội làng, chia sẻ: Lễ đầu năm là lễ cầu phúc, an lành cho cả cộng đồng, cầu mưa thuận gió hòa, cày cấy tốt tươi cho cả năm và cũng là dịp để tưởng nhớ tổ tiên. Đây là lễ hội đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của bà con và là truyền thống trăm năm của người Dao để lại.
Theo đó, hội làng không chỉ là nơi gửi gắm những ước mong của người dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà còn chứa đựng trong đó cả đời sống văn hóa tinh thần, kết tinh văn hóa của người Dao Thanh Y. Trong hội làng, nhiều nét đẹp, phong tục được duy trì, thực hiện khá nghiêm ngặt, thành quy ước.
Từ trang phục, vật phẩm cúng lễ cho tới các nghi lễ… đều được đồng bào giữ nguyên phong tục xưa. Là lễ trọng, người dân, con cháu dù đi làm xa cũng cố gắng bố trí về đúng dịp dự. Người Dao Thanh Y cũng quy ước hội chỉ được tổ chức khi làng, bản có đủ 360 hộ trở lên.
Gọi là hội làng, nhưng phần lễ lại là phần đặc sắc và vô cùng quan trọng, bởi với họ dịp này được coi là lễ trọng. Người dân thành kính dâng lễ vật cúng thần linh, thổ địa, thần quân, Bàn vương, Thành hoàng của người Dao Thanh Y, lập và phù hộ cho làng, ấp ở đây và cũng là dịp thể hiện sự kính trọng biết ơn với những vị tiền nhân có công khai thiên lập địa, lập nên làng xã.
Trong hội có lễ lớn, kéo dài và do 1 thầy mo chủ xướng, cúng lễ. Trong lễ, thầy mo mặc đồ áo lễ sặc sỡ, thêu hoa văn công phu hình muông thú… Lễ đầu năm công phu, kéo dài thậm chí nửa hoặc cả ngày, thầy mo có thể tìm và lựa chọn cẩn thận các thầy mo khác để hỗ trợ. Với cộng đồng người Dao ở đây, thầy mo là người có ảnh hưởng, uy tín lớn và có tính chất kế thừa.
Hội đầu năm cũng là khởi đầu để bà con dân tộc ở đây thực hiện nhiều hoạt động lễ, hội quan trọng như cúng thần ruộng, thần nông để cày cấy, gieo mạ thuận lợi, cúng quý, cúng 4 mùa… Từ sớm, mỗi hộ gia đình cử đại diện mang tới hội những lễ vật là nông sản như con gà, bát gạo nếp hay lít rượu bâu… Sau lễ, tất cả lễ vật được góp lại rồi cả làng thụ lộc. Về sau này, giản tiện, có thể quy thành tiền, đóng đều giữa các hộ.
Hội làng đầu năm mới có tính mở, ít khắt khe hơn, khi không nhất thiết đại diện các gia đình là nam mới được đến dự. Các gia đình được coi là đủ tư cách dự hội khi chung sống trên 3 năm là được dự lễ hội đầu năm này.
Những năm gần đây, hội làng được quan tâm tổ chức đều đặn. Năm 2024, Hội làng được tổ chức công phu, kéo dài 2 ngày (9-10/3) với nhiều hoạt động thể thao, văn hoá như: Bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo, thi nấu rượu bâu, thi thêu thổ cẩm, các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa văn nghệ.