So với những trọng điểm nông nghiệp trong nước, Quảng Ninh có diện tích canh tác tương đối nhỏ, bị chia cắt, ít hình thành những vùng chuyên canh, kinh nghiệm canh nông của người dân chưa cao. Bù lại, Quảng Ninh có thị trường tiêu thụ nông sản lớn với sức mua nội tỉnh cao, dễ dàng xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ, biển và đường hàng không.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong khoảng 10 năm qua, các đơn vị thuộc Sở đã triển khai 27 nhiệm vụ, đề tài KH&CN, tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng, dành cho các mục tiêu: Chọn tạo cây, con giống; chăm sóc cây trồng, vật nuôi và NTTS; thu hoạch, bảo quản nông phẩm; lưu trữ giống gốc, bảo tồn gen đối với một số cây con bản địa; cơ giới hóa, tự động hóa, công nghiệp, xây dựng sang sản xuất nông nghiệp… Các mô hình cụ thể như sản xuất các modul dạng lego nhà kính, bể nuôi, hệ thống bơm, lọc, xử lý, cấp thoát nước, sơ chế, sấy nông phẩm, tiến tới là hình thành các mô hình NTTS tuần hoàn RAS không thay nước; canh tác trên biển đa canh, đa loài kết hợp lâm nghiệp… Hiện ứng dụng nông nghiệp 4.0 trong quản lý sản xuất, thương mại điện tử bán sản phẩm nông nghiệp; chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp đã tạo tiền đề cho tỉnh quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung; đã quy trình hóa các công nghệ sản xuất bản địa và tập hợp nông dân làm thương hiệu nông sản, tạo ra hệ thống nông sản chất lượng, trong đó có hơn 500 nông sản nằm trong danh mục OCOP của tỉnh. Quảng Ninh đã hiện thực hoá, thành công hoá các chương trình 135, 196, xây dựng NTM, qua đó làm đổi thay các vùng nông thôn; nông nghiệp, nông dân, nông thôn Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng trong cả nước trong những năm gần đây.
Thực tế hiện Quảng Ninh có những mô hình nông nghiệp giàu hàm lượng khoa học, tiêu biểu như: Mô hình rau thuỷ canh Green Farm 188 Mạo Khê (Đông Triều) là một trong những mô hình tiên phong sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel. Với kỹ thuật tưới này, đơn vị sử dụng những ống tưới dài, phân bổ nước đến từng gốc cây, cho phép cung cấp một lượng nước nhỏ, thích hợp với nhu cầu của từng loại cây một cách chậm và đều đặn, qua đó giúp cây phát triển tốt, đồng thời tiết kiệm nước, giảm chi phí vận hành và nhân vụ sản xuất. Hiện Green Farm 188 Mạo Khê còn sử dụng thiết bị chuyên dụng để đo nhiệt độ của lá cây, từ đó biết được lượng nước mà lá cây “làm mất”, và xác định được lượng nước mà cây cần hấp thụ một cách đều đặn để duy trì sự phát triển.
Cùng với công nghệ tưới nước nhỏ giọt, Quảng Ninh từng bước áp dụng các công nghệ nông nghiệp tiên tiến khác của Israel. Trong NTTS có công nghệ sinh học, công nghệ nhà bền vững, công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, công nghệ NTTS sản khép kín hoàn toàn trên đất liền, giải pháp chuyên về lọc nước cho hồ nuôi cá tôm… Trong chăn nuôi có giải pháp sử dụng chất hỗ trợ tăng trưởng tiên tiến cho vật nuôi, máy phân loại và robot tự động cho vật nuôi ăn, hệ thống lồng nuôi neo đơn thân thiện với môi trường…
Nông dân Quảng Ninh đang làm chủ hàng trăm mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản lớn nhỏ có hàm lượng KH&CN cao, tính hiện đại thể hiện trong cả quy trình hoặc trong từng khâu sản xuất; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào từng khâu sản xuất. Trình độ cơ giới hoá trong nông nghiệp của Quảng Ninh được đánh giá cao. Qua rà soát mới nhất, toàn tỉnh hiện có 7.000 máy làm đất, 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát, 700 máy gieo sạ… Tỷ lệ cơ giới hoá trong nông nghiệp ở các khâu sản xuất, thu hoạch và bảo quản nông sản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Những chuyển động đáng mừng về ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp là nền tảng của tam nông hiện đại trên vùng đất dịch vụ, công nghiệp Quảng Ninh.